CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXII-TN_C, 06-11-2022 ֎ THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXXII-TN_C, 06-11-2022

֎

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Chúa Giêsu làm cho những người Sa-đu-sê-ô vốn không tin có sự sống lại, phải bối rối. Tuy nhiên, Chúa viện dẫn lý lẽ duy nhất của mình là sự mặc khải cho Mô-sê về “Thiên Chúa của kẻ sống”. Có thể nói đây là điều mà các vị tử đạo tin tưởng trong bài đọc I, cũng như tác giả thánh vịnh mong muốn được nhìn thấy dung nhan của Chúa.

Bài đọc I : 2 Mcb 7, 1-2. 9-14

Cuốn sách thứ hai về Các vị tử đạo của Israel (hay Ma-ca-bê) được viết bằng tiếng Hy Lạp cho các cộng đoàn Do Thái ở Alexandria, vào khoảng năm 125 trước Công nguyên. Hình ảnh anh em Nhà Ma-ca-bê vẫn được gợi lên, nhưng cuốn sách này được phân biệt nhờ thần học về sự tử đạo, điều này sẽ truyền cảm hứng rất nhiều cho các Kitô hữu. Đoạn trích hôm nay được đặt sau trình thuật có tính xây dựng, cảm hóa là cuộc tử đạo của Eleazar, một người cao tuổi và được coi là “một trong những kinh sư lỗi lạc nhất” (2 Mcb 6, 18-31). Ở đây, cuộc tử đạo của một người mẹ và bảy người con trai của bà còn gây ấn tượng hơn: họ thách thức Vua Antiocos và nêu rõ ý muốn của họ là trung thành với “luật của cha ông họ”. Họ không sợ chết, bởi vì họ tin vào “sự sống vĩnh cửu” và “sự phục sinh mà Thiên Chúa đã hứa”.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 16 (17)

Thánh vịnh chuyển động qua lại hai bên giữa sự khẩn cầu (“Lạy Chúa, xin hãy nghe”, “xin nghe lời than vãn của con”, “Con kêu lên Ngài”, “Xin bảo vệ con”) và sự tin tưởng (“Chúa có thăm con giữa đêm trường”, “Chúa là Đấng đáp lời con”, “Con sẽ được trông thấy mặt Ngài”). Tuyệt đỉnh của sự tin tưởng nằm ở câu cuối cùng của thánh vịnh : “Con sẽ được trông thấy mặt Ngài, khi thức giấc, được thoả tình chiêm ngưỡng Thánh Nhan”. Hình ảnh kép về đêm tối và sự thức dậy tượng trưng cho cái chết và sự phục sinh. Tác giả thánh vịnh khẳng định sự trung thành của mình là đi theo đường lối của Chúa: “Dõi vết chân Ngài, con tránh xa đường lối kẻ bạo tàn . Niềm tin của ông vào sự bảo vệ của Thiên Chúa được diễn tả qua hai hình ảnh tuyệt đẹp về một Thiên Chúa “bảo vệ ông […] như con ngươi trong mắt” và “ẩn giấu ông […] trong cánh tay của Ngài”.

Bài đọc II : 2 Tx 2, 16-3, 5

Tông đồ Phaolô tỏ ra cương quyết khi phải khiển trách một cộng đoàn được ngài gửi thư cho. Ở đây, trong nửa đầu của đoạn trích, Phaolô dựa vào những giá trị chắc chắn : tình yêu, sự an ủi, niềm hy vọng và ân sủng của Đức Kitô và của Thiên Chúa “Cha chúng ta”. Trong phần thứ hai, Phaolô khẩn khoản kêu gọi người Thê-sa-lô-ni-ca cầu nguyện cho ngài, “để lời Chúa được phổ biến mau chóng”. Tuy nhiên, Phaolô không bị lừa bịp về Ác thần và “những người độc ác xấu xa”, những kẻ có thể cản trở công việc tông đồ và đe dọa sự hợp nhất của cộng đoàn. Phaolô kết thúc bài phát biểu của mình bằng một lời cầu nguyện tuyệt vời dành cho các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca: “Xin Chúa hướng dẫn tâm hồn anh em, để anh em biết yêu mến Thiên Chúa và biết chịu đựng như Đức Kitô”.

Tin Mừng : Lc 20, 27-38

Luca nhắc lại rằng những người Sa-đu-sê-ô là những người, trong số những người Do Thái, “khẳng định rằng không có sự sống lại”. Họ đọc Kinh Thánh, nhưng bịa ra một trường hợp gần như không thể xảy ra để biện minh cho sự hoài nghi này. Chúa Giêsu trả lời bằng cách khẳng định rằng thực sự có “một thế giới sẽ đến” và một “sự sống lại từ trong các kẻ chết”, vượt qua các điều kiện và thói tục trần thế. “Những người được xét là xứng đáng” sẽ “giống như các thiên thần”. Hơn nữa, “họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại”. Chúa Giêsu làm cho người Sa-đu-sê-ô phải bối rối khi Chúa nói đến bụi cây bốc cháy, nơi Mô-sê “gọi Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacop”. Và Chúa kết luận theo cung cách một bậc thầy rằng vị Thiên Chúa này của lịch sử và của các tổ phụ không phải là “Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

.

Comments are closed.