Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân không thể tách rời nhau. Mạc khải Ki tô giáo khẳng định rằng tương quan đích thực với Thiên Chúa Cha khi giải thoát chúng ta khỏi mọi tha hóa, giúp cho chúng ta hoàn toàn có thể mở ra với những người anh em chúng ta. Chính vì thế, hai giới luật đứng đầu của Luật Mô sê nền tảng của Luật Ki tô giáo, vẫn không thể tách rời nhau.
Sách Xuất hành 22, 20-26
Luật Mô sê có mục đích diễn tả những đòi hỏi nội tâm của con người được giải thoát khỏi ách nô lệ, nghĩa là khỏi các tha hóa giam hãm nó trong chính mình cũng như trong ách nô lệ bên ngoài. Bộ luật tôn giáo đó diễn tả trên bình diện con người cách hành xử của chính Thiên Chúa.
Thánh Vịnh 17
Đấng Thiên Chúa hùng mạnh đã giải thoát Vua của Ngài khỏi những nguy hiểm đe dọa. Vua muốn tạ ơn Ngài bằng cách làm cho sự công chính ngự trị trên toàn thế giới. Nhờ đó mà mọi dân tộc sẽ có thể khám phá ra Chúa.
Thư 1 Tê-xa-lô-ni-ca 1, 5c-10
Qua thái độ đối với các tín hữu của mình, Thánh Phao lô đã cố gắng phản ảnh Tình yêu của Thiên Chúa. Ngài ao ước dân thành Tê-xa-lô-ni-ca bắt chước Ngài mà trở nên gương mẫu của lòng tin và tình yêu cho tất cả những người chung quanh. Được cứu thoát khỏi những bụt thần tha hóa, và quay về với Thiên Chúa đích thật, họ sẽ làm việc cho Nước Chúa trị đến, nơi họ sẽ được ban cho sự sống đời đời.
Tin mừng: Mt 22:34-40
NGỮ CẢNH
Đoạn Tin mừng nầy nằm trong ngữ cảnh những cuộc xung đột giữa Chúa Giê su và các địch thủ của Ngài. Sau những vấn nạn về nộp thuế cho Hoàng đế (cc.15-22), vấn đề kẻ chết sống lại (cc 23-33), là những câu hỏi về giới răn lớn nhất (cc 34-40), và sau cùng là vấn đề Con Vua Đa vít (cc 41-46). Tất cả đều là những đề tài được tranh luận nhiều nhất trong thời Chúa Giê su.
Có thể đọc đoạn tin mừng theo bố cục sau đây:
1. Nhập đề: hoàn cảnh (34)
2. Câu hỏi: điều răn nào trọng nhất (35-36)
3. Câu trả lời của Chúa Giê su (37-40)
TÌM HIỂU
Những người Pharisêu họp nhau lại: Kiểu nói được dùng ở đây lấy lại nguyên văn kiểu nói dùng trong Tv 2,2: “Vua Chúa trần gian dấy binh khởi nghĩa, vương hầu liên minh một khối (= “tụ họp lại một chỗ”) chống lại Đức Gia vê và Đức Ky tô của Người. (x. Mt 26,3). Qua đó, Mt ngụ ý rằng những cuộc tranh luận khởi động cuộc đối đầu quyết liệt sẽ đưa Chúa Giê su đến thập giá.
Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại biến cố nầy nhưng mỗi tác giả theo hướng riêng của mình: trong Mt, thầy thông luật hỏi Chúa Giê su với ý xấu (x. 19,3;22,15.18). Trái lại trong Mc, viên kí lục có cảm tình với Chúa Giê su, và Ngài khen anh ta vì trả lời đúng. Cũng thế vị tiến sĩ luật trong Lc.
