LẬP TÔNG TÒA THÁNH PHÊRÔ – Ngày 22-02-2021

Lời Chúa: Mt 16,13 - 19

Khi ấy, Chúa Giêsu đến miền Sêsarê Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai”? Các ông thưa: “Kẻ thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một trong các tiên tri”! Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai”? Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt máu huyết mặc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo con biết: Con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”.

 


Suy niệm

GIÁO HỘI CỦA NIỀM TIN

“Simon Phêrô thưa rằng:
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”” (Mt 16,16).

Sêsarê Philipphê là một miền đất phía bắc của Samari, nơi vốn bị người Do Thái coi thường, vì họ cho rằng nó là vùng đất không tinh ròng về tôn giáo, pha trộn giữa dân ngoại và dân Do Thái. Và chắc hẳn ở nơi đây sẽ không tìm thấy một niềm tin về Thiên Chúa cách tốt đẹp và hoàn hảo. Vậy tại sao Chúa Giêsu lại chọn chỗ này để hỏi các môn đệ về căn tính của mình, và cùng lúc đó thiết lập Giáo hội của Người? Giáo hội Người thiết lập, với Thánh Phêrô được chọn là người đứng đầu, có điểm gì đặc biệt?

Những thăng trầm của Giáo hội 2000 năm qua cách trực tiếp hay gián tiếp đã trả lời cho câu hỏi này. Chúa muốn thiết lập Giáo hội của Người không như một thực thể chính trị, hay một thế lực tôn giáo nhưng là một cộng đoàn của niềm tin. Niềm tin ấy được thánh Phêrô đại diện tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Niềm tin của Thánh Phêrô còn được thử thách nhiều, và nó chỉ hoàn thiện sau Mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Chúa Giêsu đã nói với thánh Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện để con khỏi mất đức tin, và phần con, khi đã trở lại, con hãy làm cho anh em con vững tin” (Lc 22,32). Thế nên, tiếng nói của thánh Phêrô vừa mang tính cá nhân, vừa là tiếng nói chung, là lời tuyên xưng của cộng đoàn: Chúng tôi tin Đức Giêsu là Đấng cứu độ, là Thiên Chúa. Và đây chính là nền tảng, là căn tính của Giáo hội, một thực thể hữu hình Chúa thiết lập trên trần gian, nơi Người đổ tràn chân lý và ân sủng cho mọi người.

Qua các thế hệ, nhiều người vẫn có cái nhìn sai lạc về Giáo hội. Họ vẫn coi Giáo hội là một tổ chức đầy quyền lực, có trật tự, nhưng độc đoán, bảo thủ… Một phần trách nhiệm cho cái nhìn này thuộc về lối sống của các Kitô hữu, đặc biệt là linh mục, tu sĩ và chủng sinh. Chúng ta ở trong Giáo hội để làm gì? Thưa, chúng ta ở trong Giáo hội là để nói lên niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi, tin vào Chúa Giêsu Kitô, và cho mọi người nhận biết niềm tin ấy bằng lối sống theo Tin Mừng. Chính vì thế, niềm tin này không chỉ nằm trên môi miệng, nhưng nên nằm trong chính lối sống của mỗi người. Từ tổ phụ Abraham cho đến ngày nay, mỗi vị thánh đều có cách rất riêng để thể hiện niềm tin của mình. Lý tưởng sống của chúng ta là nên thánh, nên thánh trong niềm tin của chúng ta, qua việc sống và thể hiện niềm tin bằng chính con người mình, bằng phong cách của mình, bằng tài năng của mình, và kể cả những điểm yếu, thiếu xót của mình. Mỗi sáng tạo và cá vị trong phong cách sống thánh của mỗi người sẽ giúp thế giới nhận ra đây là cộng đoàn của những người tin.

Mừng kính ngày lập Tông tòa Thánh Phêrô, ta hãy nguyện xin cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Xin Chúa thương gìn giữ, che chở, nguyện cầu, và ban thêm sức mạnh, lòng tin cậy mến thẳm sâu để ngài lãnh đạo đoàn chiên Chúa đã ủy thác cho ngài, làm cho đoàn chiên ấy ngày một thêm vững lòng tin.


Comments are closed.