Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
“Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16).
Khi cử hành Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể, chúng ta không thể nào không tôn vinh Mẹ Ma-ri-a, Đấng được Thiên Chúa yêu thương. Với thái độ sẵn sàng, Mẹ Ma-ri-a đã đón nhận dòng thác tình yêu của Thiên Chúa đổ tràn nơi Mẹ khi tiếng “Xin vâng” của Mẹ cất lên, chính là lúc Ngôi Lời hằng hữu bắt đầu hiện hữu trong lòng Mẹ, từ đây Mẹ diễm phúc được làm Mẹ Thiên Chúa.
“Mẹ Thiên Chúa”, Theotokos, là tước hiệu được dành cho Mẹ Ma-ri-a vào thế kỷ V, chính xác tại công đồng Ê-phê-sô vào năm 431. Tước hiệu này muốn nhấn mạnh rằng Đức Giê-su là Thiên Chúa và là người thật , được sinh ra bởi Đức Ma-ri-a. Tất cả tước hiệu dành cho Mẹ đều có nền tảng trong ơn gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế, một con người được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện kế hoạch cứu độ, với trọng tâm là mầu nhiệm cao cả của Ngôi Lời nhập thể.
Thánh Phao-lô nói đầu và thân thể thì không tách rời nhau, và Đức Ki-tô là Đầu của Hội thánh (x. 1Cr 12,12-30). Hội thánh là Thân thể Mầu nhiệm của Đức Ki-tô và Đức Ki-tô là Đầu của Thân thể Mầu nhiệm này . Vì thế, Đức Ma-ri-a sinh ra Đức Ki-tô, và trong Đức Ki-tô, Đức Ma-ri-a cũng sinh ra Ki-tô hữu. Vậy, Đức Ma-ri-a là Mẹ Chúa Giê-su và cũng là Mẹ Hội thánh thể hiện qua “Mẫu tính Mẹ Thiên Chúa”, và “Mẫu tính thiêng liêng: Mẹ Hội thánh”. Mẹ Ma-ri-a đã hiện diện và đồng hành với con cái Mẹ trong Hội thánh lữ hành.
Bởi vì là Mẹ của Giáo hội, Đức Ma-ri-a cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta, vì chúng ta là thành phần trong thân thể Nhiệm Mầu của Đức Ki-tô. Mẹ gần gũi chúng ta hơn bao giờ hết, Mẹ là mẹ của mọi niềm an ủi và mọi sự trợ giúp.Mẹ là người mà bất cứ ai, trong hoàn cảnh khó khăn, yếu đuối và tội lỗi đều có thể khẩn cầu, bởi vì Mẹ hiểu biết nỗi lòng chúng ta và là chỗ tựa nương cho những ai biết mở lòng ra đón nhận ân sủng của Chúa. Nhờ Mẹ, chúng ta dễ đến gần Chúa hơn. Các Ki-tô hữu luôn xem Mẹ là “con đường tắt” đi đến Thiên Chúa, một con đường rút ngắn cuộc hành trình.
Hôm nay, nhờ gương sáng và lời cầu bầu của Mẹ, mỗi người chúng ta biết mau mắn nói lời “vâng” mỗi ngày trong mọi lúc mọi nơi, xin vâng để ta trở nên chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô và trở nên con cái của Mẹ Ma-ri-a.
Xin Chúa giúp chúng con đừng cậy dựa vào sức mình nhưng luôn biết trông cậy vào quyền năng của Chúa, nhất là biết tín thác trọn vẹn vào chương trình kỳ diệu mà Chúa muốn thực hiện nơi thân phận bé nhỏ, yếu hèn của chúng con theo gương Mẹ. Amen.
[/loichua]