Để thử Người: Mt cũng dùng động từ nầy ở câu 22,18 về vấn đề nộp thuế cho hoàng đế. Rõ ràng trong cả đoạn dài, đối thủ luôn luôn dùng cạm bẫy để đối đầu với Chúa Giê su.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa: Đây không phải là việc đơn giản hóa lề luật bằng cách loại bỏ những điều phụ thuộc, mà là nhắc lại ý nghĩa của các giới răn, và cho thấy là chúng bắt nguồn từ ý định tối cao của Thiên Chúa. Tình yêu phải toàn diện (hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn), nghĩa là phải động viên toàn bộ con người để yêu thương.
Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất: Từ “và” có nghĩa giải thích: giới răn nầy đứng đầu tất cả vì nó quan trọng nhất xét về nội dung. Từ “thứ nhất” có nghĩa là đứng đầu vì nó mang lại ý nghĩa đích thực cho tất cả các giới răn khác. “Còn điều răn thứ hai”: không có nghĩa là thuộc vào hạng thứ yếu, nhưng: cũng quan trọng như giới răn thứ nhất. Giới răn thứ hai không thể so sánh, tương tự hay đồng nhất với giới răn thứ nhất, song là ngang hàng xét về tầm quan trọng: yêu mến tha nhân cũng khẩn thiết như yêu mến Thiên Chúa.
Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy: Chúa Giê su luôn đứng trong truyền thống Lề luật của Do thái giáo. Cả hai đều đã hiện diện trong Lề luật, tầm quan trọng của chúng dựa trên sự kiện chúng tóm kết tất cả toàn bộ sách Thánh, Ngài chỉ tái giải thích bằng cách cho thấy ý nghĩa thâm thuý của chúng (x.Rm 13,9).
Theo truyền thống Hội đường, Lề luật gồm 613 giới luật tích cực, trong đó có 365 điều cấm và 248 điều buộc. Từ lâu người ta đã cố gắng tổng hợp chúng lại và đề ra những đường nét chính yếu, nhưng không thành công vì không vượt qua được tính cách tỉ mỉ quá độ của nền đạo đức do thái giáo. Do đó tính cách độc đáo của trình thuật trên không nằm trong quan niệm tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân mà CƯ và Do thái giáo đều biết rất rõ, nhưng trong việc chúng được đưa lại gần nhau và chổ đứng tối thượng mà Chúa Giê su gán cho bảng “lược tóm” Lề Luật.
SỨ ĐIỆP
Tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân
Những người Pha-ri-sêu một lần nữa bàn tính gài bẫy Chúa Giê su. Một người trong họ đặt cho Ngài câu hỏi: “Thưa Thầy, trong lề luật đâu là giới răn thứ nhất?” Trong Lề luật, họ chỉ thấy điều được phép và điều cấm đoán. Đối với họ, ưu tiên số một là tuân giữ nhiệm nhặt 613 điều luật Mô sê , và họ khinh bĩ những ai không tuân giữ luật đó.
Chúa Giê su không nhìn mọi sự như thế. Đối với Ngài, điều quan trọng nhất là tình yêu tuyệt đối đối với Cha và ước muốn cứu độ mọi người. Dĩ nhiên Ngài cũng để ý đến những điều được phép và những điều cấm làm; nhưng Đức Ki tô muốn giúp chúng ta đi xa hơn. Ngài hướng chúng ta đến điều cốt yếu; đó là giới răn thứ nhất: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi”. Khi đã hiểu được điều đó, người ta không còn tự giới hạn vào những gì cho phép hay cấm đoán, mà sẽ nỗ lực, làm hết sức mình để thực hiện. Tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa là một ưu tiên tuyệt đối soi sáng cho toàn thể cuộc sống chúng ta.
