Chúa Nhật 13 Thường Niên A – Từ Bỏ Mình Để Theo Chúa Giêsu

Đối với con người, SỐNG trước tiên có nghĩa là tránh sự CHẾT được cảm nghiệm như là HẾT. Nhưng đối với Đức Ki-tô thì đi vào cuộc trao đổi tình yêu với Cha là yếu tố tao thành một hình thức đời sống mới, vô cùng thực tế hơn cuộc sống hiện tại của chúng ta. Cuộc sống mới nầy không thể bị hủy hoại và vĩnh cửu. Đó là vương quốc chung quyết của Tình yêu tiêu diệt mọi sự sợ hãi.

Sách Các Vua 2V 4,8-11.14-16a

Tiên tri Ê-li-a hứa ban sự sống cho người đàn bà nhân đức Sunam vì đã tiếp đón Ngài rất chân tinh. Tiên tri Ê-li-sa nhờ cầu nguyện đã làm cho người đàn bà son sẻ được sinh con. Thiên Chúa luôn ban thường cho tất cả những ai biết hết lòng tiếp đón Ngài. Gặp gỡ Thiên Chúa tức là trở nên phong phú trong ân sủng.

Thánh vịnh 88

YÊU THƯƠNG VÀ TÍN TRUNG luôn đi đôi với nhau. Cùng nhau thì luôn là một sức mạnh phi thường, ngay cả trong lãnh vực phàm trần. Các ưu phẩm ây Thiên Chúa luôn sở hữu một cách vô cùng, và tuyệt đối Ngài muốn tỏ lộ cho chúng ta được biết. Chúng ta hãy cầu xin Ngài ban cho chúng ta được tín trung như Ngài bằng chính sự tín trung của Ngài.

Thư Rôma 6, 3-4.8-11

Thánh Phao-lô tuyên xưng đức tin: Đức Ki-tô phục sinh tiếp nhận chúng ta trong vinh quang đời sống vĩnh cửu của Ngài mà Ngài muốn chia sẻ cho chúng ta. Đức Giê-su đã chết một lần cho tội lỗi, và hiện đang SỐNG và mãi như thế vì Ngài là Đấng Sống cho Thiên Chúa. Với Đức Giê-su chúng ta cũng đã chết cho tội lỗi và đang sống cho Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô

Tin mừng:  Mt 10,37-42

NGỮ CẢNH

Thánh Mát thêu đã gom vào đây một số lời dạy của Chúa Giê su trong nhiều trường hợp khác nhau để tiếp nối bài huấn dụ cho các môn đệ của Ngài. Những lời nầy vẫn có trong Tin mừng Luca nhưng trong những hoàn cảnh thích hợp hơn. Thoạt đầu đây là những lời dành cho các môn đệ, sau được áp dụng cho các nhà thừa sai truyền giáo.

Chúa Giê su yêu cầu tất cả các môn đệ phải gắn bó với Ngài. Và sự gắn bó nào cũng đòi hỏi một sự mạo hiểm công khai đầy bất trắc. Giống như trong CƯ, Ngài đòi hỏi một sự gắn bó hoàn toàn và không chia sẻ đối với Ngài. Người ta phải đặt Ngài ở vị trí ưu tiên, trên cả mọi liên hệ thiêng liêng nhất của con người.

Có thể đọc đoạn Tin mừng nầy theo bố cục sau đây :

1. Ưu tiên chọn lựa Chúa Giê su (10,37-39)

2. Tiếp đón các tông đồ (10,40-42)

TÌM HIỂU

Ai yêu cha mẹ hơn Thầy: Chúa Giê su không chấp nhận bất cứ tình yêu nào cạnh tranh với tình yêu dành cho Ngài. Tình yêu của Ngài là tình yêu ghen tương của Thiên Chúa mà Cựu Ước đã nói đến (Đnl 29,20; 32,16).

Yêu: động từ yêu ở đây (philein) có nghĩa tiêu cực: là “gắn bó với, có cảm tình với”. Gắn bó với cha mẹ tuy là tình cảm chính đáng, nhưng có thể thành chướng ngại cho việc phụng sự Chúa Ki tô. Tình yêu đối với Chúa và tình yêu đối với Cha mẹ không xung khắc nhau, nhưng trong đời sống cụ thể, kẻ nào sắp theo Chúa Giê su mà tâm hồn còn ràng buộc với gia đình thì chẳng xứng đáng với Người. Chúa Giê su dành cho Người quyền ưu tiên, tối thượng vì Người chính là Thiên Chúa.

