CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXIX-TN_B, 17-10-2021
TÔI TỚ CỦA CÁC TÔI TỚ
Cực điểm này (‘Tôi tớ của các tôi tớ’) hoàn toàn phù hợp với hình ảnh Người Tôi Tớ Đau Khổ của Isaia, cũng như với dung mạo của Chúa Giêsu “Vị thượng tế” siêu phàm. Nó cũng tóm tắt những lời của Chúa Giêsu, xác định sứ mệnh của Chúa và của các môn đệ Chúa là phục vụ.
Bài đọc I : Is 53, 10-11
Hai câu này nằm ở cuối bài ca thứ tư và cũng là bài ca cuối cùng về Người Tôi Tớ Đau Khổ (x. Is 52, 13 – 53, 12), một nhân vật vô danh nói về một người công chính tự nguyện và quảng đại hiến mình để “làm lễ vật đền tội” cho muôn người. Tất cả các tôi tớ vĩ đại của Thiên Chúa (Áp-ra-ham, Gia-cóp, Mô-sê, Ê-li-a, Đa-vít, Tô-bi-a và nhiều người khác) đều trải qua những thử thách và đau khổ lớn lao. Nhưng trường hợp của Người Tôi Tớ đau khổ là duy nhất trong Cựu Ước: “bị nghiền nát vì đau khổ”, Người Tôi Tớ “gánh vác” những đau khổ và tội lỗi của “muôn người”. Nhờ ơn Thiên Chúa, cuộc hành trình thảm thương của Người Tôi Tớ sẽ trở nên “ánh sáng” và “làm cho muôn người nên công chính”.
Thánh vịnh 32 (33)
Thánh vịnh, cùng với tiền xướng và khổ thơ cuối cùng, được trình bày như một lời tuyên xưng mạnh mẽ về niềm hy vọng, dựa trên kinh nghiệm về sự tín thành, sự công chính và “tình yêu” phổ quát của Thiên Chúa. Niềm hy vọng của cộng đoàn lớn đến mức họ chú ý tới một sự giải cứu “khỏi cái chết”. Chúng ta biết rằng niềm tin về sự sống lại của người chết đã được hình thành vào cuối thời Cựu ước, được cho là vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, tức vào thời của Đanien và Ma-ca-bê. Thật khó, thậm chí là không thể, ghi ngày tháng vào thánh vịnh 32 (33) này, nhưng nó vẫn là một dấu mốc quan trọng về vấn đề này.
Bài đọc II : Dt 4, 14-16
Kitô học của Thư gửi tín hữu Do Thái được nhận ra với việc gán cho Chúa Giêsu danh hiệu “Vị Thượng tế siêu phàm”. Danh hiệu này không thấy có trong các sách Tin Mừng và chưa bao giờ được Chúa Giêsu đòi hỏi cho mình. Ngược lại, cách giải thích của tác giả về tước hiệu này tương ứng, về nhiều phương diện, với những gì tiên tri Isaia đã viết về Người Tôi Tớ Đau Khổ. Giống như Người Tôi Tớ, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình bằng cách “chịu thử thách về mọi phương diện” và “cảm thương những nỗi yếu hèn của ta”.
Tin Mừng : Mc 10, 35-45
Các Thánh sử không tìm cách che đậy những chậm hiểu của Nhóm Mười Hai và sự không khéo léo trong một số câu hỏi của họ. Ở đây, Marcô chỉ ra sự kỳ quặc (điều vụng về) của Giacôbê và Gioan, hai trong số các môn đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi và là những nhân chứng mật thiết về sự Biến hình và sự hấp hối của Chúa. Hai môn đệ này mơ ước được “ngồi, một người ở bên hữu [Chúa] và một người ở bên tả [Chúa]”. Các môn đệ khác phẫn nộ trước yêu cầu như vậy, nhưng tất cả sẽ bỏ rơi Chúa Giêsu trong cuộc Khổ nạn của Chúa. Còn Giuđa phản bội Chúa và Phêrô chối bỏ Chúa, thì sao ? Chúa Giêsu đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách tuyên bố rằng chính Người “không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ”’, và mọi môn đệ đều có ơn gọi phục vụ, thậm chí trở thành “nô lệ của mọi người”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