Rồi đến giới răn thứ hai cũng giống giới răn thứ nhất: “Ngươi hãy yêu mến đòng loại như chính mình ngươi”. Thật vậy, nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta cũng sẽ khám phá tình yêu mà Người dành cho từng người trong anh em chúng ta. Ngài là một người Cha yêu thương tất cả con cái mình. Và khi những đứa con nầy làm điều xấu, tình yêu của người Cha bị tổn thương nơi Ngài. Chính vì lẽ đó mà Ngài đòi chúng ta phải yêu thương nhau như anh em hoặc đúng hơn như Ngài đã yêu thương chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng mình yêu Thiên Chúa mà còn giận dữ với một ai đó. Vì thế phải mau mắn có những cử chỉ giải hòa và đón nhận người khác. Ngài mai, có thể là quá trễ.
Tình yêu của chúng ta đối với người khác trước tiên phải tỏ ra trong lời nói và những gì chúng ta viết. Chúng ta không tưởng tượng hết tất cả những thiệt hại có thể gây ra bởi sự nói xấu và vu khống. Lời nói có thể làm tổn thương người khác nhiều hơn là gậy gộc và gạch đá. Nên khuyến khích thay vì hạ giá người đã làm xấu hoặc có những giới hạn.
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng lời nói phát xuất từ tâm hồn. Chính từ đó sinh ra những ý tưởng xấu xa, những phán đoán vội vã, những kết án không hồi lại được. Chúng ta đánh giá một ai đó không xứng đáng cho chúng ta tin tưởng. Ước gì chúng ta có thói quen suy nghĩ về điều tốt của những người chung quanh chúng ta! Có thể chúng ta mắc phải sai lầm, nhưng bù lại chúng ta sẽ được nhiều ích lợi hơn. Bài tin mừng hôm nay muốn giúp đỡ chúng ta thay đổi cách nhìn chúng ta về người khác. Thiên Chúa hiện diện trong mỗi người, đặc biệt nơi những người bé nhỏ, bệnh tật, bị xã hội loại trừ. Họ chiếm chỗ nhất trong trái tim Ngài và chúng ta chỉ có thể yêu thương họ như Ngài.
Yêu thương người lân cận khi nói và nghĩ tốt cho họ, đó là bước thứ nhất; bước nầy phải được thể hiện bằng những hành vi cụ thể. Yêu thương theo cách của Đức Ki tô, đó là chia sẻ, là đón nhận, là trao ban. Chúng ta hiểu điều đó khi nhìn về thập giá của Đức Ki tô. Ngài đã trao ban cho đến cùng, đến hiến trọn thân mình. Chúa Thánh Thần hiện diện để gợi hứng cho chúng ta sống tình yêu huynh đệ đó: tình yêu có thể diễn tả bằng những hành vi rất đơn giản, một nụ cười huynh đệ, một sự khiêm nhường, lắng nghe, chấp nhận quan điểm của người khác, một cố gắng để trở nên dễ thương với người khó thương. Và chắc chắn, chúng ta không quên lời cầu nguyện vì nó tạo nên một hệ thống liên đới kì diệu. Cầu nguyện cho người khác, đó cũng là một cách yêu thương.
Một ngày kia, Chúa Giê su nói; “Hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là đấng trọn lành”. Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tất cả những gì chúng ta làm, tất cả những gì chúng ta tổ chức, phải luôn bởi tình yêu. Chính đó sẽ đem lại ý nghĩa và mùi vị cho cuộc sống chúng ta. Làm sao có thể hoàn thiện như Thiên Chúa? Chẳng bao giờ. Chỉ cần nhìn vào đời sống cụ thể của chúng ta để xác tín, nhưng nó mang lại cho chúng ta một sứ điệp rất rõ ràng: “Ngươi không được đối xử tệ bạc với người di cư ở trong nhà ngươi”.
Ngày hôm nay cũng thế, từng đòan người di cư thuộc đủ mọi tầng lớp. Họ phải chạy trốn sự nghèo đói và chiến tranh. Họ bị bỏ rơi trong những ổ chuột hoặc trong những trại tạm cư. Có những người mà chúng ta thương nhiều với điều kiện là họ ở xa chúng ta. Thế nhưng khi yêu thương một ai đó, họ muốn ở với mình. Dù sao, chính như thế mà Thiên Chúa muốn ở với chúng ta.