Vác lấy thập giá: theo Chúa Giê su là đi trên con đường đau khổ khốc liệt và công khai. Do đó phải tiên liệu và chấp nhận sự chống đối dữ dội và hầu như chính thức phải chịu vì là môn đệ Chúa Ki tô.

Ai giữ/ thì mất..Ai liều mất/ sẽ tìm được: đây là kinh nghiệm của những người quyết tâm theo Chúa Giê su. Chân lý ấy không thể biện minh bằng lý luận nhưng chỉ có thể được trải nghiệm và sống trong niềm tin. Bảo chứng duy nhất của chân lý nầy là Thiên Chúa.

Ai đón tiếp..: động từ nầy vừa có nghĩa cụ thể là hiếu khách, vừa có nghĩa là “tùng phục” Lời mà sứ đồ rao giảng.

Người công chính: có lẽ chỉ người ki tô hữu có lối sống gương mẫu, có một địa vị trên trước trong cộng đoàn tín hữu sơ khai.

Kẻ bé nhỏ: chỉ các môn đồ bậc thường, không có trách vụ gì trong cộng đoàn. Họ không có chức phận gì khác ngoài “môn đồ”, không làm gì khác hơn là “tin”, nhưng như thế cũng đáng được kính trọng. Không được khinh thường và hiếp đáp họ.

Phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ.. công chính: ai đón tiếp ngôn sứ, người công chính thì sẽ nên giống hay ngang hàng với họ, và do đó cũng sẽ lãnh nhận cùng phần thưởng như các vị ấy.

SỨ ĐIỆP

Trong bài tin mừng hôm nay, có một ý tưởng rất mạnh liên quan đến tất cả chúng ta, vì nó thụôc thành phần cuộc sống của chúng ta. Đó là tất cả những gì liên quan đến việc đón tiếp. Tiếp đón: từ ấy gợi lên một cánh cửa mở ra, một bàn tay đưa ra, một nụ cười chào đón, một tình bạn gọi mời.

Những ai có cơ hội đi sang Phi Châu biết rằng ở lục địa nầy, sự đón tiếp người khách lạ là một điều gì đó linh thiêng. Khi người khác đến trước cửa, anh ta được tiếp nhận như là người được Thiên Chúa sai đến. Người Phi châu có thể chịu thiếu mọi sự cho người khách của mình. Người ta chọn cho anh chỗ mát nhất trong sân. Người ta nhường cho anh chiếc ghế tốt nhất. Rồi dọn của ăn thức uống. Sau đó người ta mới bắt đầu nói chuyện, trao đổi tin tức, lời chúc mừng và quà tặng.

Đó đúng là điều mà chúng ta tìm thấy trong bài đọc 1. Bà Sunam phải nhịn ăn để tiếp đón tiên tri Êlisê. Bà đón tiếp ông với tư cách là người của Thiên Chúa. Bà dọn cơm cho ông ăn và giường chỗ ông nghỉ. Điều quan trọng, không phải là số lượng, hay vẻ sang giàu nhưng là chất lượng của sự đón tiếp. Và nhất là, ngang qua người khách lạ đó, chính Thiên Chúa mà bà tiếp đón.

Bài tin mừng nói với chúng ta nhiều điều về sự tiếp đón, và nhất là cách mà Chúa Giê su tiếp đón dân chúng. Ngài tiếp đón bệnh nhân để chữa lành họ, người phung cùi để thanh tẩy họ và trả lại cho họ phẩm giá của con người. Ngài cũng tiếp đón các tội nhân để mạc khải cho họ tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Ngài tiếp đón những người nghèo nhất, những người bất hạnh nhất và cả những em bé mà người ta muốn ngăn cản không cho chúng đến gần Ngài. Ngài tiếp nhận lời cầu xin của một người ngọai giáo, khen ngợi đức tin và lòng tin tưởng của ông.

