Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay – Ngày 17/03/2024

Lời Chúa: Ga 12,20-33

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Phi-líp-phê quê ở Bê-ta-ni-a, xứ Ga-li-lê-a, và nói với ông rằng : “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giê-su”. Phi-líp-phê đi nói với An-rê, rồi An-rê và Phi-líp-phê đến thưa Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đáp : “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con : nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình ; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán : “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng : “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giê-su đáp : “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.

 


Suy niệm

LẼ SỐNG

“Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì. Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này” (Ga 12,27).

Trong lịch sử, trong văn học và trong các tôn giáo, chúng ta có thể thấy hình ảnh của những cái chết cao cả, để tố cáo một thực trạng nào đó của xã hội, để chứng tỏ tình yêu hay để làm chứng cho quan điểm của mình. Những cái chết ấy cho thấy hai điều: họ chết nhưng quan điểm, lý tưởng hay tình yêu của họ sống, và cái chết làm cho những điều ấy trở thành nguồn động lực cho những người còn lại. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được phúc chiêm ngắm Đức Giêsu Chúa chúng ta đứng trước Giờ chết của mình, đã động lòng xao xuyến. Qua đó, Người cho chúng ta thấy lẽ sống của Người.

Tin Mừng Gioan diễn tả Giờ của Đức Giêsu đã đến, lúc Chúa Cha tôn vinh Người Con, nhưng đó cũng là Giờ Tử nạn. Chúa Giêsu có thể nói đến sự sống của Người sau cái chết, Người cũng có thể nói về lý do mà Người sẽ chịu chết. Nhưng đứng trước giờ chết, Người xao xuyến, không biết nói gì và xin Cha cứu Người khỏi Giờ đó, nhưng Giờ đó lại là lý do mà Người đến, là tất cả lẽ sống của Người. Đây là một sự giằng co giữa vấn đề lớn nhất của hiện sinh và lý tưởng vượt lên trên phận người, giữa cái chết và điều sẽ đến sau cái chết. Lẽ dĩ nhiên, Đức Giêsu sẽ vẫn thi hành những gì Chúa Cha muốn, nhưng lời van xin cho thoát khỏi giờ ấy vẫn thốt ra mà không thánh sử viết Tin Mừng nào quên lời van xin ấy, như một Mặc Khải tinh tế đi vào chính hiện sinh của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể suy nghĩ về cái chết của người này hay người kia, đánh giá cuộc đời của họ lúc còn sống hay đau lòng khi họ đã chết, tôn vinh hay lên án, lấy làm gương hay gạt bỏ, nhưng lời chất vấn về sự hiện diện của chính mình trong cuộc đời này vẫn luôn còn đó, day dứt trong lòng cho đến khi ta bước qua giờ chết của mình và từ trong nỗi day dứt ấy mà Đức Giêsu cứu độ chúng ta.

Điều làm cho lẽ sống của Đức Giêsu vượt hẳn lên trên mọi lẽ sống khác là ngang qua cái chết, Người mặc khải về sự sống và sự sống ấy thì đời đời. Cuộc Vượt Qua của Người là câu trả lời trọn vẹn nhất cho chất vấn căn bản về lẽ sống của mỗi chúng ta. Thân phân phải chết này sẽ được hưởng sự sống đời đời nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu. Việc của chúng ta là tin vào Đức Giêsu, tin vào lẽ sống của Người, hành động theo Người và giao phó cả mạng sống cho Người. Đó cũng là thách thức cho mỗi chúng ta, để vượt qua nỗi day dứt của thân phận làm người, khi chúng ta sống cuộc đời của chính mình. Bởi lẽ ấy, như Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã từng viết: “Tin bao giờ cũng đồng nghĩa với một sự chấm dứt, một cú nhảy phiêu lưu, một sự liều lĩnh dám coi điều mình không thấy mới là điều chân thực, nền tảng”.

Lạy Chúa Giêsu, khi Phụng vụ Giáo Hội tái hiện lại Cuộc Vượt Qua của Chúa, xin cũng hãy tái hiện lại Cuộc Vượt Qua ấy trong cung lòng chúng con, để trong cuộc sống này, chúng con xác tín lẽ sống đích thực là nơi Chúa và tín thác cuộc đời cho Ngài. Amen.


Comments are closed.