“Hãy hoàn thiện như Cha các con là đấng Hoàn thiện”. Lảm sao có thể như thế được? Chúng ta phải tiếp nhận lời mời gọi đó như một ánh sáng dẫn đường cho chúng ta, một chóp đỉnh mà chúng ta phải hướng tới. Tin mừng ấy trình bày cho chúng ta như một động năng không ngừng thúc đẩy chúng ta vươn lên và vượt qua chính mình. Yêu thương Thiên Chúa và yêu thương tha nhân như Chúa Giê su, chúng ta không bao giờ có thể đạt đến mức hoàn thiện. Cũng gần giống như một cuộc leo núi chúng ta phải tiếp tục trong suốt cuộc sống chúng ta.
Điều kì diệu là Thiên Chúa không phải là một quan án luôn tìm cách bắt bẻ chúng ta. Trước hết Người là một người Cha không ngừng mời gọi chúng ta lớn lên trong tình yêu. Và dù chúng ta làm gì, Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương và mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Đó là tin mừng mà Chúa nói với chúng ta hôm nay, một lời mời gọi hãy yêu thương như Ngài đã yêu thương. Ngài đến gặp chúng ta trong mọi tình huống của cuộc sống để chỉ cho chúng ta con đường đến sự Thánh thiện.
Tham dự lễ Chủ nhật là cơ hội để đón nhận đấng là nguồn mạch của mọi tình yêu. Hôm nay, Chúa Giê su nói với chúng ta: “Điều mà anh em phải làm, trước tiên đó là tình yêu Thiên Chúa và tha nhân”. Nhờ thực hành như thế mà sự hiện diện trong thánh lễ, lời kinh và cả cuộc sống chúng ta hòa quyện vào nhau. Chúa hiện diện để đồng hành với chúng ta và chỉ cho chúng ta con đường. Hơn bao giờ hết, chúng ta có thể nói với Ngài: “Con tin vào Chúa, Lạy Chúa; Ngài là đời con, Ngài là tình yêu của con”.
ĐÀO SÂU
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Xh 22,20-26 Thiên Chúa buộc phải yêu thương những người nghèo
Tv 18,2 Con yêu mến Ngài, lạy CHÚA là sức mạnh của con!
1Tx 1,5-10 Loan báo Tin Mừng và sám hối
Mt 22,34-40 Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân
1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?
THƯA: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI. Trọn Lề luật tóm lại trong tình yêu Thiên Chúa và tha nhân (BTM). Lời ấy đã được chuẩn bị trong một đoạn sách Xuất hành mời gọi yêu thương cụ thể người nước ngoài, góa phụ và kẻ mồ côi (Bđ1). Thánh Phao-lô đã tỏ cho tín hữu biết phải sống giới răn yêu thương như thế nào (Bđ2).
2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Xh 22,20-26) như thế nào?
THƯA: Sau biến cố năm 587, Thành Giê-ru-sa-lem bị chiếm đóng, đền thờ bị phá hủy, thành phần ưu tú bị lưu đày sang Ba-by-lon, một luồng tư tưởng hình thành nơi những người lưu đày Do thái để trả lời cho câu hỏi: tại sau một tai họa dữ dằn như thế lại xảy ra. Có phải Thiên Chúa trừng phạt dân bất trung không. Bài đọc một trích đoạn từ sách Xuất hành nằm trong luồng tư tưởng đó.
3. HỎI: Nội dung bài đọc một (Xh 22,20-26) như thế nào?
THƯA: Bài đọc một là trích đoạn trong sách Xuất Hành được biên soạn từ nhiều truyền thống cổ thời nói về một bộ luật rất xa xưa đề cập đến việc cho vay mượn tiền. Đó là một tiến bộ lớn so với tục lệ đương thời vì cho thấy khuynh hướng kính trọng người nghèo, bà góa, và kẻ mồ côi.
