CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXIX-TN_C, 16-10-2022 ֎ CẦU NGUYỆN MỌI LÚC VÀ ĂN UỐNG KINH THÁNH

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXIX-TN_C, 16-10-2022

֎

CẦU NGUYỆN MỌI LÚC VÀ ĂN UỐNG KINH THÁNH

Bài đọc I kể lại một câu chuyện giao chiến có phần ngây ngô. Còn các bài đọc khác đạt đến mức độ tâm linh cao. Thánh vịnh mở cho chúng ta vào thế giới vui tươi của những khúc ca hành hương. Phaolô khen ngợi Kinh Thánh phải công bố ; riêng Chúa Giêsu khuyên cầu nguyện với sự tin tưởng.

Bài đọc I : Xh 17, 8-13

Mưu kế của Mô-sê trong việc tấn công người A-ma-léc quả là khá bất thường và giả thiết có một số phép lạ. Nhưng nói cho bằng đúng, thì đã có những phép lạ lớn hơn nhiều kể từ cuộc xuất hành khỏi Ai Cập, và đặc biệt là với “cây gậy của Thiên Chúa” (Xh 4, 2-20). Đừng quên rằng Giô-suê đã chọn cho mình một số người và rằng họ đã chiến đấu anh dũng chống lại người A-ma-léc. Tất nhiên, sự kiện Mô-sê tin cậy vào “cây gậy của Thiên Chúa” không phải là lần đầu tiên trong sử thi băng qua sa mạc. Israel không phải lúc nào cũng chiếm thế thượng phong trước kẻ thù, nhưng chiến thắng cuối cùng có thể được giải thích, vừa bởi sự can thiệp là “cây gậy của Thiên Chúa”, vừa bởi đặc sủng của Giô-suê đứng đầu quân đội Israel.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 121 (120)

Chúng ta sống xa với thời Mô-sê và Giô-suê, với bài thánh vịnh này về những cuộc lên đền, tức là những cuộc hành hương lên Đền thờ Giêrusalem. Cuộc hành hương có thể là của một cá nhân, một gia đình hoặc một nhóm đông hơn. Cuộc hành trình đôi khi chứa đựng những nguy hiểm: đường dài và những khó khăn của quãng đường đi, những tên trộm rình mò cướp bóc, hoặc thậm chí là nhiệt độ quá cao. Tuy nhiên, những người hành hương luôn tin tưởng, thậm chí rất vui sướng, vì biết rằng “Đấng gìn giữ Israel” trông chừng họ, cả ngày lẫn đêm, trên đường đi cũng như trên đường về. Cho dù đến từ vùng Galilê sâu thẳm, từ Samaria hay từ Biển Chết, cuộc hành hương lên Giêrusalem là nguồn mạch những kỷ niệm bất diệt.

Bài đọc II : 2 Tm 3, 14 – 4, 2

Phaolô là một người sành sỏi “Kinh Thánh”. Ông được đặc quyền nghiên cứu Kinh Thánh với giáo sĩ thông thái Hillel ở Giêrusalem, rồi sau cuộc gặp gỡ Đấng Phục Sinh, (nghiên cứu) với các Tông đồ và các cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt là với Priscilla và Aquila. Phaolô trình bày rõ ràng tính thiêng thánh của Sách Thánh: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng”, và dự đoán việc Sách Thánh được các Giáo phụ, từ thế kỷ thứ 2 và các công đồng của thế kỷ thứ 3 và thế kỷ thứ 4, nhìn nhận vào Kinh Bộ. Phaolô hãnh diện về người môn đệ Ti-mô-thê của mình : “Anh đã biết Sách Thánh” và Phaolô khuyến khích Ti-mô-thê : “Hãy rao giảng Lời Chúa”, vừa để tố cáo “sự dữ”, vừa để loan báo “sự xuất hiện” và “Vương quyền” của Đức Kitô.

Tin Mừng : Lc 18, 1-8

Luca, ngay từ đầu, đã cho biết “các môn đệ của Chúa Giêsu” là những người được Chúa nói cho nghe dụ ngôn này, và Luca nêu rõ mục đích của Chúa, là thúc đẩy các môn đệ “cầu nguyện luôn, không được nản chí”. Câu chuyện mô tả một vị thẩm phán “không kính sợ Thiên Chúa”, cũng không tôn trọng con người. Trong thành của ông thẩm phán, có một góa phụ yêu cầu ông ta giúp đòi lại công lý, nhưng vô ích. Những đòi hỏi lặp đi lặp lại của bà góa khiến ông khó chịu. Dù là người không tin, ông thẩm phán cuối cùng cũng quyết định “phân xử cho bà góa”, đơn giản chỉ là để ông ta được yên. Khác với vị thẩm phán vô đạo này, Thiên Chúa của Chúa Giêsu mau chóng “minh xét cho những kẻ Ngài đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Ngài”. Thiên Chúa nghe thấy những tiếng kêu đau khổ cũng như những tiếng khen ngợi của chúng ta.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.