CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH_A, 14-5-2023 ֎ NIỀM VUI VÔ BỜ BẾN

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH_A, 14-5-2023

֎

NIỀM VUI VÔ BỜ BẾN

Lời rao giảng của Philípphê trong sách Công vụ Tông đồ và thánh vịnh bày tỏ niềm vui. Thư của Thánh Phêrô và Tin Mừng cho thấy nguồn gốc sâu xa của niềm vui này: đó là niềm hy vọng và sự kiện các Kitô hữu biết mình được Chúa Thánh Thần ngự trị và được Chúa Cha và Chúa Con yêu mến.

Bài đọc I : Cv 8, 5-8.14-17

Người miền Samari được coi là một nhánh khác biệt – và bảo thủ – của Do Thái giáo. Họ nghiêm ngặt bám vào thẩm quyền của Luật Môsê (Ngũ kinh). Họ có đền thờ riêng trên Núi Garizim và các nghi lễ phụng tự của riêng họ: điều này khiến họ bị người Do Thái nói chung và người dân Giêrusalem nói riêng khinh miệt. Chúa Giêsu đã vượt qua những rào cản ý thức hệ này, và Ngài, sau khi Phục sinh, đã coi miền Samari này là một chặng bắt buộc của việc truyền giáo của các môn đệ. Nhờ sách Công vụ Tông đồ, chúng ta biết được rằng Philípphê, một người trong Nhóm Bảy Người, đã giữ trọn ý này của Đức Kitô, và rằng hai Tông đồ Phêrô và Gioan đã xác nhận giá trị của sáng kiến ​​truyền giáo này. Tuyệt hơn nữa, đó là sự kiện những người Samari được thụ hưởng điều có thể gọi là Lễ Hiện Xuống nhỏ: Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ như trên những người Do Thái tân tòng ở Giêrusalem.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 66 (65)

Lời ngợi ca được diễn tả qua bài thánh vịnh có âm vang vũ trụ mạnh mẽ. Cả trái đất tôn vinh Thiên Chúa vì “sự nghiệp” của Ngài và đặc biệt ca ngợi Ngài vì “công trình” của Ngài đối với phàm nhân. Là bài ca tạo dựng với chiều kích hoàn vũ, Thánh Vịnh 66 (65) cũng nói đến lịch sử cứu độ. Trước tiên là lịch sử của dân Do Thái và việc họ vượt qua Biển Đỏ, kế đến là lịch sử có tính cá nhân hơn, của tác giả thánh vịnh, người làm chứng về những ân huệ của Thiên Chúa dành cho mình.

Bài đọc II : 1 Pr 3, 15-18

Simon Phêrô là người duy nhất trong số các Tông đồ đã tuyên xưng đức tin rõ ràng vào Chúa Giêsu “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, ở cuối bài diễn từ về Bánh Hằng Sống (Ga 6, 69). Do đó, không có gì gây ngạc nhiên khi nghe ngài khuyến khích cộng đoàn ở Rôma bắt chước sự thánh thiện của Chúa Kitô (đã có trong 1 Pr 1, 15 và ở đây). Lần này, Phêrô trình bày chi tiết hơn ý nghĩa của việc bắt chước như vậy đối với các Kitô hữu : “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng” đang ngự trị trong họ, giữ “lương tâm ngay thẳng” và “chịu khổ vì làm việc lành”.

Tin Mừng : Ga 14, 15-21

Chúa Giêsu có vẻ nhấn mạnh việc trấn an các môn đệ của mình, những người vẫn đang thắc mắc về con đường họ sẽ phải đi để trung thành với Ngài. Than ôi ! họ sẽ thiếu trung thành vào thời điểm diễn ra các sự kiện của Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Chúa Giêsu biết rõ điều này, và vì thế Chúa hứa sẽ không để họ “mồ côi”. Ngài sẽ gửi đến cho họ “Thần Khí sự thật”, Đấng sẽ ban cho họ sức mạnh và lòng can đảm để trỗi dậy và loan báo Tin Mừng của Ngài. Tuy nhiên, từ khóa vẫn là động từ “yêu mến”. Chúng ta chỉ có thể trung thành với Chúa Giêsu nếu chúng ta yêu mến Ngài, và nếu, cũng như Ngài, chúng ta để cho Chúa Cha yêu thương ta.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

Comments are closed.