4. HỎI: Mô-sê có phải là tác giả các bộ luật ghi trong sách Xuất Hành không?
THƯA: Người ta vẫn gán cho Mô-sê là tác giả tất cả các bộ luật trong sách Xuất Hành. Thật ra, ông chỉ ban hành những bộ luật tiên khởi, rồi dần dần trong suốt lịch sử của dân Ít-ra-ên nhiều bộ luật mới thích nghi với các điều kiện xã hội mới đã được thêm vào và đưa vào trong sách Xuất hành (x. Xh 22,1).
5. HỎI: Đâu là Nền tảng của Luật Ít-ra-ên?
THƯA: Lề luật dân Ít-ra-ên đặt nền tảng trên việc dân Ít-ra-ên được giải thoát khỏi Ai cập. Thiên Chúa đã tự mạc khải là Đấng lắng nghe và chạnh lòng trước những tiếng kêu la của đám dân bị áp bức nên Ngài đến giải thoát họ. Người còn tiếp tục dùng Lề luật để bênh vực những kẻ bị khinh bỉ. Vì thế, những lời dẫn vào Thập giới nhắc nhớ điều ấy: “Chính Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, đấng đã ngươi ra khỏi Ai cập, nhà nô lệ” (Xh 20,2).
6. HỎI: Nền tảng ấy có ảnh hưởng đến điều luật đang nói không?
THƯA: Có. Nếu Thiên Chúa đã giải cứu dân Người chính là vì Người đã nghe tiếng kêu la của những kẻ bất hạnh và đã bảo vệ họ: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai-cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3,7). Và một khi họ đã kinh nghiệm về việc bị khinh bỉ, thì họ sẽ dễ đặt mình vào vị trí của những kẻ bị khinh bỉ để không tỏ ra nhẫn tâm đối với người khác.
7. HỎI : Đoạn sấm ngôn Is 22, 20-26 nói gì về người lân cận?
THƯA: Đoạn ấy nói rằng người lân cận là người cụ thể, người cần một sự giúp đỡ để thoát khỏi tình huống khó khăn. Cần phải nhìn thấy, nghe thấy và chú ý đến họ. Lời sấm Is 22, 20 còn mời gọi chúng ta hãy từ bỏ thái độ dửng dưng, và tránh sự hấp tấp vội vàng trong việc làm điều tốt vì Nước Trời. Thiên Chúa truyền dạy đừng làm gì xấu cho những người không thể tự bảo vệ: “Các ngươi đừng làm hại cô nhi quả phụ. Nếu các ngươi hà hiếp những hẻ ấy.. Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ.”
8. HỎI: Vậy điều luật muốn gửi đến sứ điệp gì?
THƯA: Thiên Chúa muốn dân của Ngài hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những kẻ khốn cùng để có thể cảm thông, thương xót và yêu thương họ: “Hãy đặt mình vào vị trí của người nghèo, người vay mươn, bà góa, kẻ mồ côi, đừng bạc dãi họ vì Ta nghe tiếng kêu la của họ”.
9. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Tx 1,5-10) như thế nào?
THƯA: Thánh Phao-lô hết lời khen ngợi tín hữu Tê-xa-lô-ni-ca vì họ đã tiếp nhận lời rao giảng Tin Mừng giữa bao gian truân khốn khó, nhưng đã kiên cường sống Tin Mừng ấy đến nỗi họ trở thành gương mẫu cho nhiều nơi khác noi theo.
10. HỎI: Bối cảnh bài tin mừng (Mt 22,34-40) như thế nào?
THƯA: Chúng ta đang ở vào giai đoạn cuối cùng trong cuộc sống trần thế của Đức Giê-su, từ cuộc khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem (21,1-11) đến cuộc Khổ nạn của Ngài (ch. 22-27). Các cuộc tranh luận diễn ra giữa Đức Giê-su và các lãnh đạo tôn giáo. Họ đặt cho Ngài ba vấn đề để tìm cách bắt Ngài. Đó là vấn đề nộp thuế cho Xê-da (22,15-21), hai là về sự kẻ chết sống lại (22,23-33) và ba là lề luật quan trọng nhất (22,34-40). Có 3 ý chính: 1) Hoàn cảnh cuộc tranh luận (22,34); 2) Câu hỏi về điều răn trọng nhất (22,35-36); 3) Câu trả lời của Đức Giê-su (22,37-40).
