Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh Năm C – Ngày 19/05/2019

Lời Chúa: Ga 13,31-33a.34-35

Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.

Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.

 


Suy niệm

YÊU NHƯ CHÚA YÊU

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Mùa Phục Sinh là thời gian đặc biệt giúp chúng ta cảm nhận sâu xa tình yêu cứu độ của Đức Kitô. Đây cũng là thời gian để chúng ta nhìn lại và vun đắp cho mình ý thức thực thi lệnh truyền của Thầy Chí Thánh: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

“Thập Giá minh chứng tình yêu!

Ôi Thập Giá là tiếng nói yêu thương vô cùng!”

Quả thực, không một ngôn từ hay một hình ảnh nào mà trí khôn con người nghĩ tới có thể diễn tả tình yêu Đức Kitô trọn vẹn cho bằng chính thập giá của Ngài. Vì “không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của Đấng đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Hiến tế Thập Giá của Chúa đã bắt đầu bằng việc Chúa xuống thế làm người và được hạ sinh trần trụi khó nghèo nơi hang bò lừa. Thánh Phaolô đã nói: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Tình yêu đó lớn lao đến nỗi Đấng là Chúa, là Thầy mà đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,14). Bởi “Ngài yêu họ đến cùng” (Ga 13,1). Vì yêu đến cùng mà Chúa đã tặng ban cho con người chính thịt và máu Chúa. Vì yêu đến cùng, Con Thiên Chúa đã chấp nhận phó nộp mình chịu đau khổ, nhục nhã và chịu chết bằng một cái chết thê lương trên thập giá để không kẻ nào trong con cái loài người còn phải chịu như vậy nữa.

Cùng nhìn lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, khi các nhà thừa sai mới truyền đạo vào Việt Nam, người dân Việt Nam không biết tên gọi của đạo mới này là gì. Nhưng khi họ nhìn vào cách sống của những người theo đạo, họ đã gọi đạo mới này là “Đạo Yêu Thương”. Điều này nhắc nhở chúng ta: sự hiện diện, lời nói và việc làm của tôi có làm cho người khác nhận biết Chúa Kitô hay chưa?

Lạy Chúa, xin cho từng người chúng con luôn biết mở lòng ra với tình yêu của Chúa và nhờ tình yêu của Chúa sẽ làm tan chảy trái tim chai đá của chúng con, để chúng con ngày càng yêu mến Chúa và tha nhân nhiều hơn. Ngõ hầu, một ngày nào đó chúng con có thể thốt lên như thánh Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14). Amen.


Comments are closed.