Qua sự tiếp đón đó, tình bạn được trao ban cho tất cả mọi người. Chương trình to lớn của Chúa Giê su là mạc khải tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa trao ban cho tất cả mọi người, người có tội cũng như người ngọai quốc, người thấp hèn cũng như người bị bốc lột. Thiên Chúa của chúng ta quan tâm đến tất cả mọi người, từ người đi tìm một ý nghĩa cho cuộc đời mình, đến người nghi ngờ, từ người không còn đi tới nhà thờ đến những người giữ đạo sốt sắng ngày chủ nhật. Và như thế mà Chúa Giê su tỏ cho chúng ta thấy Ngài là một Thiên Chúa tiếp đón chúng ta như chúng ta là. Và ngày nay, Ngài nói với chúng ta rằng điều Ngài tiếp tục làm là cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều được giao phó bổn phận tiếp nối sứ mạng của Đức Ki tô. Khi một linh mục tiếp đón cha mẹ đến xin Rửa tôi cho con mình, thì chính Giáo Hội đón tiếp họ. Nhưng qua Giáo Hội, chính Chúa Giê su đón tiếp. Vai trò của Giáo hội, vai trò của tất cả chúng ta là tiếp đón tất cả những người được Đức Ki tô lôi kéo và bởi sự điệp yêu thương của Tin mừng. Sứ mạng của Giáo Hội do đó là tiếp nối loan báo khắp nơi Tin mừng mà Chúa Giê su mang đến : « Bất cứ anh em là ai, Thiên Chúa đều yêu thương, Chúa Giê chìa bàn tay ra cho anh em ; Người dẵn sàng tiếp đón anh em trong gia đình của Ngài, trong cộng đòan của Ngài nếu anh em tin vào Ngài và nếu anh em muốn coi Ngài như là bạn đường ».

Khi chúng ta nói về một Giáo Hội tiếp đón, đó không chỉ là một thiết định ; chúng ta là ki tô hữu, chúng ta thuộc thành phần của Giáo Hội nầy ; chúng ta là phần tử sống động của Giáo Hội. Làm sao chúng ta sống sự tiếp đón nầy ? Có thể chúng ta phải thay đổi não trạng của chúng ta theo ý nghĩa một sự mở ra lớn hơn đối với anh em chúng ta như họ là, theo hình ảnh của chính Chúa Giê su. Và điều đó phải được diễn tả qua những thái độ hằng ngày tự phát của chúng ta: phải có thái độ đón tiếp đối với những người trẻ phá phách quấy rầy chúng ta, đối với người ngọai quốc mà chúng ta gặp trên đường, đối với gia đình mới đến trong khu phố của chúng ta.

Điều cần phải thay đổi, đó là cách mà chúng ta tiếp nhận những sự nghi ngờ và những vấn đề của những người đặt câu hỏi. Rất nhiều những người đi tìm ý nghĩa cuộc đời của họ. Thật là quan trọng việc mỗi người có thể tìm được những nơi đón tiếp mà họ có thể nói lên những vấn nạn và những nghi ngờ mà không cảm thấy bị xét xử.

Và khi người ta nói về sự tiếp đón, chúng ta cũng phải nhớ đến những lời Chúa Giê su nói: “Khi Ta đói, khi Ta đau yếu, khi Ta là khách lạ, Ta không có áo mặc, và các người đã tiếp đón ta. Tất cả những gì các người làm cho họ, là làm cho chính Ta”. Tiếp đón, không sống đóng kín trong chính mình, quan tâm mở ra cho người khác, quan tâm đến người khác, biết lắng nghe với một gương mặt niềm nở, đó là điều mà chúng ta được mời gọi làm ngày hôm nay. Chính trong hững điểu nhỏ mọn hằng ngày mà người đo lường sự thành thật của các chứng từ chúng ta.

Ngày Chủ nhật, chúng ta hiệp nhau để cử hành Thánh Thể; chính Thiên Chúa tiếp đón chúng ta trong nhà của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta đến bàn tiệc của Ngài. Và sau mỗi thánh lễ, Ngài sai chúng ta đi làm chứng trong thế giới của tình yêu nhưng không luôn ban tặng cho chúng ta. Cơ hội không thiếu để chúng ta có thể làm cho người khác sung sướng. Đừng bỏ qua những cơ hội đó. Ngang qua họ, chính Chúa gỏ cửa chúng ta.

(Các ý tưởng sau đây có thể giúp ích:

1. Chỉ có mình Thiên Chúa mới đáng kể, chỉ có Ngài mới có thể biện minh cho sự đòi hỏi mà Chúa Giê su đề ra cho các môn đệ. Nói cách khác, ai không chấp nhận ưu tiên tuyệt đối của Thiên Chúa trong mọi sự, thì không thể trở thành môn đệ của Chúa Giê su (Lc 9,57-60; Mt 8,19-22). Tất cả mọi giá trị khác đều phải nhường bước trước Thiên Chúa. Hai câu tiếp theo là đỉnh cao và tóm kết toàn bộ bài diễn từ truyền giáo.

