CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_A, 23-4-2023
֎
HIỂU BIẾT KINH THÁNH
Trong diễn từ công khai đầu tiên của mình, Phêrô trích dẫn các thánh vịnh và nhân vật Đavít để giúp người nghe hiểu thảm kịch cuộc Khổ Nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Cũng chính nhờ dùng cách thế độc đáo để giải thích Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã thắp lại niềm hy vọng trong tâm hồn các môn đệ Emmaus.
Bài đọc I : Cv 2, 14.22b-33
Phục Sinh và Hiện Xuống là hai mặt của cùng một mầu nhiệm, như đã từng xảy ra cho dân Do Thái xưa kia, là cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và giao ước tại Sinai. Chính sự phục sinh của Đức Kitô đã mang lại ân huệ Thánh Thần cho các môn đệ của Chúa Giêsu và cho thế giới. Được Thánh Thần an ủi và hướng dẫn, các môn đệ truy tầm và đào sâu Kinh Thánh. Từ đó, các ngài đã tìm được sức mạnh và ngôn từ để làm chứng về Tin Mừng là Đức Kitô, trước tiên là giữa người Do Thái và rồi, rất sớm, giữa dân ngoại.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 16 (15)
Mặc dù thế giới bên kia sự chết, khá lâu vẫn chưa được xác định trong niềm tin của Israel, các thánh vịnh vẫn không ngừng tuyên xưng một niềm tin kiên vững vào Thiên Chúa, là “nơi ẩn náu” và là Đấng bảo vệ những người công chính. Thiên Chúa không những “chẳng đành bỏ mặc họ trong cõi âm ty” mà còn dạy cho họ “biết đường về cõi sống”. Do đó, Phêrô đã có lý khi gợi lên hình ảnh vua Đavít và trích dẫn dài dòng Thánh Vịnh 16 (15) : Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu, Đấng công chính sống lại, và con đường sự sống này mở ra cho chúng ta mãi mãi trong “hoan lạc chẳng hề vơi”.
Bài đọc II : 1 Pr 1, 17-21
Thư của Phêrô là một bài giáo lý về phép Rửa. Tác giả nhắc nhở người nghe rằng họ đã được “cứu chuộc […] nhờ bửu huyết, của con chiên vẹn toàn, vô tì tích, là Đức Kitô”. Đối với các Kitô hữu đầu tiên, hình ảnh này là rất rõ ràng: Chúa Giêsu là chiên vượt qua tuyệt hảo, mang ơn cứu độ thậm chí còn lớn hơn sự giải thoát trong con chiên được người Do Thái sát tế vào buổi tối cuộc Vượt Qua đầu tiên (Xh 12). Sự cứu chuộc này đánh dấu cao điểm của lịch sử cứu độ do Thiên Chúa hoạch định “từ trước khi tạo thành vũ trụ”, và lịch sử này vẫn tiếp tục cho đến “tận thế”. “Đức tin” của chúng ta bắt nguồn từ đây và bây giờ trong một lịch sử cứu độ rất dài và đẹp, và “niềm hy vọng vào Thiên Chúa” của chúng ta hướng chúng ta đến một tương lai huy hoàng nhất.
Tin Mừng : Lc 24, 13-35
Cuộc hành trình và kinh nghiệm của hai môn đệ Emmaus là độc nhất và cuộc gặp gỡ của họ với Đấng Phục Sinh vẫn là một trong những Tin Mừng truyền cảm hứng nhất. “Các sự kiện” trong những ngày vừa qua ở Giêrusalem hoàn toàn làm họ choáng ngợp và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá đã đột nhiên đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng của họ. Ba ngày sau thảm kịch, họ phải đối mặt với điều hiển nhiên : Thầy của họ đã không thể “giải cứu Israel”. Nhưng khi Chúa Giêsu đi cùng với họ trên đường mà họ không biết, và bắt đầu giải thích “cho họ những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”, thì một sự đảo lộn mới mẻ đã xảy ra trong lòng họ. Do đó, họ có thể hiểu rõ hơn về Đức Kitô, rồi chính khi Đức Kitô “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” thì họ đã nhận được ơn soi sáng tối hậu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