Chúa Nhật II Phục Sinh Năm B – Ngày 11-04-2021

Lời Chúa: Ga 20,19-31

Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tôma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

 


Suy niệm

PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN

“Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Nhắc đến thánh Tôma, nhiều người nghĩ ngay đến một vị tông đồ cứng lòng tin. Trong đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chính Chúa Giêsu cũng nói với Tôma: “đừng cứng lòng nữa.” Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thấy nơi Tôma một vị tông đồ hoài nghi thì chúng ta đã bỏ lỡ điểm quan trọng mà thánh Gioan muốn gửi gắm qua trình thuật Tin Mừng. Không phải sự ngờ vực mà chính đức tin mới là trọng tâm của bài giáo lý mà thánh Gioan viết cho cộng đoàn của ngài và cho tín hữu mọi thời đại.

Những lần xuất hiện trong Tin Mừng Gioan, thánh Tôma đều tỏ ra là một con người rất thực tế. Tính cách đặc biệt này được thể hiện rõ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” Đây không phải là sự ngoan cố của một người chống lại chứng từ của cộng đoàn. Nhưng xét theo cá tính của thánh Tôma, niềm tin vào Chúa Giêsu Phục Sinh dù được tiếp nhận qua cộng đoàn vẫn là một hành vi cá nhân. Nghĩa là, dù cho mọi người thấy Chúa thì điều đó chắc chắn là chưa đủ với thánh Tôma, cho đến khi vị tông đồ này được thấy Chúa theo nghĩa là nhận biết Người. Lời tuyên xưng của thánh Tôma: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” một lần nữa tô đậm thêm nét tính cách của vị tông đồ này. Tin không chỉ là kết quả sau khi đã thấy, mà quan trọng hơn là một thôi thúc hướng về phía Thiên Chúa và bước vào tương quan tình yêu cá vị với Người.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là: Phải chăng chứng tá của cộng đoàn chỉ là điều thêm vào cho niềm xác tín của thánh Tôma? Thánh Gioan trả lời cho chúng ta chất vấn này. Mở đầu trình thuật, Chúa Giêsu hiện ra khi các môn đệ tụ họp trong một căn phòng đóng kín vì sợ người Do Thái. Tám ngày sau, họ vẫn ở với nhau, nhưng lạ lùng là các cửa vẫn còn đóng kín. Nếu niềm vui là cảm nghiệm của từng môn đệ sau khi đã được xem tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu Phục Sinh thì tại sao căn phòng của các ông vẫn còn đóng kín? Lý do sợ người Do Thái là chưa đủ cho bằng những căn phòng vô hình đóng kín vẫn tồn tại giữa cộng đoàn của Gioan. Đó là căn phòng của những người đã thấy Chúa mà vẫn không có sự biến đổi nào trong cuộc sống. Sự phân cách giữa đức tin và cuộc sống khiến cho lời rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh của cộng đoàn không còn đủ sức thuyết phục. “Phúc thay những người không thấy mà tin” không chỉ dành riêng cho thánh Tôma, mà còn cho các môn đệ trong căn phòng hôm ấy và cả chúng ta ngày hôm nay.

Thật vậy, kinh nghiệm thấy Chúa không phải là hành vi đức tin chỉ cần tuyên xưng một lần là đủ mà luôn cần phải được nuôi dưỡng, lớn lên ngay giữa cộng đoàn. Cùng với đó, kinh nghiệm “thấy Chúa” không bao giờ được tách rời khỏi kinh nghiệm “thấy nhau” trong cuộc đời. Xin cho chúng ta học được kinh nghiệm đức tin của thánh Tôma, ý thức sự hiện diện của Chúa ngay trong những cử hành đức tin của cộng đoàn. Đồng thời, chúng ta xin cho mình ơn bình an của Chúa Phục Sinh để sẵn sàng ra đi làm chứng cho Chúa giữa thế gian.


Comments are closed.