CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THỨ I-VỌNG_B 29-11-2020 CHÚA ĐẾN VỚI CHÚNG TA: TA HÃY RA GẶP NGÀI!

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

THÁNH LỄ CHÚA NHẬT THỨ I-VỌNG_B

29-11-2020

CHÚA ĐẾN VỚI CHÚNG TA: TA HÃY RA GẶP NGÀI!

          Isaia là một nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng. Ông nói với chúng ta cách sôi động và xác tín về một Thiên Chúa đến với chúng ta. Chúng ta cũng thế, phải đi đến với Ngài (Thánh vịnh). Liệu chúng ta có thể nghe thấy những lời kêu gọi tỉnh thức, được lặp đi lặp lại từ Phaolô và Chúa Giêsu không?

Bài đọc 1: Is 63, 16b-17. 19b; 64, 2b-7     

          Sách Isaia chứa đựng những lời cầu nguyện tuyệt đẹp, trong đó có lời cầu nguyện vừa táo bạo vừa thanh thản này. Isaia là một trong những “người thân thiện nhất của Thiên Chúa”. Ông không sợ hỏi hai lần “tại sao” về hành động của Thiên Chúa. Nhân danh cộng đoàn, ông cầu khẩn Thiên Chúa với danh hiệu “Cha chúng con, vốn dĩ vẫn là Đấng-Cứu-Chuộc-chúng-con” và là Thiên Chúa duy nhất, Đấng từ trời xuống và “đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui”. Isaia cũng biết nhận ra lỗi của dân mình: “Tất cả chúng con đã trở nên như người nhiễm uế”. Lời cầu nguyện này hoàn toàn thích hợp khi khai mạc Mùa Vọng, mùa của sự hoán cải và hy vọng, cả hai đều dựa trên sự xác tín rằng “chúng ta là đất sét” và Chúa “là cha của chúng ta”.

Thánh vịnh 79 (80)

          Nhà tiên tri nêu lên rằng Israel đã quay lưng lại với Thiên Chúa, và đổi lại, Chúa đã giấu mặt đi. Sự khẩn cầu của điệp khúc của thánh vịnh diễn tả ước muốn chân thành trở về với Chúa và hy vọng được nhìn thấy khuôn mặt của Chúa sáng lên. Nói cách khác, sự hoán cải là hoa trái của ân huệ của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa mà tác giả thánh vịnh và cộng đoàn của ông dám gọi là “Mục tử Nhà Israel”, một danh hiệu được mô tả rất rõ trong Thánh vịnh 22 (23), và sẽ được Chúa Giêsu nhận lấy sau này (Ga 10, 1-18). Nhưng Thiên Chúa không chỉ là mục tử: Ngài còn là “người trồng nho”, đã trồng Cây Nho-Israel và sẽ bảo vệ nó. Điều này không hề ngăn cản Ngài “nâng đỡ” toàn thể nhân loại, bởi vì Ngài là “Chúa tể càn khôn”, Đấng sáng tạo và toàn năng.

Bài đọc 2: 1 Cr 1, 3-9

          Cô-rin-tô là một thành phố cảng, đa sắc tộc và đa văn hóa. Phaolô đã ở đó gần một năm rưỡi. Cuộc hành trình của ngài sẽ không vô ích. Trong phần giới thiệu về bức thư thứ nhất gửi cho tín hữu Cô-rin-tô, Phaolô lúc này chỉ có những điều tích cực để nói. Thật vậy, ngài tạ ơn “về mọi sự phong phú” đã được Đức Kitô ban cho họ, “tất cả những sự phong phú vì được nghe lời Chúa và hiểu biết mầu nhiệm của Người”. Ngài cũng ca ngợi “chứng tá” vững vàng mà họ “đã dâng lên Đức Kitô” và sự phong phú của “quà tặng ân huệ” được ban cho họ. Cuối cùng, Phaolô vui mừng khi biết rằng tín hữu Cô-rin-tô đang chờ đợi “ngày của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”, ngày mạc khải dứt khoát của Chúa.

Tin Mừng: Mc 13, 33-37

          Thật lạ lùng, Tin Mừng hôm nay được trích từ diễn văn khải huyền của Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cần nhớ rằng từ “Avent” trong tiếng Latinh có nghĩa là “sự lên ngôi, sự đăng quang, sự đạt tới”. Vào lễ Giáng sinh, chúng ta sẽ kỷ niệm cuộc đến lần đầu tiên, trong xác thịt, của Đức Kitô, là Đấng Cứu Thế và là Con của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cho chúng ta một cái hẹn ở cuộc đến lần thứ hai, đó là sự trở lại của Ngài trong vinh quang vào cuối thời: “Đức Kitô đã đến, Đức Kitô đã chết, Đức Kitô sẽ trở lại”. Mùa Vọng còn là mùa của tỉnh thức và cảnh giác. Chúng ta chiêm ngưỡng sự nhập thể của Con Thiên Chúa và chúng ta tìm cách hòa hợp cuộc sống của mình với Tin Mừng của Ngài. Nhưng trái tim và đôi mắt của chúng ta phải hướng về thời điểm, tất cả đều không biết, khi nào Đức Kitô sẽ trở lại và Thiên Chúa sẽ làm mới mọi sự.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.