Chúa Nhật 29 Thường Niên Năm A – Của Thiên Chúa, Trả Cho Thiên Chúa

Nước Trời mà Chúa Giê su loan báo dường như là một huyền thọai đối với người chỉ thấy những thực tại vật chất. Nhưng thực sự, nó thuộc về thời cánh chung và Giáo Hội đang phục vụ cho thực tế ấy. Chính vì thế mà Giáo hội đóng vai trò là men thiêng liêng giữa lòng đô thị trần thế. Giáo hội có sứ mạng cảnh giác cho những ai đang dấn thân trong việc trần thế rằng những gì họ làm chỉ có ý nghĩa trong mức độ tôn trọng bậc thang gía trị.

Sách Tiên tri Isaia 45, 1.4-6a

Lúc bấy giờ, Dân Thiên Chúa đang bị lưu đày ở Babylon, một vương quốc đang trên đà suy thóai, có nguy cơ sẽ bị người Ba tư nuốt chững. Vua Ba tư là Kyrô nổi tiếng là nhân đạo, được coi như một đấng Cứu độ, một Messia loan báo một đấng khác, một đấng Messia đích thực sẽ cứu thoát tòan thể nhân lọai.

Thánh Vịnh 95

Vinh danh Thiên Chúa, Chủ tể toàn thể vũ trụ. Trước nhan Người, tất cả mọi quyền bính nhân lọai đều ra như không. Chỉ mình Ngài mới xứng đáng là Vua, vì chỉ có mình Người mới có thể tạo dựng một vũ trụ công chính.

Thư 1 Têxalônica 1, 1-5b

Bức thư nầy trước tiên đặt trọng tâm trên niềm hi vọng vào Nước Chúa sẽ hiển trị. Khi trở lại, Chúa sẽ chiến thắng dứt khoát. Người Ki tô hữu phải tích cực hướng về đích cuối cùng, bằng đức tin, hi vọng và lòng mến. Nhờ đó, Thánh Thần hành động và lôi kéo thế giới đến chỗ hoàn tất bằng cách đưa Lời Thiên Chúa thấm nhập vào.

Tin mừng: Mt 22,15-21

NGỮ CẢNH

Đoạn Tin mừng nầy nằm trong ngữ cảnh các cuộc tranh luận giữa Chúa Giê su và các địch thủ của Ngài. Dụ ngôn tiệc cưới cho thấy tình hình căng thẳng lên đến cao độ. Tiếp sau là các cuộc tranh luận có chiều hướng đi lên. Đoạn nầy gồm âm mưu của địch thủ Chúa Giê su (c15), mưu tính của họ nhắm vào Ngài (c 16,17) và câu Ngài trả lời cho họ (cc 18-21). Trọng tâm đặt ở lời phán quyết sau cùng: “Của César, trả về cho César; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa”.

TÌM HIỂU

Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người.. đến nói với Chúa Giê su: Chỉ ở đây và ở Mc 2,13 chúng ta mới nghe nói đến môn đồ của Biệt phái. Có thể là người Biệt phái đã sai môn đồ của các kí lục. Lí do là vì một Biệt phái đứng tuổi mà lại đi hỏi về vấn đề nộp thuế thì chắc chắn không phải là chuyện bình thường và có thể làm cho Chúa Giê su nghi ngờ, vì lập trường của họ đã quá rõ đối với dân chúng Palestina.

Những người thuộc phe Hê rô đê: phe nầy ủng hộ Rô ma, vì Đế quốc Rô ma nâng đỡ các tiểu vương thuộc gia đình vua Hê rô đê Cả.

Thưa Thầy: trong Mt, các môn đồ không bao giờ dùng tiếng ‘Thầy’ khi nói với Chúa Giê su, nhưng dùng danh xưng ‘Ngài’ (kurie); chỉ có các kí lục, Biệt phái, phe Sađukêô (8,19; 9,11;12,38; 22,16.25.36) cũng như những người thu thuế (17,24) và chàng thanh niên giàu có (19,16) sử dụng thôi. Giuđa là người duy nhất trong nhóm Mười hai, hai lần dùng danh xưng ‘Thầy’ (26,25.49), cách gọi mà Chúa Giê su yêu cầu tránh trong cộng đoàn huynh đệ (23,7-8).

