CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT IV-MÙA CHAY_A, 19-3-2023
֎
THẤY hay KHÔNG THẤY ?
Samuel có sứ mạng xức dầu tấn phong một trong những người con của Gie-sê lên làm vua. Samuel đã rất muốn chọn một trong bảy người con lớn của Gie-sê, nhưng Thiên Chúa thấy tận đáy lòng, và chính chàng thiếu niên Đa-vít là người được ưu tuyển làm người mục tử như được nói tới trong thánh vịnh. Trong Tin Mừng, không ai nhìn thấy Chúa Giêsu là Con Người, ngoại trừ người đã từng bị mù.
Bài đọc I : 1 Sm 16, 1b. 6-7.10-13a
Chính Samuel đã xức dầu cho vị vua đầu tiên của Israel, là Sau-lê. Nhưng triều đại của Sau-lê hầu như không làm Chúa hài lòng, ông đã bị thất sủng trước mặt Thiên Chúa. Do đó, Chúa sai Samuel đến Belem để tìm một vị vua trong gia đình Gie-sê. Samuel đã rất muốn chọn Eliab vì Eliab có vóc dáng oai vệ. Nhưng Thiên Chúa loại bỏ sự lựa chọn này, vì “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn ĐỨC CHÚA thì thấy tận đáy lòng”. Không ai trong số bảy người con trai lớn của Gie-sê được Chúa chọn. Nhưng vẫn còn một người, người trẻ nhất, đang đi “chăn chiên”. Đó là Đa-vit. Gie-sê sai người đi gọi Đa-vít về, và Chúa nói với Samuel: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi ! Chính nó đó !” Samuel làm theo và “Thần khí ĐỨC CHÚA nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi”.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 22 (23)
Các vị vua của vùng Cận Đông cổ đại, và đặc biệt là của Israel, được coi là có sứ mệnh chăn dắt thần dân của họ. Nói chung, người ta đọc thánh vịnh theo chủ nghĩa cá nhân và riêng tư “Chúa là mục tử chăn dắt tôi”. Các đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất số ít. Nhưng tựa đề rất thường gặp là “Của vua Đa-vít” (thánh vịnh/ca khúc/thi khúc/kinh nguyện…của Đa-vít) cũng có thể được hiểu theo nghĩa đen. Dĩ nhiên Đa-vít là một người chăn chiên, nhưng người chăn chiên đích thật, chính là Thiên Chúa. Và như vậy, các đại từ nhân xưng và sở hữu có thể diễn tả đến mức hoàn hảo sự bảo vệ và chăm sóc mà chính Thiên Chúa ban cho Đa-vít, là vua và người chăn dắt dân Israel.
Bài đọc II : Ep 5, 8-14
Êphêsô là đại đô thị văn hóa và tôn giáo của vùng Tiểu Á. Danh tiếng của thành phố và của Giáo Hội Kitô đã được thiết lập vững. Phaolô đã trình bày ở đó một trong những bài diễn văn quan trọng nhất trong sứ mệnh của ông ở Châu Á, nhưng không phải là không gặp ở đó sự miễn cưỡng và chống đối rõ rệt. Thật vậy, Phaolô là mục tiêu của một cuộc nổi loạn từ phía những người tôn thờ nữ thần Artemis vĩ đại, nữ thần sinh sản. Chúng ta có thể hiểu rằng ở đây Phaolô ám chỉ đến “những hoạt động của bóng tối” đã khiến người Ê-phê-sô khó gắn bó với đức tin Kitô giáo. Do đó, có lời giải thích ở đầu đoạn thư này: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng”.
Tin Mừng : Ga 9, 1-41
Chúa Giêsu đã chữa lành cho nhiều người mù, trong đó chỉ có một người bị mù từ lúc mới sinh. Các môn đệ lúng túng hỏi ai, cha mẹ hay con của họ, đã phạm tội. Chúa Giêsu giải quyết dứt khoát: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội”. Người mù thậm chí đã không cần xin ơn chữa lành: chính Chúa Giêsu, “ánh sáng thế gian”, là người có sáng kiến chữa lành. Chúa xức “bùn vào mắt người mù” và bảo anh ta đi rửa ở “hồ Si-lô-ác”. Người mù trở về với gia đình, “anh ta đã nhìn thấy”, nhưng những người hàng xóm của anh và đám đông không muốn tin rằng anh ta đã từng bị mù. Phần tiếp theo của câu chuyện là một phiên tòa xét xử vắng mặt Chúa Giêsu. Người Pharisiêu cảm thấy vấp phạm vì Chúa Giêsu đã không tuân giữ ngày nghỉ Sa-bát. Họ đặt câu hỏi cho cha mẹ và “người mù năm xưa”, nhưng chỉ người mù này mới tin vào Chúa Giêsu, “Con Người”, và Chúa Giêsu kết luận rằng những người Pharisiêu là những người không biết hoặc không muốn nhìn thấy.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.