Chúa Nhật Tuần I Mùa Chay Năm B – Ngày 21-02-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 1,12-15″]

Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người. Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

MÙA CHAY – KHÔNG GIAN THÂN MẬT VÀ THỜI GIAN CỦA TÌNH THƯƠNG

“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”

Kính thưa cộng đoàn, cách đây bốn ngày, mùa Chay bắt đầu với nghi thức xức tro nhắc nhớ chúng ta về thân phận bụi tro của mỗi người. Từ khởi đầu đó, trong suốt 40 ngày chay thánh, chúng ta thường xuyên được nghe và thực hành những việc cụ thể: ăn chay, cầu nguyện và gia tăng các việc bác ái. Hôm nay, Phụng Vụ Giáo Hội dẫn chúng ta đến chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc chiến đấu nơi hoang địa và mời gọi chúng ta bước vào một không gian thân mật và thời gian của tình thương.

Ngay sau khi Chúa Giêsu lãnh nhận Phép Rửa của Gioan, thánh Máccô ghi nhận một sự kiện rất ngắn gọn, Chúa Giêsu được Thánh Thần đẩy vào hoang địa 40 đêm ngày và chịu Xatan cám dỗ. Hình ảnh hoang địa vốn chiếm vị trí quan trọng trong kinh nghiệm đức tin của dân Thiên Chúa, giờ đây trở thành kinh nghiệm của Chúa Giêsu trong thân phận phàm nhân. Sự tĩnh lặng và thiếu thốn của hoang địa gợi nhớ đến những thời khắc hoàn toàn chơi vơi của Israel sau khi ra khỏi Ai Cập. Sách Xuất Hành cho biết, tình thế không bánh ăn, không nước uống khiến dân nổi loạn muốn ném đá Môsê, người đã theo lệnh Thiên Chúa mà dẫn dân vào hoang địa (x. Xh 17,3). Kinh nghiệm thương đau đó đã dạy Israel những bài học rất lớn, đó là ý thức sự mỏng giòn của mình và tín thác vào Thiên Chúa. Để rồi, cũng trong hoang địa họ đã trải qua một kinh nghiệm đầy thân thương, kinh nghiệm về một Thiên Chúa mang trái tim thổn thức trước sự ngoảnh mặt đi của dân Người tuyển chọn. Tiên tri Hôsê đã truyền lại lời Chúa: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16). Như thế, bước vào hoang địa là lúc Chúa Giêsu bước vào vận mệnh của dân tộc mình. Chúa đã bước tiếp cuộc hành trình thiêng liêng của dân Người. Nhưng thay vì Israel đã thất bại trong hoang địa khi gặp những thử thách, thì Chúa Giêsu đã chiến thắng những cám dỗ. Kể từ đây, hoang địa không còn phải là một nơi đáng sợ nữa, nhưng là một không gian cần thiết để tìm lại sự thân mật thuở ban đầu đã bị tội lỗi phá tan và chuẩn bị cho một khởi đầu mới của lịch sử, mà con số 40 là một biểu tượng.

Thật thế, không riêng gì thánh Máccô mà cả thánh Mátthêu và thánh Luca đều ghi nhận Chúa Giêsu ở trong hoang địa 40 đêm ngày. 40 trong lịch sử Israel là con số tượng trưng sửa soạn cho một khởi đầu mới. Trước khi tái lập giao ước với Nôê, Thiên Chúa cho cơn mưa ập xuống suốt 40 ngày và 40 đêm (x. St 7,4). Cũng trong 40 ngày và 40 đêm, Môsê ở trên núi và lãnh nhận lề luật của giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người (x. Xh 28,14). Tiên tri Êlia đã đi bộ suốt quãng đường trong 40 ngày và 40 đêm về núi Horép để lãnh nhận sứ mạng tái lập giao ước (x. 1V 19,8). Chỉ cần làm một phép toán nhỏ, chúng nhận ra điều đặc biệt của con số 40. 40 tuần tương ứng với 280 ngày, cũng là 9 tháng 10 ngày, là khoảng thai kỳ, một thời gian cần thiết để thai nhi lớn lên và bắt đầu cuộc sống. Từ đấy, chúng ta không khỏi kinh ngạc trước tình thương của Thiên Chúa như một người Cha cưu mang đứa con của mình là Israel suốt 40 năm trong hoang địa. 40 năm hành trình dong duổi trong hoang địa, như thế không phải là thời gian chỉ toàn thử thách, nhưng cần phải được hiểu như một khởi đầu chan chứa tình thương của Thiên Chúa dành cho dân Người, trước khi họ được cư ngụ trong miền đất hứa. Ở đây, thánh Máccô tỏ cho chúng ta thấy, sau 40 ngày Chúa Giêsu ở trong hoang địa, một khởi đầu mới đã khai mào qua lời rao giảng của Người và trở thành trọng tâm của lịch sử cứu độ: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Động từ Hy Lạp “sám hối – μετανοεῖτε” không chỉ mang một nghĩa thuần luân lý là “hối tiếc lỗi lầm”, cũng không phải ám chỉ đến các nghi thức phụng vụ, nhưng tiên vàn là “thay đổi tất cả não trạng”. Sám hối là sự biến đổi con tim để quay về với Thiên Chúa, là chỉnh đốn lại đời sống của mình. Sám hối cũng là lời kêu nài khiêm cung, một hành vi tín thác, một thái độ sẵn sàng tiếp nhận ơn cứu độ qua việc tin vào Tin Mừng là Đức Giêsu Kitô.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi bước vào hoang địa không phải để tìm cho mình những thử thách, nhưng là tìm một không gian để tiếp xúc với Thiên Chúa, dễ dàng nghe thấy và nhận ra đường lối Chúa muốn chúng ta bước đi. Sự vấp ngã của Israel trong hoang địa dạy cho chúng ta bài học: thử thách luôn có giá trị khi làm cho đức tin của chúng ta được lớn lên và trưởng thành. Trong thân phận phàm nhân Chúa Giêsu cũng phải trải qua “cuộc xuất hành của Israel, phải kinh qua những sai lạc và khủng hoảng của lịch sử… đón nhận nó vào trong mình và mang lấy nó đến cùng tận.” Chúng ta cũng được mời gọi bước đi trong cuộc xuất hành của đời mình, bằng cách trung thành với lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa, học cách hướng về phía Thiên Chúa trong tất cả chọn lựa lớn bé của cuộc đời hầu có thể thi hành ý muốn của Thiên Chúa giữa trần gian.

Xin cho mỗi chúng ta sống những ngày chay thánh với sức mạnh của Thiên Chúa để vượt thắng những cám dỗ đang đeo bám và ràng buộc tâm hồn chúng ta. Xin Chúa giúp cho mỗi chúng ta luôn biết trở về với lòng mình để qua cầu nguyện, chay tịnh và thực thi bác ái, chúng ta sống đúng với phẩm giá của những người đã được cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.

[/loichua]

Comments are closed.