Chúa Nhật 15 Thường Niên A – Hãy Vững Tin, Hạt Giống Sẽ Nẩy Mầm

Nỗ lực nhiều mà không thể chuyển thông đức tin của chúng ta cho những người mà Chúa đã giao phó nhiều khi khiến chúng ta thất vọng. Chúa Giê su bảo chúng ta hãy tin tưởng. Dù cho đất đai, thời tiết có bất lợi như thế nào đi nữa, rồi sẽ đến ngày hạt giống chúng ta đã gieo vãi sẽ nẩy mầm và một mùa bội thu sẽ làm quên đi những hạt bay mất.

Sách tiên tri Is 55, 10-11

Như tất cả các chu kì lớn trong thiên nhiên, Lời Thiên Chúa không thể đi qua các dân tộc trên trần gian mà không làm cho họ được phong phú. Có một chương trình của Thiên Chúa về con người: Thánh ý của Người không bao giờ biểu hiện mà không để lại hoa trái. Thánh ý Thiên Chúa sẽ mang lại sung mãn và hạnh phúc.

Thánh Vịnh 64

Thánh vịnh nầy là lời ca tụng Chúa vì công trình của Người bày tỏ trong thiên nhiên chung quanh chúng ta. Chính Người làm cho đất đai phì nhiêu, cho sương xuống trên cây cỏ và thú vật. Người cho cây lúa mọc lên để thành lương thực cho lòai người. Ngài gìn giữ các đàn gia súc là của cải của con người. Cùng với thiên nhiên, chúng ta hãy ca mừng niềm vui được sống của chúng ta.

Thư Rôma 8, 18-23

Thánh Phao lô nói với chúng ta về Niềm Hy vọng. Dù nó mang số kiếp tàn phai, nay còn mai mất, Thiên nhiên cho thấy vẻ đẹp của Thiên Chúa. Và loài người cũng thế, nhưng nhờ Đức Ki tô, hiện giờ chúng ta được thúc đẩy bởi ước muốn được giải thoát khỏi ách nô lệ của sự chết. Chính sự sống lại của Chúa Giê su ban cho chúng ta niềm hi vọng ấy.

Tin mừng: Mt 13,1-19

NGỮ CẢNH

Sau bài diễn từ trên núi giới thiệu Chúa Giê su như nhà lập luật mới (ch. 5-7), Tin mừng Mt tiếp nối sứ vụ rao giảng bằng các trình thuật phép lạ (ch, 8-9). Tiếp theo là diễn từ truyền giáo và lệnh lên đường (ch. 10). Từ đây bắt đầu xuất hiện những nghi ngờ, chống đối và khước từ trước sứ điệp và con người Chúa Giê su. Đỉnh điểm là chương 12 (ch. 11-12). Vì thế, Chúa Giê su dứt khoát đoạn tuyệt với Do thái giáo. Ngài bắt đầu dùng dụ ngôn để giáo huấn về Mầu nhiệm Nước Trời (13).

Có thể đọc bài Tin mừng theo bố cục sau đây:

1. Nhập đề: khung cảnh (cc 1-3a).

2. Dụ ngôn người gieo giống: (cc 3a-9).

3. Các môn đệ cùng Chúa Giê su: dụ ngôn là phương thế phân biệt (cc 10-17).

4. Giải thích dụ ngôn theo kiểu ẩn dụ (cc 18-23).

TÌM HIỂU

Dụ ngôn: Từ nầy mượn trong tiếng Hi lạp parabole, bởi động từ paraballo có nghĩa là ‘so sánh, đối chiếu’. Tân ước dùng từ nầy như một từ chuyên môn để chỉ “một cách nói bằng hình ảnh”. Phương pháp giảng dạy gián tiếp nầy rất quen thuộc nơi Chúa Giê su. Bằng những so sánh ngắn gọn (Mt 5,13-14) hoặc bằng những trình thuật với hình ảnh phong phú mượn từ đời thường hoặc thời cuộc (Mt 13,24-30; Lc 15,11-32), Chúa Giê su trình bày cho những kẻ nghe Ngài một thực tại mà cho đến lúc bấy giờ, họ không biết hoặc biết sai (Mc, 4,33; Mt 15,35).