11. HỎI: Bầu khí bài Tin mừng xem ra có vẽ căng thẳng và đối kháng?
THƯA: Đúng là như thế. Đức Giê-su đang đối đầu với các tiến sĩ Luật, những nhà chuyên môn dạy và cắt nghĩa Thánh Kinh. Lẽ ra họ phải là những người gương mẫu, thì họ lại là những người mưu tính gian trá và muốn gài bẫy Đức Giê-su. Còn Đức Giê-su, dù biết hết mọi điều ấy, Ngài vẫn không nặng lời trách cứ, mà chỉ nhắc lại giới răn yêu thương Thiên Chúa và tha nhân. Ngài không thêm điều gì mới, nhưng cho biết đâu là căn bản của giới luật ấy.
12. HỎI: Lề luật nói gì về các giới răn ấy?
THƯA: Sách Luật cũng như sách các Tiên tri liên kết chặt chẽ hai giới răn ấy. Trong bản Mười điều răn, giới răn về cách sống với Thiên Chúa đi trước các giới răn dạy về cách đối xử với con người. Còn các tiên tri luôn dạy phải yêu thương người như là cách thực hành giới răn yêu thương Thiên Chúa, thí dụ như I-sai-a nói: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6).
13. HỎI: Câu hỏi của người Pha-ri-sêu có khó không?
THƯA: Đó là một câu hỏi khó, vì người Do thái đang phải đối đầu với mạng lưới Lề luật chằng chịt gồm 613 điều: 248 lệnh truyền và 365 lệnh cấm. Họ hoang mang vì không biết đâu là luật quan trọng nhất để tuân giữ.
14. HỎI: Đức Giê-su đã trả lời như thế nào?
THƯA: Câu trà lời của Đức Giê-su đưa ra hai điều quan trọng: một là dạy phải coi giới răn yêu thương người cũng quan trọng như giới răn yêu mến Thiên Chúa, tức là nối kết hai điều răn với nhau và dành cho chúng vị trí cao nhất. Hai là toàn bộ Lề Luật Cựu Ước đều quy về hai giới răn ấy, có nghĩa là hai giới răn này diễn tả trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Như thế, không những chỉ 613 điều luật, mà toàn bộ lời dạy Cựu Ước đều nhằm phát triển lòng mến Chúa yêu người.
15. HỎI: Như thế phải yêu mến tha nhân như yêu mến Thiên Chúa?
THƯA: Đúng thế, tha nhân cũng phải được yêu mến “hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn”như yêu mến Thiên Chúa. Phải vận dụng tất cả bản thân mà yêu mến họ như yêu mến Thiên Chúa.
16. HỎI: Qua câu trả lời ấy, Đức Giê-su dạy điều gì?
THƯA: Trước hết Đức Giê-su mời gọi các thính giả của Ngài thoát ra khỏi tinh thần vị luật: đừng mất giờ tìm kiếm giới răn quan trọng nhất, vì đối với Thiên Chúa, người ta không còn ở trong phạm vi tính toán nữa, mà vào phạm vi ân sủng.
17. HỎI: Rồi kế đến?
THƯA: Kế đến, Đức Giê-su cảnh giác người Pha-ri-sêu. Thiên Chúa ban lề luật như con đường tự do và sự sống, nhưng dễ bị người ta biến thành ách nô lệ và đôi khi trở thành con đường đưa đến sự chết.