Chúng tôi biết: Lời khen tặng nồng nhiệt nhất dành cho một thầy Rabbi, chuyên viên giải thích lề luật, là khen họ trung thành với Lề luật và không thiên vị: “Chúng tôi biết Thầy là người chân thật và không thiên vị ai”. Các giáo sĩ đương thời hay nhắc đi nhắc lại hai đòi hỏi này.

Có được phép nộp thuế cho Xê da không?: Từ “được phép” (existin) và “không được phép” là công thức Mt thường dùng: x. 12,2.4.10.12; 14.4; 19,3; 20,15; 27,6). Đây là câu hỏi mà người Do thái mộ đạo luôn luôn tự đặt cho mình và là câu mà các tư tế có nhiệm vụ giải đáp trong cả ngàn nố lương tâm nêu lên cho cuộc sống thường nhật. Nó mang ý nghĩa: ‘hướng về Thiên Chúa’= trước mắt Thiên Chúa, nghĩa là dưới ánh sáng của lề luật, có được phép nộp thuế không? Ngoài nhiều khoản thuế (thuế cầu đường, thuế quan..), người công dân còn phải nộp một thứ cống nộp để tỏ lòng thần phục Hoàng đế. Người Do thái rất ghét thứ thuế nầy và nhóm Quá Khích thì coi việc từ chối nộp là một bổn phận tôn giáo.

Hỡi những kẻ giả hình: Những người đối thoại với Chúa Giê su bị phê phán là giả hình theo hai nghĩa. Trước hết là họ làm bộ như rất quan tâm đến một vấn đề thời sự trong lúc chỉ cốt nêu lên đề làm cho Chúa Giê su lúng túng. Thứ đến là khi sử dụng đồng ‘quan’ (= đồng tiền của hoàng đế) trong các giao dịch thương mại, họ đã mặc nhiên thừa nhận quyền bính của Hoàng đế rồi.

Đồng tiền nộp thuế: Người Do thái chỉ có quyền đúc tiền đồng, chứ không được đúc tiền bạc. Như vậy các đồng tiền của họ có giá trị nhỏ nên không được phép dùng để đóng thuế. Họ phải dùng đồng quan (denarion).

Của Xê da, trả về Xê da: câu trả lời này chứa đựng một thẩm định tích cực và tổng quát về vai trò của Nhà nước trong quan niệm của một vài giáo thuyết Do thái đương thời cho rằng các lãnh tụ nhận lãnh quyền bính từ nơi Thiên Chúa (Đn 2,21; 2,37-38; Cn 8,15-16; Ga 19,11; Rm 13,1-7). Triều đại của Thiên Chúa đã được khai mào, tuy nhiên các triều đại của thế gian này vẫn còn hành xử quyền bính cách chính đáng tuy chỉ tạm thời. Đối với các quyền bính chính trị thì trong toàn bộ Tin mừng, Chúa Giê su đã tỏ ra một thái độ chung chung là hoàn toàn không lệ thuộc, nhưng cũng chẳng chống đối. Cách sống của Kitô hữu đầu tiên, như được mô tả trong Công vụ và thánh thư, cũng đi theo trong chiều hướng ấy.

SỨ ĐIỆP

Hãy trả lại cho Xê da những gì của Xê da, và cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Câu nói ấy đã nên thời danh như một câu tục ngữ. Thật rõ ràng, vật nào của ai thì phải hoàn trả cho người ấy. Vấn đề là người ta lạm dụng câu ấy để biện minh cho những sự lựa chọn và những dấn thân chính trị hoặc để thiết lập tương quan giữa Giáo Hội và Nhà Nước. Đó không phải là điều Chúa Giê su muốn.

Hôm nay Chúa Giê su đứng trước hai loại đối thủ kình chống lẫn nhau; một bên là phe Xê da, và bên kia là những kẻ chống đối họ. Nhưng lần nầy họ bắt tay giăng bẫy bắt Chúa Giê su: “Có được phép hay không nộp thuế cho Vua Xê da không?” Bẫy giương ra thật nguy hiểm: Nếu Ngài trả lời là có, Ngài bị mất uy tín nơi dân đang chịu đau khổ vì ách thống trị của người La mã. Còn nếu không, người ta có thể cáo buộc Ngài là một người xách động chống đối người La mã và sẽ ra lệnh bắt Ngài. Trong cả hai trường hợp, đằng nào Ngài cũng sẽ chết, và vĩnh viễn sẽ bị loại ra khỏi vòng chiến.

