CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT V-TN_A, 05-02-2023 ֎ ÁNH SÁNG CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT V-TN_A, 05-02-2023

֎

ÁNH SÁNG CỦA NGƯỜI CÔNG CHÍNH

Tiên tri Isaia, tác giả thánh vịnh 111 (112) cũng như Chúa Giêsu diễn tả hạnh phúc và ảnh hưởng của những người công chính như là một ánh sáng chiếu soi giữa lòng thế giới: ánh sáng phát xuất từ ​​tình yêu họ dành cho người nghèo, người bất hạnh, người vô gia cư và người đói khát.

Bài đọc I: Isaia 58, 7-10

Isaia là vị tiên tri thường được trích dẫn nhiều nhất trong Tân Ước, và có lý để ông được trích như vậy, vì ông đã dự đoán một cách kỳ diệu sự giáng sinh của Đấng Emmanuel (Is 7, 14 ; 8,8), sứ mạng của Người Tôi Tớ Đau Khổ (Is 52,13 – 53, 12), dụ ngôn của Chúa Giêsu về cây nho (Is 5, 1-7), và rất nhiều đoạn khác nữa. Diễn từ được sử dụng trong đoạn trích hôm nay cũng gợi nhớ đến diễn từ của Chúa Giêsu trong chương 25 Tin Mừng Mátthêu (Mt 25, 34. 45): sự công chính được đưa ra ánh sáng trong ngày phán xét là công chính đón nhận người nghèo và người vô gia cư, sự chia sẻ quần áo, trao tặng lương thực cho người đói và giúp đỡ những người bất hạnh.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 111 (112)

Thánh vịnh 111 (112) ca ngợi người công chính và hạnh phúc của họ. Đáng ngạc nhiên, đây là lần duy nhất trong Cựu Ước mà con người được gán cho một cách rõ ràng những phẩm tính tuyệt hảo của Thiên Chúa cuộc Xuất Hành (Xh 34, 6), “âu yếm và thương xót”. Và phải nói gì về ảnh hưởng của người công chính trên những người khác, khi người ấy được coi là “ánh sáng của những tâm hồn ngay thẳng” ? Tác giả thánh vịnh không thiếu từ ngữ để mô tả những phẩm chất của người công chính, người mà ông mô tả là “người biết cảm thương và cho vay mượn”. Con người đó “không sợ hãi” về tương lai, và sẽ được nhớ đến, đặc biệt là vì sự hào phóng của ông đối với người nghèo.

Bài đọc II : 1 Cr 2, 1-5

Ngay từ đầu bức thư của mình, Phaolô đã nhận lấy danh hiệu “tông đồ của Đức Kitô Giêsu” (1 Cr 1, 1) và Phaolô “tạ ơn Thiên Chúa … vì… mọi sự phong phú […] của Lời Chúa và vì sự hiểu biết về Thiên Chúa” được ban cho cộng đoàn Cô-rin-tô. Tuy nhiên, sau khi nói đến những chia rẽ giữa các thành viên trong nhóm, Phaolô đưa ra một hiệu chỉnh quan trọng về ngôn ngữ nghịch lý mà họ cần nắm giữ. Ngôn ngữ này thuộc về một “sự khôn ngoan” không liên quan gì đến sự khôn ngoan của loài người, hơn nữa, một sự khôn ngoan học được từ Chúa Thánh Thần. Bản thân Phaolô là một nhà thần học vĩ đại và là một nhà văn viết nhiều, nhưng Phaolô để cho mình được hướng dẫn bởi “sự khôn ngoan của mầu nhiệm Thiên Chúa” (1 Cr 2, 7) và “tư tưởng của Đức Kitô” (1Cr 2,16) và Phaolô yêu cầu những người nhận thư của ngài xem xét mọi thứ dưới ánh sáng của Thánh Thần.

Tin Mừng : Mt 5, 13-16

Ơn gọi của các môn đệ Chúa Giêsu không thua gì ơn gọi của người công chính được mô tả trong thánh vịnh 111 (112). Ngay sau khi công bố chương trình Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu kết luận rằng các môn đệ của Ngài là “muối cho đời” và là “ánh sáng cho thế gian”. Thực thế, họ là muối và ánh sáng, trong mức độ họ thấm nhuần tinh thần của các mối phúc này và biến các mối phúc thành nguồn cảm hứng cho sự dấn thân phục vụ người khác của họ. Chúa Giêsu cũng xác nhận điều làm nên sự cao cả đích thực của các môn đệ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm đầy tớ anh em; và ai muốn làm đầu giữa anh em, thì hãy làm nô lệ cho anh em” (Mt 20, 26-27).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.