Dụ ngôn khác với ẩn dụ. Trong ẩn dụ, mọi chi tiết đều có ý nghĩa, còn trong dụ ngôn người ta chỉ nhắm tới ý nghĩa tổng quát thôi.

Người gieo giống đi ra gieo giống: Dù ít được khai triển, nhưng chủ đề ‘người gieo giống’ cũng được CƯ biết đến (x. Hs 2,25; Gr 31,27; Dcr 6,12-13). Chúa Giê su loan báo cho mọi người biết: thời sau hết đã bắt đầu, Thiên Chúa đã gieo Hạt giống của Người là chính Chúa Giê su trên trần gian. Từ đây điều quan trọng và được trông đợi nhất chính là kết quả cuối cùng của việc gieo giống nầy.

Các câu 4-8 cho thấy hai điểm nhấn của dụ ngôn: (1) thất bại tạm thời của việc gieo giống; (2) thành công cuối cùng của việc gieo giống.

Nếu hiểu điểm nhấn là thành công cuối cùng thì dụ ngôn trở thành lời khích lệ: giờ của Thiên Chúa đã điểm và cùng với giờ đó là cả một mùa gặt bội thu ngoài dự kiến. Do đó, dù xem ra bị thất bại hay bị chống đối, lời Chúa vẫn lớn và lớn mạnh. Từ những bước đầu chẳng mấy hứa hẹn, lời Chúa đã có một kết cục rất huy hoàng như Ngài đã hứa (= năng suất của lúa cực kỳ ấn tượng).

Nhưng nếu hiểu điểm nhấn là thất bại tạm thời của việc gieo giống, thì ta thấy dụ ngôn phù hợp hơn với văn mạch các chương 11-12 mô tả cao trào chống đối Chúa Giê su càng lúc càng trở nên mạnh mẽ trước những việc đầy quyền năng mà Chúa Giê su đã thực hiện. Từ hai cách giải thích trên, chúng ta có thể tóm kết ý nghĩa của dụ ngôn như sau: như người gieo giống ở Palestina, chỉ thu hoạch được mùa màng sau khi trải qua biết bao nhiêu vất vả khó nhọc, thì cũng thế, Nước Thiên Chúa do Chúa Giê su khai mào chỉ có thể thành toàn sau khi phải trải qua nhiều thất bại ê chề. Đó chính là điều mà người Biệt phái và đám đông dân chúng không thể nào hiểu được.

Có những hạt rơi xuống vệ đường: Theo thói quen làm ruộng ở Palestina, người nông phu gieo hạt trước rồi mới cày ải sau cho hạt giống lọt xuống lớp đất sâu. Cũng có ý kiến ngược lại cho rằng, chi tiết nầy cho thấy lối làm ‘khác thường’ của người gieo giống nầy đã gieo hạt giống lên mặt đất chai cứng trên lối đi.

Các mầu nhiệm Nước Trời: chỉ nhiệm cục của Thiên Chúa, theo đó việc khai mạc Nước Trời được thực hiện ngang qua các thất bại và thử thách của Chúa Giê su.

Được ơn hiểu biết: Khi chấp nhận đặt niềm tin vào Chúa Giê su với tư cách là kẻ ‘bé mọn’, các môn đệ được hiểu biết Chúa Giê su, được đi vào mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giê su là tâm điểm, và là chìa khóa giải thích.

Ai đã có thì được cho thêm: Ai biết khiêm nhu vâng phục và rộng mở lòng mình đón nhận Thiên Chúa thì sẽ được ban cho ơn hiểu biết phong phú về mầu nhiệm của Ngài. Trái lại kẻ nào chỉ khư khư bám vào những quan niệm hẹp hòi và quá phàm trần về Thiên Chúa thì sẽ bị lấy mất cả cái mà họ tưởng mình đang có; rồi đến ngày phán xét, họ sẽ bị mất tất cả.