Ngày nay, chúng ta đang đối diện một cám dỗ nặng nề là muốn gạt bên lề những ai muốn đặt lại vấn đề chúng ta và đẩy chúng ta đến chỗ thay đổi. Lời họ nói khiến chúng ta khó chịu: vì thế, người ta làm tất cả để để gây tổn thương cho họ, cả việc cáo buộc cách bất công những hành vi mà họ không phạm. Như thế lời của họ không còn đáng tin nữa. Nhưng Chúa Giê su không để cho mình bị rơi vào trong cái bẫy ấy. Câu trả lời của Ngài thật rõ ràng và không thể đảo ngược. Trước tiên Ngài tố cáo sự giả hình của họ: Khi dùng đồng tiền của hoàng đế, từ lâu họ đã trả lời câu hỏi: “Hãy trả cho Xê da những gì của Xê da, trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa”. Trên mặt đồng tiền họ đưa cho Chúa Giê su, có in hình Xê da cùng với hàng chữ: “Ti bê ri ô, Xê da thần thánh”. Các hoàng đế Rô ma tự cho mình tước hiệu thần linh. Họ muốn người ta thờ phượng mình như những thần linh.

Và đó chính là điều mà Chúa Giê su không đồng ý: Xê da không phải là Thiên Chúa. Vì thế, không được thờ phượng hay vâng phục ông ta khi ông tự gán cho mình những quyền năng chỉ thuộc về Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta hãy nhớ lời Kinh Thánh: “Ta là Chúa và không có Chúa nào khác ngoài Ta”. Điều đó cũng có giá trị cho chúng ta hôm nay. Vẫn còn một số người tự cho mình là Thiên Chúa. Chúng ta đã biết và đã gặp họ. Thế mà thỉnh thoảng, chúng ta kêu cứu đến họ, lụy phục họ khi chấp nhận những điều không phải lúc nào cũng phù hợp với lương tâm chúng ta. Chính lúc đó chúng ta phải tìm lại điều cốt yếu cho cuộc sống chúng ta hôm nay. Đồng tiền mang hình Xê da, còn chúng ta, dấu ấn mà chúng ta đang mang thuộc một trật tự khác: đó là dấu ấn của Thiên Chúa; ngày chịu phép rửa, chúng ta đã được đóng ấn bằng dấu thánh giá của Đức Ki tô. Chúng ta đã trở thành con cái Thiên Chúa. Đó là một dấu ấn không thể tẩy xóa định hướng toàn bộ cuộc sống chúng ta.

Hãy trả lại cho Xê da những gì của Xê da!” Thật sự là chúng ta mang hình ảnh Thiên Chúa; bởi đó, chúng ta tìm cách thấm nhuần sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Nếu chúng ta thật sự yêu thương Ngài, chúng ta không còn phải tự hỏi đâu là điều được phép hay cấm đoán. Chúng ta sẽ cống hiến cho Ngài điều tốt đẹp nhất của chúng ta. Nhưng Thiên Chúa mà chúng ta đón nhận hướng chúng ta đến tha nhân. Niềm hi vọng mà Ngài đặt nơi chúng ta, cũng giống như một ánh sáng phải chiếu tỏa nơi mắt mọi người. Bổn phận chúng ta là quan tâm đến những gì thuộc lợi ích chung cho mọi người, với mục đích góp phần vào việc xây dựng một xã hội công bình và huynh đệ hơn. Không phải bằng cách quị lụy trước quyền bính mà mọi sự được giải quyết. Mỗi người chúng ta phải tìm những gì tốt cho lợi ích của cộng đoàn và làm tròn trách nhiệm của mình.

Hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa!” Chúa Giê su nhấn mạnh đến quyền tối thượng của Thiên Chúa. Người là chủ tể cả thế gian và Người trao quyền hành cho những ai nắm giữ quyền bính thế gian. Nhưng những quyền bính thế gian phải vâng phục quyền bính của Thiên Chúa là ưu tiên. Khi Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục can thiệp, không phải để làm chính trị. Bỏ phiếu như thế nào thì không thuộc vai trò của các Ngài. Nhưng các Ngài có bổn phận nhắc lại các giá trị căn bản cho những người có trách nhiệm trên thế giới. Kính trọng sự sống ngay từ khi đầu thai, bảo vệ những người yếu và kẻ bị loại trừ, bác bỏ tất cả những gì hủy hoại hoặc nô lệ con người. Trong các lãnh vực trên, vẫn có một cám dỗ lớn theo các hướng dẫn của trần gian, cả khi điều đó không phù hợp với những xác tín sâu xa của chúng ta.

