CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT PHỤC SINH (Lễ Ban Ngày), 09-4-2023
֎
NGÀY HÂN HOAN VUI MỪNG
Không ai nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại. Thế nhưng, Phêrô yêu sách danh hiệu chứng nhân cho các môn đệ là những người “đã được cùng ăn cùng uống với Ngài sau khi Ngài từ cõi chết sống lại” (Cv 10, 41). Những cuộc gặp gỡ này đã hoàn toàn biến họ thành những sứ giả nhiệt thành của niềm vui Phục Sinh.
Bài đọc I : Cv 10, 34a. 37-43
Phêrô, người đã chối Thầy của mình trước mặt những tôi tớ thật thà chất phác, giờ đây dám công bố Tin Mừng về sự phục sinh của Ngài, ngay tại trung tâm của thành đô Caesarea, nơi cư trú của Philatô và quân đoàn của ông ta. Những lời lẽ trong diễn từ đầu tiên này của Phêrô chẳng kể gì đến Giê-ru-sa-lem còn táo bạo hơn: “Đấng mà họ đã treo lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người chỗi dậy”. Một điều mới lạ nữa: chính trong nhà của một viên đại đội trưởng Rôma thiện chí, – người ta có thể nói thế -, Phêrô đã có bài phát biểu này: Tin Mừng về sự phục sinh của Chúa Giêsu tràn ngập mọi biên giới, bất kể chủng tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 118 (117)
Là sự tạ ơn của cả một dân tộc, bài thánh vịnh này đã kết thúc cách xuất sắc bài ca tạ ơn Hallel (thánh vịnh 113-118). Thánh vịnh này được mở đầu bằng lời tuyên xưng kép về đức tin được lặp lại bởi tất cả các nhóm tạo thành cộng đoàn phụng vụ của dân Israel Kinh Thánh: “Hãy tạ ơn CHÚA vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Khi sử dụng thánh vịnh này cho cả Tuần bát nhật Phục Sinh, phụng vụ Kitô giáo đi vào cùng một chuyển động tạ ơn và tuyên xưng đức tin. Toàn thể cộng đoàn vui mừng trước hành động huy hoàng nhất của Chúa, “kỳ công” có một không hai, là sự phục sinh của Đức Kitô.
Bài đọc II : Cl 3, 1-4
Sứ điệp của Phaolô ngắn gọn và sắc bén. Tuy nhiên, sứ điệp này có sức thuyết phục của một lý luận thường thấy nơi Phaolô và được thể hiện qua trình tự của một động từ ở lối trình bày theo sau là một động từ khác ở lối mệnh lệnh. Ngay từ đầu, Phaolô mời gọi tín hữu Côlôxê rút ra những hậu quả của việc họ “đã sống lại với Đức Kitô”. Ở đây có một thực tế kéo theo những hậu quả và phải dẫn đến một sự thay đổi đời sống cách triệt để: “Hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới”.
Tin Mừng : Ga 20, 1-9
Cuộc viếng thăm của Maria Mađalêna, của Phêrô và của người môn đệ Chúa yêu, tới ngôi mộ của Chúa Giêsu, cho thấy rõ ràng rằng ngôi mộ trống không phải là một bằng chứng về sự Phục sinh. Người ta có thể thấy hoặc cảm nhận rằng tảng đá đã được lăn sang một bên, hoặc rằng chỉ còn lại những tấm khăn và tấm vải liệm, chứ không thể kết luận rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Chỉ người môn đệ Chúa yêu “đã thấy và đã tin”. Chắc chắn đây là một lý tưởng, nhưng phần tiếp theo của câu chuyện do Gioan kể sẽ cho chúng ta thấy rằng đối với Maria Mađalêna và tất cả các môn đệ khác, những cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh sẽ có tính quyết định, làm phát sinh nơi họ đức tin vào mầu nhiệm Vượt Qua. Họ cũng cần phải có một sự hiểu biết sâu xa hơn về Kinh Thánh để hiểu rằng Chúa Giêsu phải khải hoàn ra khỏi sự chết và mọi thế lực của Ác thần.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.