CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA_C, 26-12-2021
֎
CẬU THIẾU NIÊN GIÊSU CÔNG BỐ CÁC ƯU TIÊN CỦA MÌNH
Chúa nhật hôm nay đề cập lần đầu tiên đến một chủ đề có thể được gọi là “thuộc về gia đình”, nghĩa là liên quan đến “nhà” và “gia đình”. Chúng ta có hai gia đình cụ thể (bài đọc I ; bài Tin Mừng) và hai gia đình-cộng đoàn (bài thánh vịnh; bài đọc II).
Bài đọc I : 1 Sm 1, 20-22. 24-28
Anna là một người phụ nữ đau khổ cực kỳ : bà không có con và phải chịu đựng những lời nói gây tổn thương từ người vợ thứ hai của tư tế Elcana, người vợ đã sinh được con. Bà Anna bị sỉ nhục, nhưng bà phó thác nỗi đau của mình cho chồng cũng như cho tư tế Êli tại đền thờ Silô, nơi người ta tôn kính “Chúa của vũ trụ” (1 S 1, 3.10). Cuối cùng, Đấng mà bà cầu xin cho mình sinh được một đứa con, chính là Thiên Chúa mà bà nguyện dâng đứa con đó cho Ngài “trọn đời nó” (1 Sm 1, 11). Thiên Chúa nhớ đến bà, và ông Elcana khi trở về nhà, “đã kết hợp với vợ mình là bà Anna, và Chúa đã nhớ đến bà ấy”. Anna sinh được một đứa con trai ; đứa con này được bà đặt “tên là Samuel (có nghĩa là : Thiên Chúa nhận lời)” ; đến khi đứa con này được cai sữa xong, bà Anna lại cùng chồng đến đền thờ, để dâng của lễ và dâng Samuel cho việc phục vụ Chúa.
Thánh vịnh 83 (84)
Thánh vịnh này rất có thể được viết sau thời bà Anna và ông Elcana sống. Thánh vịnh tôn vinh “nhà” của Chúa và “những nơi ở” cũng như “những cổng đền nhà Chúa”. Thiên Chúa của tác giả thánh vịnh là chính “Đức Chúa, Thiên Chúa của vũ trụ”, được bà Anna cầu khẩn. Lời lẽ của tác giả thánh vịnh phù hợp để mô tả cường độ lời cầu nguyện của bà Anna : “Cả tấm thân con cùng là tấc dạ những hướng lên Chúa Trời hằng sống”. Và phần điệp khúc của thánh vịnh diễn tả niềm hạnh phúc được tìm thấy của mẹ của Samuel và của chính Samuel, người được dâng hiến để phục vụ đền thờ. Cuối cùng, việc Chúa đề cập đến “Đấng Thiên Sai” làm vang vọng lại một trong những cử chỉ quan trọng nhất trong cuộc đời của Samuel, đó là xức dầu cho Đavít làm vua (1 Sm 16, 13).
Bài đọc II : 1 Ga 3, 1-2. 21. 24
Người ta có thể nói về Gioan rằng Gioan được nhìn nhận là “người cha tinh thần” đích thực đối với cộng đoàn của thánh nhân, cộng đoàn mà ngài đối xử với tình cảm dạt dào (xem tước hiệu “Người được yêu”). Hơn nữa, Gioan sử dụng từ “chúng ta” bao gồm tất cả để làm nổi bật phẩm giá cao cả của các tín hữu : “tình yêu vĩ đại của Chúa Cha” đã khiến chúng ta được gọi là “con Thiên Chúa”. Danh xưng này không có gì là hư ảo : “Thực sự chúng ta là con Thiên Chúa !” Gioan không kém phần thực tế: có thể, thậm chí chắc chắn rằng một ngày nào đó “lòng chúng ta […] cáo tội chúng ta”. Nhưng Gioan đã nói thật tài tình biết bao : “Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta” (1 Ga 3, 20).
Tin Mừng : Lc 2, 41-52
Cậu thiếu niên Giêsu vui mừng đi cùng cha mẹ lên Giêrusalem để cùng cha mẹ và những người hành hương cử hành Lễ Vượt Qua đầu tiên trong đời mình, tại Giêrusalem. Không thấy nói gì về diễn tiến cuộc lễ. Luca gợi ý cho thấy Chúa Giêsu tự do đi lại giữa đám đông, đến nỗi cha mẹ Ngài đi một ngày đường mà không có Ngài. Họ gặp lại Ngài, nhưng chỉ “sau ba ngày” – một tiên đoán mờ mờ về sự phục sinh sắp tới của Ngài. Cậu thiếu niên Giêsu không ngừng khiến cha mẹ mình kinh ngạc khi họ tìm thấy cậu trong Đền thờ, đối thoại với các “Tiến sĩ Luật”. Chúng ta có thể hiểu qua những lời của Mẹ Maria rằng thử thách về sự vắng mặt Chúa Giêsu đã gây đau đớn cho Mẹ và cho thánh Giuse. Chúa Giêsu không để lại bất cứ nghi ngờ nào về ý định của Ngài : “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.