Trả lại cho Xê da những gì của Xê da không ngăn cản người ta đấu tranh cho công bằng và làm sao cho phẩm giá của những người nghèo nhất, của bệnh nhân và của những người bị loại trừ được nhìn nhận và tôn trọng. Trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa cũng là một trong những lời kêu gọi ngày thế giới truyền giáo. Chúng ta không phải là những người chỉ biết hưởng dùng ơn sủng đức tin. Chúng ta được mời gọi là những diễn viên và những người xây dựng cộng đoàn ki tô. Chính trong thế giới như hiện nay mà chúng ta phải làm chứng cho tin mừng. Nhờ phép Rửa tội và phép Thêm sức, chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần trong chúng ta. Thánh Thần của Thiên Chúa cũng là một Thánh Thần truyền giáo. Chúng ta được sai đến với những người khác. Đức Ki tô muốn rằng chúng ta thực sự ở trong trạng thái truyền giáo dù chúng ta đang ở trong độ tuổi hay tình trạng nào.

Trả lại cho Thiên Chúa những gì của Người, đó cũng là điều mà chúng ta được mời gọi khi tham dự Thánh lễ. Chúng ta dâng cho Người tất cả những hành vi đức tin, hi vọng và đức ái sáng lên trong cuộc đời chúng ta và anh em chúng ta. Đồng thời, đó cũng là điều mà chúng ta dấn thân thực hiện khi tranh đấu cho tình yêu chiến thắng hận thù và sự loại trừ nhau và để cho tin mừng được loan báo bằng lời nhưng nhất là bằng hành chính cuộc sống.

 

ĐÀO SÂU

TẤT CẢ ĐỀU THUỘC VỀ THIÊN CHÚA

Is 45,1.4-6 Các vương quốc nằm trong tay quyền năng Thiên Chúa

Tv 96,1 Mọi vinh quang danh dự đều thuộc Chúa là Thiên Chúa chúng con

1Tx 1,1-5 Đức tin, trông cậy và đức ái của cộng đoàn

Mt 22,15-21 Của Xê-da hãy trả lại cho Xê-da, của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: TẤT CẢ ĐỀU THUỘC VỀ THIÊN CHÚA. Thiên Chúa nắm quyền chủ tể trên hết mọi loài (Bđ1). Chân lí ấy được Đức Giê-su nhắc lại qua lời nói nổi tiếng: “Của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa” (BTM).

2. HỎI: Sách Đệ nhị I-sai-a là sách gì?

THƯA: Sách Đệ nhị I-sai-a bao gồm các chương từ 40 đến 55, do môn đồ tiên tri I-sai-a viết để nâng đỡ niềm hi vọng những người Do thái bị lưu đày ở Ba-by-lon.

3. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 45,1.4-6) như thế nào?

THƯA: Trong thời gian người Do thái bị lưu đày ở Ba-by-lon, vương quốc Ba tư dưới quyền Hoàng đế Ky-rô trở nên hùng mạnh, mở rộng đế quốc khắp vùng Trung Đông. Trước tình hình mới đó, tiên tri I-sai-a loan báo Ky-rô sẽ đánh bại Ba-by-lon, sẽ giải thoát những kẻ bị lưu đày và cho người Do thái trở về Giê-ru-sa-lem.

4. HỎI: Bài đọc một để lại bài học gì?

THƯA: Nội dung bài đọc một cho thấy trước hết Thiên Chúa trung thành với Giao Ước, Người không bao giờ bỏ rơi dân Người đã chọn. Thứ hai, Thiên Chúa là Chủ tể của lịch sử. Trong tay Người, mọi sự đã trở thành phương tiện Người dùng để hướng dẫn lịch sử đến mục tiêu cuối cùng là ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

5. HỎI: Xác tín thứ nhất có ý nghĩa gì?

THƯA: Trong lúc Ít-ra-ên rơi vào thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử: mất quyền độc lập, mất tự do, đất đai, đền thờ, người dân thất vọng tự hỏi có phải Thiên Chúa đã bỏ dân của Ngài không. Tiên tri mạnh mẽ khẳng định rằng: Thiên Chúa luôn trung thành với Giao Ước của mình, Ngài không bao giờ từ bỏ dân Ngài đã chọn, vì như thánh Phao lô nói, Ngài không thể chối bỏ chính mình.

