Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm B – Ngày 24/12/2017

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 1,26-38″]

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

TỪ TIẾNG XIN VÂNG

“Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).

Tiếng “xin vâng” của Đức Maria trở thành điều kiện cho Ngôi Lời nhập thể. Không những muôn loài trông đợi tiếng “xin vâng” của Đức Mẹ để hưởng nhờ ơn cứu độ, mà chính Con Thiên Chúa cũng đợi chờ tiếng “xin vâng” của cô thôn nữ làng Nadareth, mới nhập thể cứu đời. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Điều này nói lên sự cao quý của tự do Thiên Chúa đã tặng ban cho con người, và mặt khác, cũng nói lên niềm hạnh phúc của người nào dùng sự tự do để đáp lại tiếng Chúa mời gọi. Họ đang sử dụng đúng tự do được nhận lãnh. “Xin vâng” không chỉ một lần, “xin vâng” khởi sự cho ngàn lời vâng, quả là cao quý vô ngần, ai tự do đáp “xin vâng” ý Trời. Đức Maria thưa “xin vâng” với Thiên Chúa, để rồi sẽ được diễm phúc cảm nghiệm cuộc đời hoàn toàn vâng phục Chúa Cha của Con mình: “Tôi không tự mình làm bất cứ điều gì… Mục đích của tôi không phải là làm theo ý tôi, nhưng là ý của Đấng đã sai tôi” (Ga 5,30). Cảm nghiệm sự vâng phục của Con đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, Đức Maria lại nhận ra giá trị của lời “xin vâng” trong ngày truyền tin. Nhận ra không phải để kiêu ngạo, nhưng là để ca ngợi Thiên Chúa suốt cuộc đời: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,47-48).

Vâng lời bề trên tương đối dễ. Lắng nghe lời góp ý, bình phẩm của người ngang hàng khó hơn một chút. Đón nhận lời phê bình của người dưới hay không ngang hàng bắt đầu rất khó. Mọi lời bình phẩm xuất phát từ phía người chúng ta không ưa, thật khó để lắng nghe, thậm chí ta để ngoài tai, coi như không có. Đức Maria để lại cho chúng ta bài học khiêm nhường. Không chỉ khiêm nhường đón nhận lời thiên sứ ngày truyền tin, mà còn khiêm nhường chịu đắng lòng, khi nghe những lời bình phẩm không mấy tốt đẹp của dân chúng về Con của Mẹ: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Capharnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4,23). Nhất là khiêm nhường đón nhận lời của Chúa Giêsu: “Mẹ và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21). “Vâng phục là lắng nghe một tiếng nói vẫn đang nói với ta hôm nay, và cho phép mình cảm nhận được sự săn sóc yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống hiện tại của ta”.

Lạy Chúa, xin giúp con sống khiêm nhường, để có thể can đảm thưa tiếng “xin vâng” ý Chúa trong cuộc đời con. Và để rồi, trong sự khiêm nhường, con nhận ra Chúa đang đổ đầy ân sủng trong cuộc đời của con. Từ đó, con biết trông cậy vào Chúa nhiều hơn.

[/loichua]

Comments are closed.