[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 8,1-11″]
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? Họ nói như thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẫng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Rồi Người lại cuối xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu , và người phụ nữ thì đứng ở giữa. Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả”. Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SUY GẪM VỀ CHÍNH MÌNH ĐỂ SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG VÌ NGƯỜI KHÁC
“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7).
Theo lẽ thông thường, khi bị một người xúc phạm, chúng ta rất khó khăn để có thể tha thứ cho người ấy. Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “..hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (x. Mt 5,44). Giáo lý Đức tin Kitô giáo dạy rằng, chúng ta phải tha thứ cho người làm thiệt hại đến mình, cho dù việc thiệt hại đó có là gì đi chăng nữa (x. GLHTCG 2844). Như thế, lời dạy của Chúa Giêsu và truyền thống Giáo Hội giúp chúng ta sống tốt hơn đời sống tương quan đối với tha nhân trong cuộc sống của mỗi người. Lời dạy này cũng thích hợp với tâm tình của mùa Chay mà chúng ta đang sống và cử hành. Vậy chúng ta phải làm thế nào để thực hành lời dạy của Chúa Giêsu và Giáo hội, khi được mời gọi hãy yêu thương những người ngược đãi và xúc phạm đến mình?
Trích đoạn Tin Mừng cộng đoàn vừa nghe trình thuật về cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với những kinh sư và người Pha-ri-sêu. Tin Mừng thứ IV cho thấy, họ đến với Chúa chỉ với lý do là tìm cớ tố cáo Người (x. Ga 8,6a). Trong khi những kinh sư và Pha-ri-sêu đến với ý gài bẩy thì Chúa lại dẫn họ nhìn nhận đúng vấn đề mà họ đặt ra với Người. Trong khi họ cứ mãi tranh luận để cố bắt lý thì Chúa Giêsu lại im lặng và lấy ngón tay viết trên đất (x. Ga 8,6b). Có thể thấy, Chúa có ý để họ chú ý vào lời Người nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Chúa Giêsu tiếp tục im lặng và viết trên đất, để cũng chỉ có ý là muốn họ chú ý và để tâm suy nghĩ về điều mà Người đã nói. Và Tin Mừng cho thấy những kinh sư và Pha-ri-sêu đã hiểu ra vấn đề. Vấn đề mà Chúa muốn nói ở đây, không phải là có được ném đá hay không người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà là phải nhìn nhận người đã phạm tội này như thế nào? Điều Chúa muốn là họ hãy nhìn nhận người tội lỗi kia như nhìn vào chính bản thân họ, và ai cũng đều có lỗi lầm và thiếu sót cả. Theo đó, Chúa Giêsu cũng muốn khẳng định rằng, việc chân thành đón nhận lỗi lầm từ người khác cũng chính là khiêm tốn nhìn nhận sự thật về sự thiếu sót và bất toàn của bản thân mình. Như thế, mỗi người sẽ đón nhận người khác như là anh chị em và có thể yêu thương họ như yêu thương chính mình, đúng như lời Chúa dạy (x. Mt 5,44).
Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta không thể tránh khỏi những những trái ý và thiếu sót từ người khác, hoặc những hành động, hay lời nói, ý nghĩ không tốt gây ra cho người khác. Thiết nghĩ, lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng (x. Ga 8,7) thực cụ thể cho việc thực hành của mỗi người, trong việc sống tốt và thăng tiến mối tương quan với tha nhân. Có thể nói, việc xét mình sám hối hằng ngày và việc siêng năng lãnh nhận Bí tích Giao hòa giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc đón nhận người khác và nhìn nhận tích cực hơn trong đời sống tương quan với mọi người.
Nguyện xin Chúa ban ơn thông hiểu để giúp chúng ta nỗ lực trong việc học hỏi Lời Chúa và Giáo huấn của Hội Thánh. Nguyện xin cho những ánh sáng chân lý mà chúng ta đã học được hiện tại hóa trong cuộc sống và làm thăng tiến đời sống cộng đoàn. Nguyện ước cho Lời Chúa và Giáo huấn của Hội Thánh giúp chúng ta có được một ý nghĩ và đời sống thăng tiến hơn, hướng đến việc phục vụ và xây dựng cộng đoàn, nghĩa là biết nghĩ cho người khác, hiểu cho người khác và hành động vì người khác.
[/loichua]