6. HỎI: Và xác tín thứ hai?

THƯA: Thiên Chúa vẫn là chủ tể trần gian, nắm quyền bính trên mọi loài. Và mọi sự đều do tay Ngài quyết định. Và đây là điều đem lại niềm hi vọng cho Dân, nếu Thiên Chúa là chủ tể trần gian thì Ngài sẽ không để cho Dân Ngài phải chịu cảnh bị thù địch đô hộ, nhưng sẽ giải thoát họ bằng cánh tay chiến thắng của Ngài.

7. HỎI: Như vậy việc vua Ky-rô xuất hiện là do tay Thiên Chúa xếp đặt?

THƯA: Đúng vậy, dù là người ngoại đạo, nhưng vua Ky-rô được mô tả như là người được Thiên Chúa tuyển chọn, phong vương và xức dầu để phục vụ Ngài và dân Ngài như lời sấm Tiên tri I-sai-a: “Nhân vì Gia-cóp tôi tớ Ta, và Ít-ra-ên kẻ Ta kén chọn, Ta đã gọi đích danh ngươi: Ta đã kêu gọi ngươi khi ngươi không nhận biết Ta. Ta đã thắt lưng cho ngươi khi ngươi không nhận biết Ta, để các kẻ từ đông sang tây nhận biết rằng ngoài Ta ra không có ai khác: Ta là Chúa, và chẳng có chúa nào khác” (Is 45, 5-6).

8. HỎI: Tại sao Ky-rô được gọi là “Đấng Mê-si-a”?

THƯA: Ông được gọi là Đấng Mê-si-a bởi vì được Thiên Chúa chọn lựa để giải phóng dân Ngài khỏi ách nô lệ. Dù không phải là vua, tư tế hay tiên tri, nhưng những gì mà ông thực hiện cho dân Chúa khiến ông xứng đáng được gọi là “Đấng Mê-si-a”.

9. HỎI: Trong Is 45,1.4-6, khi gọi vua Ky-rô là người được Thiên Chúa xức dầu tuyển chọn, I-sai-a muốn nói điều gì?

THƯA: Tiên tri I-sai-a có ý đem lại cho độc giả của mình một lời giải thích tôn giáo về lịch sử. Vua Ba tư được gọi là “Người được Thiên Chúa tuyển chọn”, bởi vì Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi chiến thắng. Thiên Chúa Ít-ra-ên mà Vua Ky-rô không hề biết, đã chọn ông để cho thấy công trình cứu độ của Ngài. Ngay cả điều mà đối với chúng ta coi là một sự dữ khủng khiếp nhất hoặc những biến cố đau thương nhất cũng có thể trở thành cơ hội mang lại Ơn Cứu độ Vĩnh cửu trong Chương trình của Thiên Chúa.

10. HỎI: Nội dung bài đọc hai (1Th 1,1-5) như thế nào?

THƯA: Mở đầu thư Tê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao lô khen ngợi tín hữu về niềm tin, lòng cậy và lòng mến của họ thể hiện trong cuộc sống.

11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 22,15-21) như thế nào?

THƯA: Đoạn tin mừng nằm trong ngữ cảnh ba cuộc tranh luận giữa Đức Giê-su và nhóm lãnh đạo Do thái giáo. Sau ba dụ ngôn (21,18-22,14) là ba cuộc tranh luận (22,15-46) do ba nhóm đại diện Do thái giáo khởi xướng để tìm cách gài bẫy Đức Giê-su bằng chính lời nói của Ngài về những vấn đề rất quan trọng: việc nộp thuế, việc kẻ chết sống lại và giới răn lớn nhất. Có ba ý chính: 1) Toan tính của các đối thủ của Đức Giêsu (22,15); 2) Cuộc gặp gỡ với vấn đề nộp thuế cho Xêda (22,16-17); 3) Câu trả lời của Đức Giêsu (22,18-21)

12. HỎI: Vào thời Đức Giê-su, tình trạng chính trị của Pa-lét-ti-na như thế nào?

THƯA: Vào thời Đức Giê-su, Pa-lét-ti-na bị người Rô ma đem quân xâm chiếm và đô hộ. Họ đã ban hành ba thứ thuế: thuế điền thổ, thuế lợi tức và thuế thân. Thuế ở đây là thuế thân đánh vào mỗi người hằng năm phải nộp một đồng tức là tương đương với lương công nhật một người.

