CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN – Năm C – Ngày 13/02/2022

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6,17,20-26″]

Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn đến để nghe Người giảng.

Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:

“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,

vì Nước Thiên Chúa là của anh em.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,

vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.

Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.

Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa.23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.

Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.

Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.

Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

THẾ GIỚI PHẲNG TRƯỚC MẶT CHÚA

“Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng” (Lc 6,17).

Kính thưa cộng đoàn, trong tác phẩm “Thế giới phẳng”, Thomas Friedman đã định nghĩa thế giới phẳng là thế giới mà mọi cá nhân, cá thể sống được thu nhỏ, thu hẹp trong một phương tiện kĩ thuật số, chẳng hạn như máy vi tính hay tivi màn hình phẳng. Trong thế giới phẳng, mọi giới hạn bị phá bỏ, tất cả mọi người bình đẳng về cơ hội cũng như thách đố. Thế giới phẳng là từ ngữ mới nhưng nội dung của nó không mới. Quả thật, trước mặt Chúa thế giới này không chỉ phẳng mà còn phẳng tuyệt đối. Bởi lẽ Thiên Chúa là toàn năng thông biết mọi sự, Người không bị giới hạn bởi thời gian và không gian và Người đối xử với mọi người cách bình đẳng, nghĩa là quý trọng và yêu thương mọi người như nhau.

Khi tường thuật về các mối phúc, Thánh sử Luca không chọn núi cao như thánh Matthêu nhưng chọn chỗ đất bằng phẳng. Nơi bằng phẳng không chỉ dễ dàng cho việc tập trung đông người, nhưng còn dễ dàng cho việc quan sát và dạy dỗ. Thật vậy, với đám đông trên khoảng đất bằng, Chúa Giêsu thấy trong đám đông này có người nghèo, người đau khổ, người chịu bách hại. Chúa cũng thấy trong đám đông này có người giàu, người vui cười và người danh tiếng. Không những thế, Chúa Giêsu còn thấy mục đích, đức tin và lòng nhiệt thành của đám đông đi theo Chúa. Người thấy kẻ nghèo, người đau khổ, người chịu bách hại thì mau chóng đón nhận Tin Mừng (x.Mt 11,5), còn người giàu có, người quyền thế thì cứng lòng, tìm cách dò xét, bắt bẻ Người, gài bẫy Người. (x.Lc 14,1)

Với lòng nhân từ, Chúa Giêsu đã công bố các mối phúc để khích lệ người nghèo khó, đói khổ và Người cũng công bố các mối họa để răn đe, cảnh tỉnh người giàu có, người quyền thế. Người nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20), “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi” (Lc 6,24). Nghèo đói, khóc than hay chịu bách hại tự nó không phải là phúc. Nhưng phúc ở chỗ những kẻ nghèo đói, đau khổ và chịu bách hại sẽ dễ dàng tìm sự nương tựa nơi Chúa, dễ dàng đón nhận Tin Mừng và như vậy họ là người có phúc. Ngược lại những người giàu có, quyền thế… thường cậy dựa vào của cải, địa vị, chức quyền nên khó lòng đón nhận Tin Mừng, đó chính là họa. Anh thanh niên giàu có trong Tin Mừng đã bỏ rơi phần phúc khi anh từ chối bán hết của cải đem bố thí cho người nghèo để theo Chúa Giêsu. Anh ta không thể đón nhận phần phúc vì anh ta có nhiều của cải (x. Mt 19,16-22).

Trước nhan Chúa, mọi tư tưởng, dự tính, ước muốn của chúng ta đều được phơi bày trong một thế giới bằng phẳng, như lời Thánh vịnh 139 nói: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa” (Tv 139,1-2). Điều này không làm chúng ta sợ hãi hay lo lắng bởi vì Chúa yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta nhiệt tâm với Tin Mừng, Chúa sẽ khích lệ chúng ta tiến lên vì phần thưởng Nước Trời sẽ là của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta có góc khuất nào chưa dành cho Chúa, chưa phù hợp với ơn gọi, Chúa sẽ dạy dỗ, khuyên bảo, răn đe chúng ta qua tiếng lương tâm, qua lời dạy của bề trên, qua lời nhắc nhở của anh em.

Xin cho chúng ta có lòng nhiệt thành theo Chúa bằng tấm lòng đơn sơ, phó thác, biết nương tựa vào Chúa chứ không bám víu vào của cải, danh vọng trần gian là những thứ phù vân chóng qua.

[/loichua]

Comments are closed.