Chúa Nhật 11 Thường Niên – Ngày 17/06/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 4,26-34″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa. Ðất tự nó làm cây lúa mọc lên: trước hết thành cây, rồi đâm bông, rồi kết hạt. Và khi lúa chín, người ấy liền gặt vì đã đến mùa”.

Người còn phán: “Chúng ta sẽ lấy gì mà hình dung nước Thiên Chúa? hay dùng dụ ngôn nào mà so sánh nước đó được? Nước đó giống như hạt cải, khi gieo xuống đất thì nhỏ bé nhất trong tất cả các hạt trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, nó mọc lên thành cây rau lớn nhất, và đâm những cành to, đến nỗi chim trời có thể tới núp bóng được”. Người dùng nhiều dụ ngôn như thế mà rao giảng lời Chúa cho họ, tuỳ sức họ có thể hiểu được, và Người chỉ nói với họ bằng dụ ngôn, nhưng khi ở riêng với các môn đệ, Người giải thích tất cả cho các ông.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐÓN NHẬN MẶC KHẢI NƯỚC TRỜI

“Nước Thiên Chúa giống như người kia đã gieo hạt xuống đất: người đó ngủ hay thức, đêm hay ngày, hạt giống cứ đâm mầm và mọc lên thế nào người đó cũng không hay biết nữa” (Mc 4, 26-27).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mac-cô diễn tả cho chúng ta thấy được sự huyền nhiệm của Nước Trời ngang qua các hình ảnh hết sức cụ thể và quen thuộc: những hạt giống âm thầm nảy mầm, phát triển và những giá trị to lớn mà nó mang lại. Thế nhưng điều đáng nói là dường như chẳng mấy ai có thể cảm thấu được những ý nghĩa này. Ấy thế mà Tin Mừng lại khẳng định: “Đức Giê-su không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn”. Chẳng lẽ Người lại không muốn cho họ đón nhận mặc khải của mình sao? Đương nhiên là không, bởi lẽ ta thấy rằng tất cả đều là do họ không thực lòng muốn nghe, muốn hiểu. Chúng ta có thể thấy rõ hơn thái độ này của họ nếu đối chiếu đoạn Tin Mừng hôm nay với phần “Các bài giảng bằng dụ ngôn” trong Tin Mừng của thánh Matthêu (x. Mt 13,1-52). Thật vậy, nếu họ thật lòng muốn nghe, muốn hiểu để tin thì họ đã phải giống như các môn đệ xin Chúa giải thích cho mình rồi. Ở đây, Đức Giê-su cần họ đáp trả với một lòng khao khát thực sự, bởi vì có như thế họ mới có thể trổ sinh hoa trái tốt đẹp được.

Cuộc sống càng văn minh hiện đại, chúng ta càng dễ bắt gặp nhiều hơn những hình ảnh của đám đông dân Do-thái xưa. Nhiều người đổ xô đi tìm sự thật liên quan đến vũ trụ vạn vật, với khao khát hiểu biết và nắm bắt. Và như chúng ta thấy, tất cả những nỗ lực ấy đều cách này cách khác đưa họ đến với những mặc khải về sự hiện hữu của Thiên Chúa, về Nước Trời. Tuy nhiên thay vì khiêm tốn đón nhận để có thể đi sâu hơn vào Chân Lý ấy, họ lại chọn cách dừng lại để thỏa mãn bản tính kiêu căng của mình. Nhưng dù có muốn hay không, thái độ của họ cũng không bao giờ có thể che giấu hay lấp đầy được Sự Thật ấy bằng những giới hạn của mình. Thiên Chúa và vinh quang của Người vẫn sẽ luôn âm thầm lớn lên và sinh hoa kết quả nơi những tâm hồn biết đón nhận. Thiết nghĩ đây cũng là một bài học quý giá cho chúng ta, những người Ki-tô hữu trên hành trình đức tin của mình. Bởi lẽ, ngày nay nhiều tín hữu đã và đang chọn cho mình những hình thức thực hành đức tin rất cực đoan, lệch lạc. Thay vì khiêm tốn đặt mình trong sự quan phòng và trong vinh quang của Thiên Chúa, chúng ta lại hay an ủi và lừa dối lương tâm của mình bằng những thực hành đức tin mang tính đối phó, làm vì bổn phận,… Hãy nhớ lại lời ưu tư mà Chúa Giê-su đã từng thốt lên: “Liệu rằng khi Con Người trở lại có còn thấy niềm tin trên mặt đất nữa không?”

Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi lòng chúng con, xin đưa chúng con về trong niềm tin đơn sơ, chân thành và khiêm tốn trước những mầu nhiệm cao cả mà chúng con đã được diễm phúc đón nhận từ nơi lòng nhân hậu của Chúa; ngõ hầu chúng con sẽ ngày càng trổ sinh được nhiều hoa trái tốt lành hơn, nhờ đó xứng đáng được chung hưởng vinh quang với Ngài muôn đời trên Nước Trời. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.