13. HỎI: Lời khen tặng Đức Giê-su của người Pha-ri-sêu có dụng ý gì?

THƯA: Lời khen tặng ấy có dụng ý che dấu âm mưu thâm độc của đối thủ Đức Giê-su. Họ giả vờ nâng Ngài lên để liền đó giăng bẫy để chờ Ngài sa vào. Nhưng dù mưu mô và xảo quyệt như thế, họ cũng không qua mắt Đức Giê-su.

14. HỎI: Tại sao Đức Giê-su gọi họ là những kẻ giả hình?

THƯA: Giả hình vì hai lí do: trước tiên, họ hỏi Đức Giê-su một điều mà họ đã biết rồi, nên hỏi chỉ để làm cho Đức Giê-su lúng túng mà thôi. Thứ đến, họ hỏi là nhằm giăng bẫy bắt bẻ Đức Giê-su.

15. HỎI: Tại sao thế?

THƯA: Nếu Đức Giê-su chấp nhận nộp thuế thì người dân sẽ coi Ngài là một người Do thái gian, tiếp tay cho giặc, uy tín Ngài sẽ sụp đỗ hoàn toàn, còn nếu tuyên bố chống nộp thuế, họ sẽ có cớ tố cáo Ngài là kẻ phá rối trật tự chung, lôi kéo người khác chống lại quân Rô-ma. 

16. HỎI: Đức Giê-su đã trả lời như thế nào?

THƯA: Ngài trả lời qua ba điểm: Hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da. Chỉ trả cho Xê-da những gì của Xê-da. Và hãy trả lại cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa.

17. HỎI: “Hãy trả lại cho Xê-da những gì của Xê-da” nghĩa là gì?

THƯA: Là công nhận Xê-da hiện thời là người nắm giữ quyền bính. Chính Đức Giê-su trong cuộc Khổ nạn cũng đã chấp nhận như thế: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài” (Ga 19,11). Và vì thế, Ngài chấp nhận việc nộp thuế như là một bổn phận mà mọi công dân phải thực hiện đối với nhà nước.

18. HỎI: “Chỉ trả cho Xê -a những gì của Xê-da” có nghĩa gì?

THƯA: Khi Xê-da là hoàng đế Rô-ma đòi phải đóng thuế, thì phải đóng thuế, nhưng khi đòi người ta tuyên xưng và thờ lạy là Chủa, thì không được tuân theo vì thờ lạy hoàng đế là tội thờ bụt thần.

19. HỎI: “Hãy trả cho Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa” có nghĩa là gì?

THƯA: Có nghĩa là nhìn nhận nơi Đức Giê-su là Đấng đến từ Thiên Chúa, là ‘Đấng thuộc về Thiên Chúa’. Và phải tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước tiên, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho (x. Mt 5, 39-42).

20. HỎI: Người Do thái có chống đối việc nộp thuế cho Xê da không?

THƯA: Phần lớn dân Do thái chống lại việc nộp thuế, nhất là thuế thân, đặc biệt nhóm Nhiệt Thành còn coi việc từ chối nộp thuế là một bổn phận tôn giáo.

21. HỎI: Bài tin mừng gửi đến chúng ta sứ điệp gì?

THƯA: 1. Bài học về sự tự do. Xê-da chỉ là Xê-da, vua chúa trần gian chỉ là những người nắm quyền nhỏ bé. Triều đại của họ chỉ kéo dài trong một thời gian. Còn Vương quốc Thiên Chúa thuộc về một lãnh vực khác: chính nơi các nước trần gian nầy mà mọi hành vi tình yêu và huynh đệ làm lớn lên vương quốc đích thực là Vương quốc của Thiên Chúa. 2. Bài học về sự tuân phục: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

GLCG 2242 1903 2313 450 Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin Mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, Ki-tô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. “Của Xê- da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21). “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người” (Cv 5,29): 1901“Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng các giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng” (GS 74,5).

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.