CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA KITÔ_C
19-6-2022
֎
CÁC VIỆC TẠ ƠN CỦA CHÚNG TA TRỞ NÊN CÁI GÌ ?
Đối với thánh Phaolô, Bí tích Thánh Thể không phải chỉ là một nghi thức đơn thuần. Nó mang nhiều chiều kích: tạ ơn, tưởng nhớ Chúa Giêsu, công bố cái chết của Ngài cho đến khi Ngài đến. Đúng vậy, “cao cả thay, mầu nhiệm đức tin”: vui mừng, gây cảm hứng, thúc đẩy dấn thân và mang theo hy vọng bao la về sự trở lại của Đức Kitô !
Bài đọc I : St 14, 18-20
Men-ki-xê-đê xuất hiện ở đây lần đầu tiên và duy nhất trong một bản văn tường thuật của Cựu Ước. Bảy câu dành riêng cho ông đã để lại một vùng mầu nhiệm xung quanh nhân vật này. Ông là “vua Salem” – tên cổ của thành Giêrusalem – và ông cũng là “tư tế của Thiên Chúa tối cao”. Không có gì bất thường khi các vua của Phương Đông cổ đại kiêm nhiệm các chức vụ của vua và tư tế. Từ xa xưa, chức tư tế của Men-ki-xê-đê có trước chức tư tế của các tư tế thuộc dòng dõi A-a-ron. Áp-ra-ham rất có thể chấp nhận sự chúc phúc của Men-ki-xê-đê, vì cả hai đều có chung đức tin nơi “Thiên Chúa Tối Cao”, đấng tạo dựng trời và đất.
Thánh vịnh 109
Thánh vịnh 109 đã góp phần lớn vào việc duy trì ký ức về Men-ki-xê-đê. Hơn nữa, với câu 1 và câu 4, đây là bản văn Cựu ước thường được trích dẫn nhiều nhất trong Tân ước (lần lượt bảy và ba lần). Giọng điệu trang trọng như người ta có thể ước ao: “Sấm ngôn của Đức Chúa [. ..]. Đức Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời”. Thánh vịnh này là thánh vịnh về sự đăng quang của nhà vua, với âm vang mạnh mẽ về đấng thiên sai: nó gợi lên lời mời ngự trị bên hữu Thiên Chúa, và ngai vàng, cùng vương trượng. Đấng Thiên Sai hoàng vương này cũng sẽ được trao cho một chức tư tế rất đặc biệt “theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”, có trước bất kỳ chức tư tế nào khác ở Israel.
Bài đọc II : 1 Cr 11, 23-26
Lời chứng của Phaolô về các hành động của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly và những lời Chúa nói, đi trước tường thuật sẽ được các Tin Mừng nhất lãm đưa ra. Phaolô chỉ truyền lại những gì mà chính ông “đã nhận […] từ Chúa”, hoặc bằng sự mặc khải riêng tư, hay đúng hơn là bằng lời truyền khẩu, cũng chính là nguồn gốc của việc viết các sách Tin Mừng. Ai cử hành Thánh Thể, là nói lời tạ ơn. Nhưng ai cử hành Tiệc Thánh Thể Kitô giáo, cũng phải tưởng niệm Chúa Giêsu, Đấng đã ban thân mình làm của ăn và ban máu mình như một bảo chứng về một “giao ước mới”. Để kết thúc, thánh Phaolô bổ sung một ghi nhận cá nhân bằng cách nhắc nhở các tín hữu Côrintô rằng mỗi cử hành Thánh Thể đều hướng về tương lai: thật ra, đó là loan truyền “Chúa đã chịu chết, cho đến khi Ngài đến”.
Tin Mừng : Lc 9, 11b-17
Qua sự giảng dạy về “nước Thiên Chúa”, Chúa Giêsu quan tâm đến việc cung cấp cho các đám đông một lương thực thiêng liêng dồi dào và phong phú. Nhưng những nhu cầu cụ thể của con người cũng rất quan trọng đối với Chúa, chẳng hạn như việc chữa lành thể xác và chuyện đói khát. Nếu Chúa Giêsu ở trung tâm của câu chuyện, thì Luca nhấn mạnh đến sự liên can của các môn đệ. Các ông thực hiện những cuộc vận động bên Chúa Giêsu. Họ cung cấp “năm chiếc bánh và hai con cá” để trên đó Chúa đọc lời chúc tụng và Ngài chia ra để các môn đệ phân phát cho đám đông. Vẫn là các môn đệ đảm bảo việc phân phối. Việc đề cập đến những miếng vụn còn thừa làm nên “mười hai thúng” chắc chắn tượng trưng cho sứ mệnh của họ: sau khi Chúa Giêsu ra đi, họ sẽ phải nuôi sống đám đông, về phương diện vật chất cũng như phương diện tinh thần.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.