2. Kiểu nói: “Vác lấy thập giá mình” được dùng năm lần trong các sách Tin mừng (Mc 8,34; Mt 16,24; Lc 9,23; 10,38; 14,27). Phải hiểu như là một sự cần thiết phải sẵn sàng chết cho Chúa Giê su? Hay chỉ là việc từ bỏ cái tôi của mình, cuộc sống của mình? Nếu thế thì đó là mức độ vượt mọi mức độ của sự dấn thân cho ai muốn theo Chúa Giê su. Đứng trước ưu tiên của Con Thiên Chúa làm người, những giá trị cao cả nhất của con người phải nhường bước.

3. Nói khác đi, “Vác lấy thập giá” là đi lại con đường mà Chúa Giê su đã đi và sẵn sàng dấn thân trước những hậu quả tương tự. Chúa Giê su không cổ võ sự đau khổ, lại càng không đề cao lối sống chuộng khổ đau. Ngài chờ đợi nơi người môn đệ một quyết định, một chọn lựa nền tảng dựa trên một tương quan tin tưởng tuyệt đối: người môn đệ phải luôn luôn biết rằng mình đang dấn bước theo Chúa Giê su, ngay cả khi phải vượt qua những đau khổ cùng cực. Trong chiều hướng ấy, thập giá trước tiên chỉ một lời mời gọi triệt để thông hiệp và đồng nhất với Chúa Giê su vì ngài nối kết người môn đệ trong chính sứ mạng của Ngài.

4. Lý tưởng từ bỏ bắt đầu trong cuộc sống khiêm tốn hằng ngày và chỉ có thể chấp nhận và sống trong đức tin mà thôi, vì không một lý luận nào của con người có thể biện minh được. Nguyên do của cuộc sống ấy được Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng: “vì ta”: bản thân Ngài có quyền ưu tiên trên mọi người khác, và “vì Nứơc Trời và vì sự công chính của nó” (Mt 6,33;5,10).

5. “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy”.

Nền tảng cho các câu nầy là ý tưởng: người được sai đi ngang hàng với đấng sai họ đi. Ai tiếp đón đấng Thiên Chúa sai đến là đón tiếp chính Thiên Chúa. Ơ đây phần thưởng ban cho không phải vì sự đón tiếp xã giao bình thường, nhưng vì sự đón tiếp dành cho đấng được coi như được Thiên Chúa sai đi và do đó, đón tiếp chính Thiên Chúa.

Sự đón tiếp mà thánh Mát thêu nói ở đây không những thuộc phạm vi bác ái, mà còn đi xa hơn nữa. Đó là chính sự tiếp đón mà từ rất lâu Thiên Chúa chờ đợi nơi dân riêng của Người khi Người sai các ngôn sứ đến với họ. Đó là sự chờ đợi của Thiên Chúa, đấng tự biểu lộ qua trung gian con người, mà giờ đây là chính Chúa Giê su nơi các tông đồ, cũng như nơi những người bé mọn.

Tiếp nhận sứ điệp nầy chính là tiếp nhận Thiên Chúa qua trung gian, tiếp nhận Thiên Chúa nơi vị sứ đồ Người sai đến.)

ĐÀO SÂU

TIẾP ĐÓN CÁC SỨ GIẢ CỦA THIÊN CHÚA

2V 4,8-11 .14-16 Thiên Chúa ân thưởng người đàn bà rộng lòng đón tiếp vị tiên tri

Tv 89,2 Lạy Chúa, con sẽ ca tụng tình thương Chúa đến muôn đời !

Rm 6,3-4.8-11 Qua phép Rửa tội chúng ta được hiệp nhất nhờ sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô

Mt 10,37-42 Ai hiến mạng sống mình vì Thiên Chúa sẽ được thưởng công

 

1. HỎI: Các bài đọc được liên kết theo chủ đề gì?

THƯA: TIẾP ĐÓN CÁC SỨ GIẢ CỦA THIÊN CHÚA. Bà Su-nêm mở rộng cửa đón tiếp Ê-li-sê như người của Thiên Chúa sai đến (Bđ1), đó là điển hình cần phải thực hiện để đón tiếp sứ giả của Chúa (BTM).

