Chúa Nhật Tuần 26 Thường Niên – Ngày 27/09/2020

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 21, 28-32″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’ Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: ‘Thưa cha, vâng, con đi’. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NGƯỜI KITÔ HỮU NÓI VÀ LÀM

“Nó thưa lại rằng: ‘Con không đi’. Nhưng sau nó hối hận và đi làm.” (Mt 21,29)

Đời sống con người thường bị tách biệt trong tương quan giữa nói và làm. Trong vai trò người Kitô hữu, tương quan giữa lời nói và việc làm phải luôn gắn bó mật thiết với nhau. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho tất cả những ai theo Người. Lời nói và việc làm của Chúa Giêsu luôn thống nhất để tỏ cho nhân loại thấy tình yêu và vinh quang Chúa Cha, đồng thời mang lại ơn cứu rỗi cho con người.

Cụ thể trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn về việc nói và làm của hai người con để cảnh tỉnh nhân loại. Dụ ngôn đưa ra hai cách hành xử mang tính tương phản: việc chối từ lời mời gọi của cha và việc hối hận để thực thi lời mời gọi nơi người con cả đối lại thái độ vâng phục nhưng không thi hành nơi người con thứ. Sự tương phản này nhắm trực tiếp đến hai đối tượng tiêu biểu của xã hội Do-thái đương thời: những bậc vị vọng trong dân chúng gồm các Thượng tế, kỳ mục, kinh sư, biệt phái… và những con người bên rìa xã hội Do-thái giáo là những người thu thuế, tội lỗi và gái điếm. Đối với Thiên Chúa, cả hai đối tượng này đều được mời gọi trở nên con cái Ngài, tin vào Ngài và sống phù hợp với điều Thiên Chúa chờ mong nơi loài người. Việc đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa không dừng lại ở “tư tưởng đúng” mà đi theo là “hành động đúng”. Các Thượng tế, kinh sư và biệt phái am hiểu lề luật của Thiên Chúa, họ biết điều gì đúng đắn nhưng họ không làm. Trái lại, những người thu thuế và gái điếm nhận ra được ý muốn của Thiên Chúa nơi cuộc đời họ và ra sức để thực thi ý muốn đó.

Nhiều Kitô hữu cũng đang rơi vào não trạng của các kinh sư và biệt phái. Họ hoàn toàn ý thức được những thúc đẩy của tiếng lương tâm và luật tự nhiên mà Thiên Chúa phú bẩm nơi chính tâm hồn họ. Họ có cơ hội đễ học biết các giáo lý và giáo huấn của Giáo Hội. Tuy nhiên, trong cách làm, họ cố tình né tránh tiếng mời gọi của Thiên Chúa để có thể thu vén những gì tốt đẹp về cho riêng mình. Thiên Chúa quảng đại ban phát của cải vật chất cho toàn thể nhân loại, nhưng mỗi phút trôi qua, thế giới vẫn có người chết đói. Lời cầu xin trong kinh Lạy Cha: “xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” dường như tương phản hoàn toàn với hành động thu tích tài sản về cho riêng mình. Lời kinh tốt đẹp dâng lên Thiên Chúa để xin Người ban phát lương thực cho toàn thể nhân loại bị lu mờ trước việc làm của con người, trong đó có các Kitô hữu.

Ước gì lời Chúa hôm nay thức tỉnh và thấm nhập vào tâm hồn các Kitô hữu, để từng lời nói hay việc làm chúng ta thực hiện luôn gửi trao tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.

[/loichua]

Comments are closed.