Mắt anh em thật có phúc: Các môn đệ có phúc không những vì đã nhìn thấy những việc Chúa Giê su đã làm và  cùng với mọi người đã được lắng nghe giáo huấn của Ngài. Họ còn được ban cho sự hiểu biết những gì mình nghe và thấy nữa.

Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống: Lời giải thích dụ ngôn rẽ sang hướng khác với ý nghĩa nguyên thuỷ của nó. Trong khi ở dụ ngôn, điểm nhắm nêu bật hành động của Thiên Chúa trong lời rao giảng của Chúa Giê su; thế nhưng trong phần giải thích, thì chủ điểm lại thay đổi, không còn là hành động của Thiên Chúa nữa, mà là cách thế đón nhận Lời Thiên Chúa, khía cạnh chủ quan, là cách thế đáp trả của từng người.

Hạt giống là Lời của Nước Thiên Chúa. Đất là tâm hồn mỗi người với mọi cấp độ đón nhận. Chính con người làm cho Lời trở nên khô héo vì để cho ma quỉ và hoàn cảnh chung quanh lôi kéo và chế ngự.

SỨ ĐIỆP

Dụ ngôn về người gieo giống là đọan tin mừng rất quen thuộc, ai trong chúng ta cũng nằm lòng vì đã nghe đi nghe lại nhiều lần. Dụ ngôn là cách diển tả dùng hình ảnh đơn sơ dễ hiểu để giúp cho người khác đến gần chân lí sâu xa. Các dụ ngôn trong sách Tin Mừng nhằm giúp chúng ta hiểu được sứ điệp của Đức Ki tô trong tin mừng của Ngài. Chúng ta đừng tập trung vào một câu truyện duy nhất, những phải nhìn kĩ điều mà Chúa Giê su đã muốn nói với các thính giả của Ngài. Cũng phải tự đặt mình vào vị trí của cộng đòan độc giả của Mát thêu đã viết tin mừng của Ngài 40 năm sau.

Dụ ngôn Tin mừng xác nhận rằng Chúa Giê su nói với những người nông dân: Ngài gặp họ trong lãnh vực mà họ biết rất rõ: trồng trọt, gieo cấy. Ngài thừa hiểu đất đầy đá và gai góc khó cày cấy canh tác như thế nào. Nhưng còn có những mảnh đất tốt khiến người nông phu hãnh diện. Chính vì thế mà giáo huấn của Chúa Giê su được nuôi dưỡng bằng những quan sát tỉ mỉ và trải nghiệm phong phú về cuộc sống nông thôn. Dù mang sắc thái hương đồng cỏ nội nhưng dụ ngôn về người gieo giống vẫn có thể nói với người thành thị hôm nay rất nhiều điều.

Khi sử dụng thể văn dụ ngôn, nhiều lúc Chúa Giê su dùng những cách nói đại ngôn cố ý. Trong trường hợp ở đây, Ngài muốn nhấn mạnh đến một vài điều quan trọng về mầu nhiệm về Nứơc Trời. Chúng ta cần hiểu cho đúng: người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống được gieo vãi khắp nơi là Lời của Ngài; đất tốt hay xấu chính là nhân loại, là mỗi người trong chúng ta. Tin mừng hôm nay muốn nói với chúng ta rằng Thiên Chúa không chỉ dành riêng tình yêu của Ngài cho những người sẽ tiếp nhận và mau mắn đáp lại tình yêu ấy. Lời Ngài gửi đến tất cả mọi người không trừ ai. Nơi mà chúng ta nghĩ rằng hạt giống mất đi, thì Thiên Chúa lại nhìn thấy cơ may dành cho tất cả mọi người với một lòng quảng đại vô bờ bến.

Do vậy, dụ ngôn nầy làm nổi bật sự khác biệt trong cách lãnh nhận Lời Chúa Giê su. Lúc đầu tiếp nhận Lời, thường người ta rất hồ hởi. Họ đến tham dự phép lạ hóa bánh. Họ không muốn bỏ một người đã thực hiện những dấu chỉ như thế. Nhưng sau đó, Lời của Ngài trở nên đòi hỏi hơn. Bấy giờ nhiều người rút lui. Chỉ một ít người còn ở lại.

