CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXXIV-TN_C, 20-11-2022
֎
VUA VŨ TRỤ VỚI VƯƠNG QUỐC VĨNH CỬU
Là nhân vật tiêu biểu cho chế độ quân chủ ở Israel, Đavit là người chăn dắt dân tộc mình. Bài thánh ca của Phaolô đề cao vai trò của Đức Kitô là Vua của cuộc tạo dựng và là tác nhân hoà giải phổ quát “nhờ máu Ngài đổ ra trên Thập giá”, xác nhận lời tường thuật của Luca về cái chết của Đức Kitô.
Bài đọc I : 2 Sm 5, 1-3
Vị vua đầu tiên của Israel là Saulê đã được tiên tri Samuen xức dầu. Đavít phục vụ Saulê trong một thời gian dài, nhưng vua đã trở nên ghen tị với Đavít. Sau cái chết của Saulê, và theo sự lựa chọn của Thiên Chúa, Đavít đã lên kế vị Saulê. Bài tường thuật cho thấy một quá trình có thể được gọi là dân chủ và nhất trí: “Toàn thể các chi tộc Israel đến gặp vua Đavít tại Khép-rôn” và bày tỏ cho Đavit biết những mong đợi của họ. Không hề thần thánh hoá nhà vua, họ nêu lên sự kiện chung tính người, tính dân tộc : “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài”. Họ cũng gợi lên sứ mệnh Chúa trao phó : làm người chăn dắt dân của Chúa. Ở đây không có sự xức dầu làm tư tế hay tiên tri: đúng hơn, việc xức dầu được thực hiện bởi “toàn thể kỳ mục Israel”. Điều này có nghĩa là vai trò của Đavit có tính mục vụ và phải tập trung vào lợi ích của cộng đoàn.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 121 (122)
Thánh vịnh 121 (122) là ca khúc đầu tiên trong số mười lăm “ca khúc lên đền” đi kèm với cuộc hành hương đến Giêrusalem. Người ta gặp lại ở đây cùng sự nhất trí như trong bài đọc I : “Thành đô nơi mọi thứ chỉ là một”. Tất nhiên, người ta đến Đền thờ để cầu nguyện và cử hành các đại lễ phụng vụ, nhưng người ta đến đó vì đó là “nơi đặt ngai vàng của vương triều Đavít”. Cuộc lên đền là vui vẻ, và đến lúc trở về nhà, người ta “ước mong thành được hạnh phúc”, thành đô yêu dấu giữa mọi thành đô, và, trong phiên bản thiên quốc, thành đô sẽ chào đón vô số những người được tuyển chọn.
Bài đọc II : Cl 1, 12-20
Chín câu này tạo nên một trong những bài thánh ca Kitô học đẹp nhất trong Tân Ước. Phần thứ nhất là lời khuyên nhủ tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã ban cho tín hữu Côlôsê “được chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh” và đã đưa họ “vào vương quốc Thánh Tử chí ái”. Phần thứ hai liên quan đến vai trò của Đức Kitô trong cuộc Tạo dựng: với tư cách là “Trưởng Tử, trước mọi tạo vật”, Đức Kitô được đồng hóa với Đức Khôn ngoan (Cn 8, 22-31) và với Ngôi Lời (Ga 1, 1-5). Phần thứ ba tập trung vào sự phục sinh của Đức Kitô, là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” và là Đấng hoà giải “nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, […] cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.
Tin Mừng : Lc 23, 35-43
Vào Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, hơn nữa, là một lễ trọng, chúng ta có thể ngạc nhiên khi bắt gặp một trang Tin Mừng đề cập đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh. Có một nghịch lý nào đó ở đây: Chúa Giêsu bị đối xử như một kẻ gian ác, và Ngài là đối tượng chế nhạo của dân chúng, của những thủ lãnh của họ và của các binh lính La Mã. Thế nhưng, chính những binh lính này đã đặt câu ghi trên thập giá : ‘Giêsu Nagiarét, Vua người Do Thái’. Làm thế nào mà một người bị kết án tử hình lại có thể là vua, và vương quốc của người ấy có thể là gì ? Chỉ duy nhất một kẻ gian ác kia biết cảm nhận như sắp diễn ra vương quốc của ân sủng, của tha thứ, của bình an và của cứu độ, đồng thời có được sự bảo đảm rằng mình là một thành phần của vương quốc đó trong chính ngày hôm đó : “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”. Đây là lời hứa mà Chúa Giêsu, Vua của các vua, đưa ra cho tất cả những ai loan báo và thực hành Tin Mừng của Ngài, cũng như những ai ở trần gian này làm việc để xây dựng vương quốc của Ngài.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.