CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT V Mùa CHAY_C, 03-4-2022
֎
SAU NƯỚC MẮT LÀ TIẾNG REO VUI
Thiên Chúa đã thực hiện việc kỳ diệu là dẫn đưa Israel ra khỏi Ai Cập, và Ngài làm điều tương tự khi trợ giúp những người lưu đầy trở về Giê-ru-sa-lem. Theo cách riêng của mình, Chúa Giêsu thực hiện việc kỳ diệu là cứu người đàn bà ngoại tình khỏi chết và làm cho những người tố cáo bà nhận ra tội lỗi của chính họ.
Bài đọc I : Is 43, 16-21
Trích đoạn này thuộc phần thứ hai của sách Isaia (các chương 40-55), được gọi là “sách An Ủi”, ca tụng niềm vui, thậm chí cả sự phấn khích được khơi dậy qua việc những người lưu đày trở về Giê-ru-sa-lem. Các môn đệ của Isaia giải thích sự trở lại này là một “cuộc xuất hành mới”, với sự ám chỉ sơ qua về việc đi qua Biển Đỏ ngày xưa, và về sự thất bại thấm thía của các kỵ binh Ai Cập. Sự trở về sau cuộc lưu đầy được thực hiện nhờ chỉ thị của vua Ba Tư là Cyrô, vào năm 539-538. Điều này có nghĩa là các môn đệ của nhà tiên tri vĩ đại đã đọc lại tác phẩm của ông và được truyền cảm hứng từ đó để mô tả tương lai xán lạn của những người lưu đày đi “một con đường trong sa mạc”, từ Babylon về Giêrusalem, để tham dự vào sự tái sinh và tái thiết Giêrusalem.
Thánh vịnh 125 (126)
Thánh vịnh lên đền này rõ ràng thuộc về bối cảnh lịch sử và tâm linh của bài đọc 1. Chúng ta hiểu niềm vui tràn trề của “những người tù đầy” được Chúa mang trở lại Sion. Đó là sự hoàn tất một giấc mơ tưởng chừng như không thể, nhưng sự trở về sau cuộc Lưu đày là một trong những “việc kỳ diệu” mà chỉ Thiên Chúa mới biết bí mật của nó. Sự trở về của những người lưu đầy là một quá trình diễn ra trong nhiều năm, vì vẫn còn những người bị giam cầm ở Babylon vẫn phải sống trong “nước mắt”. Nhưng cộng đoàn Giêrusalem biết rằng Thiên Chúa có thể thay đổi hoàn toàn số phận của những người bị giam cầm, để cuối cùng họ có thể gặt hái trong niềm vui và góp phần vào sự tái sinh của thành thánh.
Bài đọc I : Pl 3, 8-14
Phaolô thực hiện một cuộc nhìn lại quá khứ, gây xúc động hơn, về cuộc hành trình thiêng liêng của mình: từ quá khứ là một người Pharisiêu giữ luật nghiêm ngặt, qua việc hoán cải trên đường đi Đa-mát. Từ đó trở đi, Phaolô miệt mài say mê tìm kiến để “biết rõ hơn về Chúa Kitô” và như thế “hiệp thông vào những đau khổ trong cuộc Khổ nạn của Người (…) với hy vọng đạt được sự phục sinh giữa những kẻ chết”. Sự hoán cải triệt để này khiến Phaolô hãnh diện về “sự công chính của Thiên Chúa [và] dựa trên đức tin” vào Đức Kitô hơn là dựa trên “luật của Mô-sê”. Thế rồi, Phaolô phóng mình “về phía trước”, và kiên quyết tìm cách đạt đến sự “hoàn thiện”, như ý muốn của Thiên Chúa và sống trong sự hiệp thông với Đức Kitô.
Tin Mừng : Ga 8, 1-11
Chúa Giêsu vào Đền thờ “lúc rạng đông” và bắt đầu “dạy dỗ” đám đông tụ tập xung quanh Ngài. Chính lúc đó, các kinh sư và người Pharisiêu đã dẫn đến cho Ngài “một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình”. Người phụ nữ tội nghiệp đã bị lên án bởi giới tinh hoa tôn giáo, những người viện dẫn quyền lực của Mô-sê. Chúa Giêsu gây bối rối cho họ trước hết bằng sự im lặng của Ngài, rồi bằng việc viết cách mầu nhiệm trên mặt đất. Trước sự cố nài của các kinh sư và người Pharisiêu, Chúa Giêsu đã nói thẳng với họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Bài học được tất cả mọi người hiểu, từ người lớn tuổi nhất cho đến người trẻ tuổi nhất. Khi chỉ còn một mình người phụ nữ ở lại, Chúa Giêsu trấn an bà và cho bà về, trong khi ban cho bà sự tha thứ hoàn toàn và giải thoát.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