Cũng thế, trong ngày Hiện xuống và trong suốt những năm sau đó, các cộng đòan ki tô hữu đầu tiên đã phát triển rất nhanh; người ta phấn khởi gắn bó với tin mừng; nhưng rồi năm tháng qua đi; những cuộc bách hại xảy ra. Cuối cùng nhiều người quay lưng lại với đức tin. Dù vậy, các tông đồ đã không thất vọng, nhưng vẫn tiếp tục loan báo Lời khắp mọi nơi, trong mọi môi trường và mọi lãnh thổ. Thánh Phao lô coi đó như là một bổn phận cấp bách: “Khốn cho tôi nếu không loan báo tin mừng!” (1Cr 9,16). Một lệnh turyền đối với Ngài và đối với tất cả những nhà rao giảng. Rao giảng Tin mừng là gieo vãi Lời theo cách của Thiên Chúa. Đó chính là sứ mạng của Giáo Hội ngày hôm nay. Giáo Hội được sai đi để trình bày đức tin cho những người hôm nay. Truyền giáo chính là đi đến mọi nơi, đến với những người tín hữu và cả những người chưa tin hoặc tin chưa đúng. Có thể chúng ta sẽ phải đối đầu với sự thù nghịch và dửng dưng. Nhưng ưu tiên hàng đầu là ở với Đức Ki tô, đấng muốn gặp và cứu độ mọi người.

Chắc hẳn, chúng ta hiểu được sự thất vọng của Đức Ki tô khi Ngài thấy lời ấy không sinh hoa trái. Quả thật người ta có thể đau khổ trước bao nhiêu hạt giống mất đi; bao sự hiện diện, lời nói, cử chỉ thân ái, yêu thương, nhân từ và tha thứ bị từ chối, bị che phủ, bị từ khước nhân danh Lề luật. Nỗi lo sợ lớn nhất là trở thành những người thất bại với ơn Thiên Chúa.

Bấy giờ, cám dỗ xảy đến cho rằng việc làm của người gieo giống hòan toàn trở nên vô ích. Những hạt giống khác rơi trên đất tốt sẽ sinh trái. Đó là một sứ điệp đầy hi vọng nhắc chúng ta nhớ đến sứ điệp của Isaia: “Lời của Ta sẽ không trở lại mà không sinh trái, không hoàn thành sứ mạng của nó”. Những hạt giống trổ sinh 30, 60, 100, có hơi phóng đại. Nhưng là để nhấn mạnh rõ hơn về kết quả của Lời khi được tiếp nhận với một tâm hồn rộng mở và quảng đại.

Trên mảnh đất Tin mừng, việc làm của người gieo giống là gieo chứ không phải gặt hái. Người gieo vãi không làm việc ngắn hạn, mà là dài hạn. Sự thành công trước mắt và bên ngòai không phải là một tiêu chuẩn đo lường tính hiệu quả của Tin mừng. Khi chúng ta nhìn những tội lỗi cá nhân, những thất bại của Giáo Hội, chúng ta thường dừng lại ở những lời xác nhận bi quan và ngắn hạn. Dụ ngôn hôm nay mời gọi chúng ta thay đổi cách nhìn và hi vọng chống lại mọi thất vọng.

Theo chân Đức Ki tô, tất cả chúng ta được mời gọi là những người gieo Tin mừng, gieo hào phóng, gieo khắp nơi mà không quá quan tâm đến thời gian cần thiết để lớn lên. Cả khi không thấy được những kết quả tức thời, chúng ta cũng không được bỏ cuộc. Hãy ghi nhớ lời tiên tri đã nói: “Không gì có thể ngăn cản Lời Thiên Chúa sinh hoa trái”. 

