Chúa Nhật Tuần V Mùa Chay Năm B – Ngày 21-03-2021

Lời Chúa: Ga 12, 20-33

Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su”. Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy”. “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”. Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa !” Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm!” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy !” Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người. Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”. Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.

 


Suy niệm

GIỜ CỦA CHÚA GIÊSU

“Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12,23)

Tin mừng theo thánh Gioan còn được biết đến với tên gọi là Tin mừng của “Giờ”. Xuyên suốt tin mừng này, Chúa Giêsu thường hay nhắc đến từ “giờ”. Khi ấy, Chúa dường như luôn muốn ám chỉ đến một thời khắc nào đó, thời điểm mà Người sẽ tỏ lộ thân phận thật sự, lẽ sống của Người trên trần gian. “Giờ” đó là gì? Qua bài tin mừng hôm nay, thánh sử Gioan dần hé mở cho chúng ta câu trả lời.

Bối cảnh bài tin mừng hôm nay diễn ra ngay sau khi Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Một số người Hy Lạp muốn gặp Chúa Giêsu nên mới thông qua môn đệ Philípphê để xin gặp Người. Chúa Giêsu có gặp những người Hy Lạp này không? Bài tin mừng không đề cập đến. Nhưng qua chi tiết gặp gỡ này, thánh Gioan muốn người đọc hướng đến một cuộc gặp gỡ lớn hơn của Thầy Giêsu. Chúa Giêsu muốn công khai gặp gỡ toàn dân, bởi tại thời điểm này, “giờ” của Người đã đến.

“Giờ” đã đến. Đây là thời khắc Chúa Giêsu tỏ lộ thân phận Messia (đấng cứu độ) của Người. “Giờ” đã đến. Đây là thời điểm Người tôn vinh Thiên Chúa Cha, không phải bằng dũng lực trần thế, song là bằng cuộc khổ nạn đau thương. Tại thời điểm này, thời khắc Chúa Giêsu được giương lên cao, cả nhân loại đã được cảm nếm tình yêu đích thực. Và nhờ mầu nhiệm tình yêu cao cả đó, muôn tạo vật được giải thoát khỏi xích xiềng tội lỗi. Tất cả được “nâng lên” với Người. Thật vậy đỉnh cao của mầu nhiệm cứu chuộc này quy tụ tất cả nơi Thánh Giá Chúa Giêsu. Ngày ấy, Người đã tỏ lộ vinh quang Chúa Cha, Đấng cai trị bằng tình yêu và sự tha thứ chứ không bằng quyền lực trần gian.

Chúa Giêsu nói: “Hạt lúa mỳ phải chết đi thì mới sinh được nhiều bông hạt khác”. Giờ Chúa Giêsu trút hơi thở Người đã nói lên cho toàn nhân loại biết rằng sự dữ không có quyền hạn chi với Người, vì ngay cả sức mạnh lớn nhất của sự dữ là cái chết cũng được Chúa Giêsu sử dụng để tạo nên sự sống, không phải sự sống hư mất, song là sự sống bất diệt. Điều này không phải lý thuyết suông, nhưng đã được minh chứng trong lịch sử bởi máu của các thánh tử đạo. Và quả thật như lời giáo phụ Tertulianô đã nói: Máu của các thánh tử đạo đổ ra đến đâu thì nơi đó hàng ngàn, hàng vạn hạt mầm Kitô hữu sẽ nảy sinh.

Các thánh tử đạo đã thực thi lời Chúa Giêsu dạy: “Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời. Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy”. Cha ông của chúng ta đã từ bỏ mạng sống để theo Chúa, còn chúng ta thì sao? Thời các thánh tử đạo “mạng sống” được hiểu là đổ máu, nhưng trong thời đại “bận rộn” này, “mạng sống” của người Kitô hữu chính là thời gian và cách sống. Bỏ thời gian để đến với Chúa qua thánh lễ, chúng ta có dám không? Sống ngay lành, công bằng, thật thà trong thế gian này, chúng ta có thể làm được không? Nếu chúng ta quảng đại với Thiên Chúa lẽ nào Người lại thua lòng quảng đại của chúng ta sao?

Mục đích tối hậu của người Kitô hữu là được gặp gỡ và ở lại với Chúa Giêsu. Ước mong chúng ta luôn tìm cách, sắp xếp thời gian để đến với Thiên Chúa mỗi ngày. Xin cho chúng ta luôn ghi nhớ lời Chúa dạy: “Được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì được ích gì?”(Mc 8,36).


Comments are closed.