2. HỎI: Bối cảnh bài đọc một như thế nào?

THƯA: Bài đọc một tiếp tục phần thứ hai của sách Các Vua kể lại câu truyện tiên tri Ê-li-sê kế vị tiên tri Ê-li-a. Truyện ấy giống với truyện trong sách Sáng thế kí về lời loan báo cho A-bra-ham và Sa-ra biết tin I-sa-ac sinh ra (chương 18). Cả hai câu truyện có những điểm tương đồng như: tiếp đón sứ giả của Thiên Chúa, hai cặp vợ chồng son sẻ, hai người phụ nữ nghi ngờ. Thiên Chúa là bậc thầy thực hiện những điều không thể thực hiện. Đức Maria là người sẽ tin vào Lời sứ thần.

3. HỎI: Ngữ cảnh bài đọc một (2 V4,8-11, 14-16a) như thế nào?

THƯA: Bài đọc một tiếp tục phần thứ hai của sách Các Vua kể lại câu truyện tiên tri Ê-li-sê kế vị tiên tri Ê-li-a. Đó là một trích đoạn từ bộ sưu tập các phép lạ mà tiên tri Ê-li-sa thực hiện trong sứ vụ của ông (2V 4,1-6,7): phép lạ thứ hai trong mười phép lạ được sách kể lại.

4. HỎI: Nội dung bài đọc một như thế nào?

THƯA: Ở Su-nêm có một bà giàu có thường tiếp đón trọng hậu Ê-li-sê mỗi lần ông ghé thăm gia đình vì bà biết ông là một sứ giả của Thiên Chúa sai đến. Ngày nọ, để trả ơn bà, vị Tiên tri đã nhân danh Thiên Chúa báo trước một đứa con trai sẽ sinh ra như là phần thường Thiên Chúa dành cho gia đình bà.

5. HỎI: Tính hiếu khách của người phụ nữ Su-nêm như thế nào?

THƯA: Bốn câu đầu bài đọc (8-11) cho ta thấy người phụ nữ Su-nêm rất tốt bụng. Bà sẵn sàng cho tiên tri trú ngụ nhà mình, rồi tận tình chăm sóc ông như người nhà. Và khi biết đó là ‘người của Thiên Chúa’ bà đề nghị với chồng làm hẵn một căn phòng để cho tiên tri thoải mái trú ngụ mỗi khi ghé qua nhà bà.

6. HỎI: Vị tiên tri đã làm gì để trả ơn cho người phụ nữ Su-nêm?

THƯA: Để trả ơn cho người phụ nữ tốt bụng cho ông trú ngụ, tiên tri Ê-li-sê đã thực hiện một phép lạ: “Vào thời kỳ này, vào độ này sang năm, bà sẽ được bế con trai” (15).

7. HỎI: Bà đã phản ứng như thế nào?

THƯA: Bà không tin vào lời tiên tri, nhưng đúng một năm sau, lời tiên báo của tiên tri đã thành sự thật.

8. HỎI: Bài đọc một dạy chúng ta điều gì?

THƯA: Bài đọc một nêu gương hiếu khách của người đàn bà Su-nêm để làm gương dạy chúng ta phải có lòng hiếu khách niềm ở tiếp đón các sứ giả của Thiên Chúa, vì đón tiếp các ngài chính là đón tiếp chính Thiên Chúa đến thăm và ban ơn cứu độ cho chúng ta.

9. HỎI: Bài đọc một và bài tin mừng liên kết với nhau như thế nào?

THƯA: Bài đọc một dạy cho chúng ta tính hiếu khách. Còn bài tin mừng còn đi xa hơn. Ngoài lòng kính trọng, lòng bác ái, thì việc tiếp đón các tông đồ, các nhà sáng lập giáo đoàn, các nhà truyền giáo lang thang chính là tiếp đón Đức Ki-tô. Vì họ là đại diện cho Ngài và đồng hóa với Ngài qua sứ điệp và cách sống của mình. Như thế, tiếp đón người được sai đi, là tiếp đón chính Đức Ki-tô, tiếp đón Đức Ki-tô là tiếp đón chính Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sứ vụ và mọi ơn ban nhưng không.

10. HỎI: Nội dung bài đọc thứ hai (Rm 6,3-4.8-11) như thế nào?

THƯA: Sau khi nói về đức tin làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, Thánh Phao-lô khẳng định phép Rửa còn cho chúng ta được hiệp thông với Đức Ki-tô, cùng chết với Ngài trong tội và sống với Ngài trong sự sống mới.