ĐÀO SÂU

SỐNG LỜI CHÚA

Is 55,10-11 Lời Thiên Chúa làm cho đất nẩy mầm

Tv 65,10 Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc

Rm 8,18-23 Toàn thể tạo thành được chia sẻ ơn cứu độ

Mt 13,1-23 hoặc Mt 13,1-9 Người gieo giống

 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: SỨC SỐNG LỜI CHÚA. Lời Chúa luôn phát sinh hiệu quả. Tiên tri I-sai-a so sánh Lời Chúa với mưa từ trời đổ xuống để tưới mát đất đai (Bđ1), để hạt giống mà Đức Giê-su gieo vào đất tốt được nẩy mầm (BTM). Còn Thánh Phao-lô khẳng định trần gian được giải thoát bằng sức mạnh của Lời Tin mừng Đức Ki-tô (Bđ2).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một (Is 55,10-11) như thế nào?

THƯA: Các chương 40-55 sách I-sai-a thường được gọi là Sách An ủi (hay Đệ nhị I-sai-a). Đó là những lời sấm được gửi đến những người lưu đày trở về từ Ba-by-lon nhằm mục đích củng cố lòng tin của họ trước thực tế đầy thử thách.

3. HỎI: Điểm nhấn trong bài đọc một là gì?

THƯA: Bài đọc một muốn nhấn mạnh đến tính hiệu nghiệm của Lời Chúa. Cũng như mưa từ trời rơi xuống “làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn” thì Lời Chúa cũng vậy, “một khi phát xuất từ miệng Chúa sẽ đạt kết quả, thực hiện ý muốn của Ngài và chu toàn sứ mạng Ngài giao phó” (x.Is 55,11-11).

4. HỎI: Tại sao tiên tri bảo đảm rằng Lời Chúa sẽ hiệu nghiệm?

THƯA: Tiên tri bảo đảm như thế là để cho dân vững tin vào lời Thiên Chúa hứa giải thoát họ khỏi ách lưu đày, được trở về quê hương, xây dựng lại Đền thờ và Thành thánh.

5. HỎI: I-sai-a dùng hình ảnh gì để nói về sự hiệu nghiệm của Lời Chúa?

THƯA: I-sai-a dùng hình ảnh cơn mưa: Mưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Chúa cũng vậy, một khi đã gieo xuống và được tiếp nhận thì sẽ mang lại kết quả là ơn cứu độ cho con người.

6. HỎI: ‘Sứ mạng ta giao phó’ là sứ mạng gì?

THƯA: Sứ mạng của Lời Chúa là sứ mạng loan báo ơn tha thứ cho không của Thiên Chúa. Người là Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý giao hòa nhân loại với Người. Sau nầy thánh Phao lô cũng khẳng định điều tương tự: “(Thiên Chúa) muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2, 4).

7. HỎI: Câu 11 có ý nghĩa gì?

THƯA:Lời Ta’ thi hành các ý định của Thiên Chúa cũng như gió (= ruah, cũng có nghĩa là Thần khí). Như Thần khí Thiên Chúa, Lời của Ngài có sức tạo dựng, kiến tạo một dân tộc mới, lảm lại cuộc Xuất hành để gặp Thiên Chúa của họ (40,10).

8. HỎI: Sau Đức Giê-su, ai là người được giao cho sứ mạng ấy?

THƯA: Sau Đức Giê-su, các tông đồ được sai đi làm sứ giả hòa giải: “Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hoà giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hoà giải” (2 Cr 5,18).

9. HỎI: Nội dung bài đọc 2 (Rm 8,18-23) như thế nào?

THƯA: Thánh Phao-lô nhắc nhở cho tín hữu của Ngài nhớ rằng cuộc đời ki tô hữu phải trải qua nhiều khó khăn thử thách cho đến khi toàn thể tạo thành được chia sẻ ơn cứu độ

10. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (Mt 13,1-23) như thế nào?