18. HỎI: Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta con đường nên thánh nào?
THƯA: Đức Giê-su trình bày một tiến trình thánh hóa nội tâm và không vị luật. Ngòai ra, Ngài chờ đợi chúng ta một sự công chính hóa bằng đức tin chứ không chỉ bằng việc làm
19. HỎI: Có thể yêu thương Thiên Chúa bằng tình yêu tha nhân không?
THƯA: Đó là sự khó khăn mà ai trong chúng ta đều vấp phải. Thật vậy, không dễ yêu thương Thiên Chúa một cách cụ thể vì chúng ta không thể tiếp xúc cụ thể, không thể nhìn thấy Ngài. Nhất là không dễ dàng yêu thương Thiên Chúa hơn cha mẹ, anh chị em, bạn hữu của chúng ta. Nhưng Đức Giê-su xác nhận với chúng ta rằng tình yêu người lân cận là dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu tha nhân là cách diễn tả cụ thể của tình yêu Thiên Chúa như sau này thánh Gioan sẽ nói rõ: không thể có lòng mến Chúa vô hình nếu không thương người hữu hình (x.1Ga 4,20).
20. HỎI: Có thể đáp trả tình yêu Thiên Chúa không nếu chúng ta bị nô lệ bởi các đam mê lệch lạc hoặc của cải trần gian?
THƯA: Chắc chắn là không. Nếu như trái tim chúng ta không được tự do, chúng ta không thể yêu thương Chúa, phụng sự Ngài và yêu mến anh em theo thần khí của Đức Giê-su Ki tô được. Lòng gắn bó với của cải trần gian, tình yêu bệnh hoạn và ích kỉ và nhiều đam mê xấu xa khác là những chướng ngại không cho phép chúng ta cảm nhận và đáp trả tình yêu của Thiên Chúa.
21. HỎI: Như thế, Đức Giê-su cho thấy cung cách Cứu thế của Ngài?
THƯA: Đúng thế, và đó là con đường cứu thế bằng tình yêu mà Ngài lược tóm trong giới luật yêu thương, ở đó Lề luật đạt tới đỉnh điểm mong đợi. Đức Giê-su không tách rời tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân, nhưng giới răn thứ hai được trình bày như là bằng chứng và xác định giới răn thứ nhất.
22. HỎI: Theo giáo huấn của Đức Giê-su, thì chúng ta phải sống người Ki tô hữu tốt lành như thế nào?
THƯA: Bằng cách sống như anh em, có một tình yêu cụ thể đới với tha nhân chứ không giới hạn trong lời nói hay trong tư tưởng. Đó là cách mà Đức Giê-su đã chỉ dạy để làm chứng tình yêu đối với Thiên Chúa trong thế gian. Đức Ki tô mạc khải cho chúng ta một điều có giá trị quan trọng về Thiên Chúa và về con người: đối với Thiên Chúa, điều quan trọng không phải là “làm cái gì”, mà là “làm như thế nào” trong nội tâm và trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa và tha nhân. Rồi sau đó, mới đến “Phải làm gì ?”.
GLCG 1822 1723. Đức mến là nhân đức đối thần, nhờ đó, chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự vì chính Chúa, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu mến người thân cận như chính mình. 1823 1970. Đức Giê-su đặt đức mến làm lời truyền dạy mới (Ga 13,34). Khi yêu mến những kẻ thuộc về Người “đến cùng” (Ga 13, 1), Người biểu lộ tình yêu Người đã nhận được từ Chúa Cha. Khi yêu thương nhau, các môn đệ noi gương Đức Giê-su, Đấng đã yêu mến họ. Vì thế, Đức Giê-su nói: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình yêu của Thầy” (Ga 15, 9). “Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). 1824 735.’Đức mến là hoa trái của Thánh Thần và là sự viên mãn của lề luật. Yêu mến là giữ các lệnh truyền của Thiên Chúa và của Đức Ki-tô: “Hãy ở trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, thì anh em sẽ ở trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9-10) ( x. Mt 22,40; Rm 13,8-10).
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc