CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VIII-TN_C, 27-02-2022 XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT VIII-TN_C, 27-02-2022

֎

XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY

Các bài đọc hôm nay (trừ bài đọc 2) sử dụng cùng một hình ảnh về cây cối được chúng ta nhận biết nơi quả của nó. Theo hiền nhân Ben Sira (tác giả sách Huấn Ca), lời nói tiết lộ giá trị của một con người. Còn đối với Chúa Giêsu, chính tấm lòng cho biết con người, nhưng Chúa muốn chúng ta nhìn nhận lỗi lầm của mình trước khi phán xét người khác.

Bài đọc I : Hc 27, 4-7

Vào thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Ben Sira đã dịch sang tiếng Hy Lạp tác phẩm gốc bằng tiếng Do Thái của ông nội, trong đó ông ca ngợi lời giảng dạy về sự khôn ngoan, mà ông rút ra được từ việc đọc Kinh Thánh Do Thái và từ kiến ​​thức của ông về khoa chú giải của giới giáo sĩ. Ở đây chúng ta gặp được một tập nhỏ dành cho việc sử dụng lời nói cách đúng đắn. Chủ đề này cũng rất hay xuất hiện trong sách Châm ngôn và trình bày những câu tương tự được mài dũa. Tóm lại, hiền nhân biết cách phát hiện “những khía cạnh nhỏ mọn của một con người” trong những gì người ấy nói, và hiền nhân “đánh giá con người bằng cách khiến người ấy nói”. Hơn nữa, lời nói tiết lộ những gì trong trái tim một con người, và chỉ sau khi nghe ai đó nói, người ta mới có thể khen ngợi người ấy.

Thánh vịnh 91 (92)

Trong khổ thơ thứ hai, thánh vịnh lấy lại hình ảnh “trái cây biểu thị phẩm chất của cây” ám chỉ người công chính “vươn lên” và “lớn mạnh như cây hương bá Li-băng, được trồng giữa khuôn viên đền thánh Chúa”. Đồng thời, thánh vịnh này phản chiếu thánh vịnh 1, so sánh người công chính với “cây trồng bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh”. Như thế, tác giả thánh vịnh 91 (92) ca ngợi những ai “tuyên xưng tình thương [của Chúa] từ buổi sớm và lòng thành tín của [Ngài] suốt canh khuya”. Và kinh nghiệm lâu dài của người công chính về cuộc sống tiếp tục sinh hoa trái tốt lành để “loan truyền rằng : Chúa thực là ngay thẳng!”.

Bài đọc II : 1 Cr 15, 54-58

Trong cùng chương này, Phaolô đã trình bày một lý luận dài và chắc chắn về sự sống lại của kẻ chết, dựa trên sự sống lại của Đức Kitô, “Đấng đã sống lại trước tiên trong số những người đang an nghỉ” (1 Cr 15, 20). Bây giờ Phaolô kết luận bằng cách đoán trước “ngày cuối cùng” khi “cái thân xác phải chết” của chúng ta “mặc lấy sự bất tử.” Lập luận ban đầu của Phaolô chủ yếu xuất phát từ lời chứng của các Tông đồ, còn ở đây Phaolô kết thúc bằng cách trích dẫn và bình luận về Ô-sê (Hs 13, 14), một đoạn văn gợi ý một cách khó hiểu về chiến thắng trên sự chết. Sau câu trích dẫn này, Phaolô mời gọi tín hữu Côrintô tạ ơn “Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Tin Mừng : Lc 6, 39-45

Để kết thúc bài giảng đầu tiên của mình về Các Mối Phúc, Chúa Giêsu đưa ra một loạt cảnh báo về đời sống của các môn đệ. Điều đầu tiên liên quan đến sự khiêm tốn của người môn đệ, là phải học hỏi từ bậc minh sư để sau đó trở nên tự chủ và khôn ngoan hơn. Điều thứ hai liên quan đến các mối liên hệ trong cộng đoàn : trước khi phán xét một người anh em về những lầm lỗi nhỏ nhặt, thì tốt hơn là phải xem xét những lầm lỗi của chính mình, là những thứ có thể còn nặng hơn những lầm lỗi của người anh em đang được đề cập tới. Cuối cùng, Chúa Giêsu đưa ra một ẩn dụ kép : ẩn dụ về cây cối “được nhận biết nơi hoa quả của nó” và ẩn dụ về “kho tàng” được biểu thị bằng “tấm lòng phải tốt”.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ

.

.

Comments are closed.