THƯA: Bắt đầu từ chương 13, Chúa Giêsu ra khỏi khung cảnh hội đường và các cuộc tranh luận để giảng dạy dân chúng trên bờ biển qua các dụ ngôn. Sau khi Chúa Giêsu nói về việc “thi hành ý muốn của Cha trên trời” (12,50), Ngài chuyển sang dụ ngôn Người gieo giống. Hạt giống sẽ được giải thích là lời của Nước Trời (13,19), cũng có nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa được trình bày trong lời nầy. Dụ ngôn đầu tiên “Người gieo giống” sẽ cho thấy các cách thức khác nhau đón nhận lời Chúa và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Có ba ý chính: 1. Dẫn nhập (c. 1-3a); 2. Các loại đất đón nhận hạt giống (cc. 3b-8); 3. Kết luận (c. 9).

11. HỎI: Dụ ngôn là văn loại gì?

THƯA: Trong Tân ước dụ ngôn chỉ ‘một cách nói bằng hình ảnh’. Phương pháp giảng dạy gián tiếp nầy rất quen thuộc nơi Đức Giê-su. Bằng những so sánh ngắn gọn (Mt 5,13-14) hoặc bằng những trình thuật với hình ảnh phong phú mượn từ đời thường hay thời cuộc (Mt 13,24-30; Lc 15,11-32), Đức Giê-su trình bày cho những kẻ nghe Ngài một thực tại mà cho đến lúc bấy giờ, họ chưa biết hoặc biết sai (Mc, 4,33; Mt 15,35).

12. HỎI: Dụ ngôn người gieo giống muốn minh họa điều gì?

THƯA: Đức Giê-su dùng dụ ngôn người gieo giống để dạy hai điều: một là sinh lực của Lời Chúa; hai là cần phải có những tư thế xứng hợp để tiếp nhận sinh lực ấy. Ngoài ra, dụ ngôn còn minh họa những trở ngại mà việc rao giảng tin mừng gặp phải.

13. HỎI: Ai là đối tượng cho giáo huấn dụ ngôn của Đức Giê-su?

THƯA: Chỉ có những người nghèo (người có trái tim tự do khỏi những nô lệ vật chất, luân lí và tâm lí) và những tội nhân sám hối mới có thể hân hoan đón nhận, vì họ sẵn sàng để cho Thiên Chúa hành động cứu rỗi họ.

14. HỎI: ‘Lời Thiên Chúa’ là ai?

THƯA: Đức Giê-su chính là ‘Lời Thiên Chúa’ đến sống giữa loài người (x. Ga 1, 14). Ngài chỉ nói Lời Cha: “Lời mà các ngươi vừa nghe không phải là lời Ta, nhưng là Lời của Cha đấng đã sai Ta” (Ga 14, 24). Nhưng Lời của Ngài khó tìm được mảnh đất thích hợp để nẩy mầm và lớn lên.

15. HỎI: Mùa gặt ám chỉ đều gì?’

THƯA: Đức Giê-su loan báo người nông dân sẽ phải trải qua nhiều vất vả trước khi đến mùa gặt bội thu. Cũng thế, Nước Trời chỉ được hình thành sau nhiều thất bại, vì chỉ có ơn Thiên Chúa mới giúp con người hiểu đươc mầu nhiệm Nước Trời.

16. HỎI: Lời Thiên Chúa có thể bị thất bại bởi con người sao?

THƯA: Đúng. Và trong trường hợp đó, Lời Chúa không thể đem lại hoa trái cho con người. Lắng nghe, tìm hiểu Lời, hiện thực Lời là tiền đề cho việc đi theo và sống tốt hơn cuộc sống trong thời hiện tại, tương lai và vĩnh cửu. May thay, Lời có nhiều con đường để đạt tới trái tim con người. Bí tích Thánh thể là nơi tốt nhất mà Lời vọng lại một cách hiệu nghiệm lạ lùng.

17. HỎI: Ai có trách nhiệm trong việc thiếu đón nhận Lời Thiên Chúa?

THƯA: Trách nhiệm thuộc về chúng ta. Lời Thiên Chúa tiếp tục được gieo vào trong lịch sử và tâm hồn mỗi người. Thiên Chúa không ngừng tin vào cung cách tiếp nhận (loại đất), vào khả năng sinh hoa trái của chúng ta. Ngài luôn ban ơn để chúng ta có thể đạt được mùa màng phong phú là các việc lành, để Lời không trở lại với Ngài mà không sinh ra kết quả như tiên tri I-sai-a khẳng định trong đoạn 55,10-11.

