CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III-TN_B, 24-01-2021
THÁI ĐỘ NGẬP NGỪNG
và SỰ GẮN BÓ TỰ NGUYỆN
Giống như Chúa Nhật II tuần trước, chủ đề về ơn gọi đang được chú ý. Giona làm mọi cách để thoát khỏi sứ mệnh của mình ở Nininê và thách thức lòng thương xót của Thiên Chúa! Về các cặp đôi anh em được Chúa Giêsu kêu gọi, sự gắn bó của họ là tự nguyện và họ bỏ tất cả (gia đình và nghề nghiệp) để theo Ngài.
Bài đọc I: Giona 3, 1-5. 10
Trường hợp của Giona rất đặc biệt. Ông là tiên tri duy nhất được Thiên Chúa kêu gọi mà lại tìm kiếm những lối thoát để không phải đối mặt với sứ mệnh của mình, liên quan đến dân thành Nininê. Thiên Chúa yêu cầu Giona đi về phía đông, nhưng Giona đã chọn chạy trốn về phía nam! Sau nhiều biến cố kỳ quặc nực cười, cuối cùng Giona đã đáp lại lời kêu gọi lần thứ hai của Chúa. Tuy nhiên điều đó là bất đắc dĩ: Giona chỉ công bố một lời duy nhất trong thành phố Ninivê vĩ đại, và chỉ mất có một ngày, đang khi lẽ ra phải mất ba ngày, để đi qua thành phố. Có điều là sứ vụ của Giona đã thành công rực rỡ: từ nhà vua cho đến muông thú đồng hoang, tất cả đều ăn năn sám hối! Nhưng, thay vì vui mừng, Giona lại tức giận khi thấy Thiên Chúa đã tha thứ cho dân Ninivê. Người đọc dễ dàng hiểu được sự hài hước của Thiên Chúa và đầu óc hẹp hòi của vị tiên tri, người không nguôi giận.
Thánh vịnh 24
Tác giả Thánh vịnh trình bày những tâm trạng hoàn toàn trái ngược với tâm trạng của Giona. Thánh vịnh gia thể hiện sự ngoan ngoãn lớn lao đối với Thiên Chúa: ông bày tỏ mong muốn để mình được Thiên Chúa dạy dỗ và đi theo con đường mà Chúa sẽ cho ông biết. Kinh nghiệm của ông về Thiên Chúa thật rõ ràng và ông biết mình có thể trông cậy vào “sự dịu dàng, tình yêu và lòng tốt” của Chúa. Và thay vì buồn sầu về lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân, ông thẳng thắn khẳng định rằng trong sự tốt lành và công bình của Chúa, Chúa “chỉ đường cho tội nhân”.
Bài đọc II: 1 Cr 7, 29-31
Suy nghĩ của Phaolô chủ yếu là về “thời gian”, thứ mà Phaolô tin là “có giới hạn”, và về “thế giới” đang “qua đi”. Về vấn đề thời gian, trước tiên vị Tông đồ tin chắc rằng sinh thời của mình, ông sẽ thấy Đức Kitô trở lại, và do đó, thấy tận thế. Nhưng Phaolô đã thay đổi ý kiến sau đó, trong thư thứ hai gửi tín hữu Thessalônica. Mặt khác, Phaolô trình bày sự hiện hữu của Kitô hữu với một loạt tâm trạng bắt đầu bằng nhóm chữ “như thể…”. Thực ra, vấn đề là việc đưa vào viễn cảnh tương lai tính tương đối của thời gian và thế giới hiện tại, đồng thời (vấn đề là) biết thích nghi, để tìm được bình an và hạnh phúc, dù hoàn cảnh của chúng ta có là gì.
Tin Mừng: Mc 1, 14-20
Phaolô đã không sai, vì sự công bố lúc đầu của Chúa Giêsu về “Tin Mừng của Thiên Chúa” đã loan báo sự hoàn tất “thời gian” và sự gần đến của “Nước Thiên Chúa”. Chúng ta thực sự không biết, có hay không và bằng cách nào, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu có thể trực tiếp nghe lời rao giảng này của Chúa Giêsu ở Galilê. Có một điều chắc chắn là Simon và Anrê cũng như Giacôbê và Gioan đã đáp ứng ngay lập tức và tích cực lời kêu gọi của Chúa Giêsu ngỏ với họ: “Hãy theo tôi”. Vì vậy, hai cặp anh em này đã đồng ý trở thành những “ngư phủ đánh lưới người”, theo mong muốn của Chúa Giêsu. Rõ ràng là họ nhiệt tình hơn và cộng tác nhiều hơn so với tiên tri Giona!
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.