11. HỎI: Ngữ cảnh bài tin mừng (10, 37-42) như thế nào?

THƯA: Bài tin mừng là phần cuối của diễn từ truyền giáo. Sau khi đã đưa ra những chỉ thị cần thiết cho cuộc truyền giáo, Đức Giê-su kết thúc với lời khuyên các môn đệ phải ưu tiên chọn lựa Ngài (10,37-39) và phải tiếp đón các tông đồ (10,40-42).

12. HỎI: “Ai yêu..hơn Thầy” có nghĩa gì?

THƯA: Mới đọc qua thì có vẻ như Đức Giê-su dạy sự bất hiếu, nhưng không phải thế vì đi ngược lại với điều răn thứ 4 của Thiên Chúa. Qua lời dạy trên, Ngài chỉ muốn nói rằng trước tình yêu, ý mốn hay công việc của Thiên Chúa thì mọi sự khác cũng như mọi người khác phải xuống hàng thứ yếu. Trong tin mừng Lu-ca, lời Đức Giê-su còn mạnh mẽ hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,26). Chắc hắn, môn đệ phải yêu thương cha mẹ mình, nhưng đồng thời phải yêu thuong Đức Giê-su nhiều hơn, vì Ngài là Con Thiên Chúa. Vì là Thiên Chúa nên Ngài đòi hỏi một sự gắn bó hoàn toàn và không chia sẻ với Ngài.

13. HỎI: ‘Tiếp đón’ là sao?

THƯA: Câu 41 là của riêng Mt. Theo truyền thống Kinh thánh, Thiên Chúa luôn tưởng thưởng cho ai tiếp đón đấng Ngài sai đến (thí dụ như bà góa Sa-rép-ta 1V 17,9-16). Sự song song giữa vị sứ giả và Đức Ki-tô được triển khai qua ba bước: tiên tri, người công chính, và những kẻ bé nhỏ.

14. HỎI: Tại sao Đức Giê su dạy phải tiếp đón các tông đồ?

THƯA: Mười hai tông đồ là những sứ giả của Đức Giê-su còn Ngài thì được Thiên Chúa sai đến. Vậy nguồn mạch tối hậu của mọi sứ vụ là chính Thiên Chúa, Đấng đồng thời là chủ mùa gặt và đấng sai phái các thợ gặt. Vì thế đón tiếp các tông đồ chính là đón tiếp Đức Giê su và đón tiếp Đức Giê su chính là đón tiếp chính Thiên Chúa.

15. HỎI: Sống sứ điệp Lời Chúa như thế nào?

THƯA: 1. Đón tiếp anh em mình, đặc biệt những người bé mọn, nghèo khổ, hay trong hoàn cảnh khó khăn chính là đón tiếp chính Chúa. Chắc chắn một cách sống như thế cũng có thể gặp nhiều khó khăn, nhưng tình yêu sẽ vượt thắng mọi khó khăn và sẽ làm cho chúng ta trở nên giống Đức Ki-tô hơn. 2. Đòi hỏi của Đức Ki-tô thật nghiêm khắc nhưng cho thấy sự quảng đại của Ngài. Chính vì muốn cho đời sống của chúng được sinh hoa kết trái phong phú, nên Ngài đòi hỏi rất nhiều nơi chúng ta.

GLCG 858 551 425 1086. Đức Giê-su là Đấng Chúa Cha cử đến với nhân loại. Ngay từ đầu sứ vụ, Người “kêu gọi những kẻ Người muốn chọn, và thành lập nhóm Mười Hai để các ngài ở với Người và để Người sai đi rao giảng” (x. Mc 3,13-14). Từ đó, các ngài là “những người được sai đi” (đó là ý nghĩa của từ Hy Lạp Apostoloi). Qua các ngài, Đức Ki-tô tiếp tục sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21) (x. 13,20; 17-18). Như vậy, thừa tác vụ của các ngài “nối tiếp sứ mạng của Đức Ki-tô”. Chúa phán với nhóm Mười Hai: “Ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy” (Mt 10,40) (x. Lc 10,16). 2232 1618 Các liên hệ gia đình rất quan trọng nhưng không tuyệt đối. Đứa trẻ càng lớn lên, vươn tới tuổi trưởng thành và tự chủ về mặt nhân bản và thiêng liêng, ơn gọi riêng do Thiên Chúa ban càng được khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ phải tôn trọng và cổ võ con cái đáp trả và đi theo ơn gọi ấy. Phải xác tín rằng ơn gọi đầu tiên của Ki-tô hữu là bước theo Đức Giê-su (x. Mt 16,25 ). “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy, ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy thì không đáng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,37).

Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

 

 

Comments are closed.