18. HỎI: Một cách chính xác, tiên tri I-sai-a nói gì?

THƯA: Cách chung thì tiên tri khẳng định rằng lời Thiên Chúa vững bền mãi mãi, khác với mọi loài thụ tạo. Lời ấy chứa đựng một thực tại khách quan và mang đến cho con người những hồng ân lớn hơn mưa trong vùng khô cằn nắng cháy. Và đó là hạt giống mà Tân Ước sẽ nói với chúng ta: Lời hiệu nghiệm như thanh gươm hai lưỡi, nhưng luôn chờ đợi sự đáp trả của con người.

19. HỎI: Có tương quan nào giữa ba bài đọc mà phụng vụ đọc cho chúng ta hôm nay?

THƯA: Sức sống Lời Chúa là chủ điểm trong ba bài đọc hôm nay. Bài đọc thứ nhất trình bày Lời như “mầm”, trong khi Đức Giê-su trong bài tin mừng coi Lời Chúa như “hạt giống”. Còn thánh Phao lô mô tả việc tạo dựng như sự sống “nẩy mầm” và dùng hình ảnh sinh nở để gợi ý, theo đó, người phụ nữ đau đớn góp phần cho một sự sống mới sắp chào đời.

20. HỎI: Theo giáo huấn của Đức Giê-su, Lời Thiên Chúa mời gọi cá nhân mỗi người chúng ta sao?

THƯA: Đúng vậy. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong hoàn cảnh sống và từng người một, ngang qua Mạc khải hoặc ngang qua lương tâm. Đức Giê-su trong đoạn tin mừng nầy trình bày cách rõ ràng các điểm then chốt trong mối tương quan giữa chúng ta với Lời Chúa. Ngài tuần tự mô tả các loại đất trên đó hạt giống được gieo. Các đặc tính mà đất phải có để cho hạt giống (= Lời Chúa) mang lại hoa trái và cuối cùng, sức sống khiến cho hạt giống nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái. Lời được gieo xuống luôn luôn mang lại hoa trái.

21. HỎI: Tại sao để nói về Lời Thiên Chúa Đức Giê-su không dùng ngôn ngữ triết học, như về sau nầy các môn đồ của các tông đồ đã sử dụng?

THƯA: Đức Giê-su dùng những hình ảnh dễ hiểu để nói với các thính giả của Ngài. Ngài quan tâm đến việc làm sao để cho người ta hiểu rõ. Xét theo cách làm việc thông thường của việc gieo hạt, thì người nông dân nầy có lối gieo hạt mà không một người nông dân chuyên nghiệp nào đã làm. Thật vậy, dù biết chất lượng của đất tốt và hạt giống khó nẩy mầm, người gieo giống cũng cứ vung vãi hạt giống khắp nơi. Qua hình ảnh ấy, Đức Giê-su không nói tới một người gieo giống bình thường nào đó, mà nói đến chính Ngài, đến công việc của Ngài đang làm cho nhân lọai. Ngài đã gieo tin mừng về Nước Trời khắp nơi và đã cống hiến cho tất cả mọi người khả năng để sinh ra hoa trái ngòai dự tính của họ. Chẳng những không bỏ đi một mảnh đất nào, Ngài còn hào phóng mạnh tay vung vãi gieo hạt khắp nơi.

22. HỎI: Tại sao việc gieo hạt vẫn thừa thải và phong phú, dù không phải tất cả các mảnh đất đã đáp ứng một cách như nhau?

