Thứ Bảy sau Lễ Tro. Ngày 20-02-2021

Lời Chúa: Lc 5, 27-32

Khi ấy, Chúa Giêsu trông thấy một người quan thuế tên là Lêvi đang ngồi ở bàn thu thuế, Ngài bảo ông: “Hãy đi theo Ta”. Ông liền bỏ mọi sự đứng dậy theo Người. Lêvi đã dọn một bữa tiệc linh đình thết đãi Người tại nhà ông. Có đông người thu thuế và nhiều người khác cùng ngồi ăn với các ngài. Những người biệt phái và các luật sĩ của họ lẩm bẩm với các môn đệ của Người rằng: “Sao các người lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?” Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”.

 


Suy niệm

LÒNG NHÂN LÀNH CỦA ĐỨC GIÊSU CẢM HÓA NGƯỜI TỘI LỖI

Chúa Giêsu trả lời họ rằng: “Những ai mạnh khoẻ không cần tới thầy thuốc, chỉ những người đau yếu mới cần thôi. Ta đến không phải để kêu mời người công chính, nhưng để gọi kẻ tội lỗi ăn năn hối cải”. (Lc 5,31-32)

Thời đại nào cũng có người tốt và kẻ xấu, người lương thiện và kẻ tội lỗi. Lẽ thường, người tốt thì được nhiều người kết bạn, ngược lại người xấu thì bị nhiều người xa lánh. Để một người xấu trở nên tốt thì không chỉ nhờ sự nỗ lực của bản thân người đó, nhưng còn nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, những người sống xung quanh và nhất là những người thân của họ. Trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu có một phương cách rất hữu hiệu để giúp hoán cải những người tội lỗi.

Trong bài Tin mừng, chúng ta thấy những người biệt phái và các luật sĩ khó chịu, vì Đức Giêsu cùng dự tiệc với Matthêu và những người thu thuế. Họ khó chịu vì nguyên nhân dân Do thái đang sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma. Trong đế quốc Rôma, các nhân viên thu thuế được hưởng hoa hồng trên số thuế họ thu, nhưng phần đông thường thu thuế quá mức quy định để vơ về cho mình số tiền vượt mức ấy. Đây là một nghề dễ làm giàu một cách bất chính. Theo luật của người Do thái, đây là nghề chính thức bị cấm. Ai làm nghề này thì bị coi như mất phẩm giá, và bị tước quyền công dân, quyền chính trị. Vì thế, những người làm nghề thu thuế đều bị mọi người Do Thái oán ghét, khinh bỉ, tẩy chay, và coi là phường tội lỗi.

Khác với thái độ của những người biệt phái và các luật sĩ chủ trương phải xa lánh những người tội lỗi, Đức Giêsu luôn đi đến với người tội lỗi, thăm viếng họ hầu đem tình yêu của Thiên Chúa và ơn cứu độ đến cho họ. Đức Giêsu nói rõ sứ mệnh của Ngài là: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Quả thật, Đức Giêsu luôn đứng về phe những kẻ cùng khổ, yếu đuối và tội lỗi để bênh vực chở che họ. Chưa bao giờ thấy Ngài sát cánh với người biệt phái để tố cáo và lên án những người có tội. Điều đó không có nghĩa là Thiên Chúa dung túng và mở đường cho tội lỗi gia tăng, nhưng đúng hơn với con tim yêu thương tràn đầy, Ngài luôn mở lối cho người có tội bước vào một cuộc sống mới, trong một tinh thần và thái độ mới. Còn thái độ của chúng ta với những anh chị em lỡ lầm và tội lỗi như thế nào? chắc hẳn một số người vẫn thường đánh giá người khác theo dáng vẻ bên ngoài, bình phẩm, phê phán những khuyết điểm nhỏ của anh chị em, thậm chí có người xa lánh những người mà họ cho là tội lỗi. Thay vì khinh chê, loại trừ, phế bỏ, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu tiếp xúc với những người tội lỗi, nhưng không chấp nhận tội lỗi và không đồng lõa để phạm tội, mà phải tạo cho họ một cơ hội để vươn lên và biến đổi.

Đức Giêsu thương xót để chúng ta được cảm hóa, Thiên Chúa kiên nhẫn tha thứ để chúng ta được cứu độ và được trở nên con cái Thiên Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta nhận ra mình là kẻ có tội, để ta có thể sẵn sàng cảm thông và chia sẻ yếu đuối của anh em mình; ngõ hầu biết cộng tác với ơn Chúa để từng ngày cải tạo đời sống và nhất là biến cuộc sống của mình trở thành một trang Tin Mừng, một lời loan báo về Đức Kitô cho mọi người.


Comments are closed.