CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT LỄ LÁ_Năm A, 02-4-2023 ֎ ĐƯỜNG THÁNH GIÁ, ĐƯỜNG ĐẾN PHỤC SINH

CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT LỄ LÁ_Năm A, 02-4-2023

֎

ĐƯỜNG THÁNH GIÁ, ĐƯỜNG ĐẾN PHỤC SINH

Đường lối của Thiên Chúa không phải như đường lối của chúng ta ; hôm nay chúng ta cảm nghiệm nỗi buồn tột độ trước số phận dành cho các tiên tri như Chúa Giêsu, đồng thời háo hức chờ đợi Ngài sống lại từ cõi chết.

Tin Mừng Kiệu Lá : Mt 21, 1-11

Chúa Giêsu và các môn đệ ở trên núi Cây Dầu, đối diện với Đền thờ Giêrusalem. Để chuẩn bị vào thành Giêrusalem, Chúa yêu cầu các môn đệ mang cho Chúa một con lừa mẹ và con lừa con của nó. Các môn đệ làm theo, và Chúa Giêsu, cưỡi trên con lừa mẹ, khiêm tốn đi vào Giêrusalem. Trong lúc này, đám đông dân chúng tung hô Chúa Giêsu: “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. Đám đông không biết số phận sẽ được dành cho Chúa Giêsu, nhưng họ biết có một ngôn sứ đang ở giữa họ.

Bài đọc I : Is 50, 4-7

Bài ca thứ ba về người tôi tớ, – bài ngắn nhất trong các bài ca về người tôi tớ -, trình bày Chúa Giêsu là người môn đệ hoàn hảo, được Thiên Chúa dạy dỗ và phù trợ. Người môn đệ này chịu đựng những lời mắng nhiếc, phỉ nhổ, và tin tưởng vào sự trợ giúp vô điều kiện của Thiên Chúa.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 21 (22)

Thánh vịnh than vãn này, – bi thảm nhất trong các thánh vịnh -, hoàn toàn tương phản với bài đọc trích sách Isaia. Quả thế, Chúa Giêsu không chỉ chịu đau khổ mà còn chịu cùng cực đau khổ dẫn đến câu hỏi kinh khủng này : “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao ?” Câu hỏi này sẽ là lời cuối cùng của Chúa Giêsu trong Mt 27, 46 và trong Mc 15, 34. Chúa Giêsu sống và đảm nhận đa phần nội dung bài thánh vịnh này: sự nhạo báng của những người qua đường, những con chó và những kẻ bất lương vây quanh Chúa, những vết thương xảy đến cho toàn bộ thân thể Chúa và việc quân lính rút thăm chia nhau áo xống của Chúa. Nhưng Chúa Giêsu, giống như tác giả thánh vịnh, tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, Đấng sẽ không bỏ rơi Ngài lúc Ngài tắt thở và sẽ cho Ngài sống lại vào ngày thứ ba.

Bài đọc II : Pl 2, 6-11

Bài thánh ca này quy chiếu về cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và mầu nhiệm nhập thể của Ngài : hạ mình đến tột cùng, thậm chí hủy mình ra không, và vâng phục cho đến chết, chết trên Thập giá. “Vì vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”. Mặc dù bài thánh ca này thuộc Kitô học rất cao sâu, ta vẫn không được quên rằng Thánh Phaolô đã đặt nó làm nền tảng cho hành động của Kitô hữu : “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô” (Ph 2, 5).

Tin Mừng : Mt 26, 14 – 27, 66

Các trình thuật cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu tạo thành một khối quan trọng và chủ yếu của mỗi sách trong bốn sách Tin Mừng. Rõ ràng, câu hỏi được đặt ra về các sự kiện được bốn thánh sử thuật lại. Bốn trình thuật ăn khớp nhau trong cái nền chung, và mỗi trình thuật diễn tả cái nhìn riêng của mình về Chúa Giêsu : các lời dạy của Ngài, các sự kiện liên hệ đến Ngài, cái chết của Ngài trên thập giá, sự phục sinh của Ngài… Toàn bộ đều đáng tin và có sức thuyết phục. Thêm vào đó là sự kiện Matthêu và những người khác đã không cố gắng che giấu sự rối loạn tinh thần của Nhóm Mười Hai : sự phản bội của Giuđa, sự chối Thầy của Phêrô, và sự vắng mặt của các Tông đồ dưới chân thập giá của Chúa Giêsu (ngoại trừ người môn đệ được Chúa yêu, trong Tin Mừng thứ tư). Do đó, có nhiều chất liệu để suy tư, để hoán cải, và nhất là để chiêm ngắm liên quan đến biến cố nền tảng của ơn cứu độ của chúng ta và vinh quang của Đấng Phục Sinh.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

Comments are closed.