THƯA: Vì Thiên Chúa mong đợi ít ra cũng có lời đáp trả, dủ khi lời đáp trả đó không đáp ứng chương trình của Ngài trên từng người. Ngòai ra, việc gieo hạt một cách hào phóng nằm trong sáng kiến của Thiên Chúa trong lịch sử, có tính cách hoàn toàn cho không và đầy lòng từ bi của Người. Trong Đức Giê-su, Thiên Chúa tự mạc khải một Thiên Chúa mầu nhiệm, nghĩa là không gì có thể kín múc cạn nguồn và khiến ta ngạc nhiên, nhưng không phải là một Thiên Chúa xa vời đối với con người.

23. HỎI: Nhưng các loại đất, hình ảnh những loại người khác nhau, đã đáp ứng như thế nào?

THƯA: Trong bốn lọai đất, chỉ có một lọai mang lại hoa trái, một loại hoàn toàn từ chối tiếp nhận hạt giống, và hai lọai tiếp nhận một cách hời hợt. Ba lọai đất bóp nghẹt hạt giống vì không màu mỡ, ba chướng ngại chống lại việc tiếp nhận sinh hoa trái Lời Chúa. Trong các chướng ngại mà Đức Giê-su nói đến, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn hữu ích: đó là sự nội tâm hóa, sự kiên trì và làm việc thiêng liêng. Hạt giống gieo trên đường và bị chim trời ăn tượng trưng cho việc lắng nghe một cách hời hợt, thiếu nội tâm hóa. Không được nội tâm hóa thì Lời Chúa không thể trở nên nguyên lí sống động cho con người. Còn hạt giống rơi trên đá sỏi thì không nẩy mầm được, vì thiếu sự kiên trì, tỏ ra bất nhất, con người nhất thời, đức tin không chịu đựng nổi những thử thách. Còn hạt giống bị gai góc làm chết ngạt chi hạng người để cho danh lợi thú cuộc đời làm cho Lời Chúa chết đi. Người ấy không làm việc và chiến đấu thiêng liêng như bổn phận đòi HỎI:

24. HỎI: Còn chúng ta, chúng ta là loại đất nào?

THƯA: Mỗi người được mời gọi tìm kiếm những phút giây tĩnh lặng và suy tư trong ngày sống để có thể lắng nghe lời Thiên Chúa phán dạy ngang qua những giác quan bên ngòai và bên trong. Điều làm nên chất lượng mảnh đất là sự tiếp nhận đem lại sự sám hối, tạo nên không gian cho hạt giống được gieo vào và vươn lên. Lời Chúa có thể ở trong cuộc sống của chúng ta nếu như chúng ta biết sám hối, vươn tới và phát triển một cuộc gặp gỡ cá nhân với Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki tô. Gặp gỡ, chiêm ngắm, thông hiệp với Ngài phải giúp chúng ta có trách nhiệm về ơn ban đã lãnh nhận và thúc đẩy chúng ta làm tròn sứ vụ loan báolàm chứng cho Lời ấy.

GLCG 546 2613 542. Đức Giê-su đã dùng các dụ ngôn kêu gọi mọi người vào Nước Trời. Dụ ngôn là nét tiêu biểu trong cách giảng dạy của Người (x.Mc 4,33-34). Qua các dụ ngôn, Người mời họ dự tiệc Nước Trời (x. Mt 22,1-14), nhưng cũng đòi họ phải có một chọn lựa triệt để : phải “cho đi tất cả” để có được Nước Trời (x. Mt 13,44-45); lời nói suông chưa đủ, cần phải hành động (x.Mt 2l,28-32). Các dụ ngôn như những tấm gương nhờ đó con người nhận diện chính mình : đón nhận Lời như mảnh đất khô khan hay mảnh đất mầu mỡ? (x. Mt 13,3-9) làm gì với những nén bạc đã nhận? (x.Mt 25,14-30). Đức Giê-su và sự hiện diện của Nước Trời giữa thế gian là trọng tâm của các dụ ngôn. Phải trở nên môn đệ Đức Ki-tô mới “thấu hiểu các mầu nhiệm Nước Trời” (Mt 13,11); còn đối với “người ngoài” (Mc 4,11) mọi sự đều bí ẩn (Mt 13,10-15).

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.