CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT III-CHAY_B- MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BỞI THIÊN CHÚA VÀ CHO THIÊN CHÚA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT III-CHAY_B

MỘT DÂN TỘC ĐƯỢC GIẢI PHÓNG

BỞI THIÊN CHÚA VÀ CHO THIÊN CHÚA

          “Các điều răn của Thiên Chúa” thường được coi là một bản tóm lược sơ sài về luân lý. Tuy nhiên, các điều răn đó phát xuất từ ​​một Thiên Chúa giải thoát, Đấng muốn chúng ta tự do. Thánh vịnh làm chứng cho sự tự do cao đẹp này, cũng như cử chỉ của Chúa Giêsu tố cáo sự chuyển hướng thương mại và đáng xấu hổ của tôn giáo tại Đền thờ.

Bài đọc I: Xh 20, 1-17

          Nơi bản văn sinh ra từ sự thần hiển quan trọng nhất trong Cựu ước, chúng ta đã giữ lại được đặc biệt “mười lời”, mà vì lý do đó, chúng ta gọi là Thập giới hay Bảng Mười điều răn. Nhưng bài đọc hôm nay khiến chúng ta nhận ra rằng trên thực tế, cuộc đối thoại của Thiên Chúa tại Sinai còn rộng lớn hơn nhiều. Những từ ngữ đầu tiên được Thiên Chúa dùng làm nền cho toàn bộ diễn từ của Ngài, là: Thiên Chúa là Đấng giải thoát / Đấng cứu độ dân Israel, dân mà Chúa đã “mang ra khỏi xứ Ai Cập, khỏi nhà nô lệ”. Vì vậy, mặc dù nhiều điều răn được phát biểu theo một công thức phủ định, chúng vẫn không có mục đích nào khác hơn là làm cho dân Israel thành một dân tộc tự do và hạnh phúc được sống trong giao ước với Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ.

Thánh vịnh 18B (19B)

Nửa đầu của Thánh vịnh này (18A/19A) là sự chiêm ngưỡng công trình sáng tạo được coi như là mạc khải thầm lặng về Thiên Chúa. Đang khi đó, nửa thứ hai ca ngợi “luật” (sách kinh Torah) được sống hàng ngày nhằm bảo đảm hồi lại sự sống, kinh nghiệm về sự khôn ngoan, và niềm vui của tâm hồn. Người tin Chúa tìm thấy trong Torah một “hiến chương […] chắc chắn”, những “mệnh lệnh ngay chính”, một “giới răn trong sáng”, một sự “kính sợ [.] thuần khiết” và những “quyết định chính xác và thật sự công minh”. Kinh Torah là nguồn mạch của ao ước và hoan hỉ, và theo điệp khúc mượn từ Tân Ước, thì (Torah) là bảo chứng cho “sự sống đời đời”.

Bài đọc II: 1 Cr 1, 22-25

          Trong bốn câu, Phaolô đã có thể xác định cả những gì là của riêng người Do Thái, người Hy Lạp và người Kitô hữu, và cả những gì có thể mang họ lại với nhau. Điều này càng quan trọng hơn vì ở đây Phaolô đang nói với cộng đoàn Corintô, một thành phố đa sắc tộc và là nơi lưu giữ nhiều loại tín ngưỡng, tôn giáo. Phaolô đưa ra phán xét dựa trên đức tin của ông nơi Đức Kitô, Đấng Mêsia chịu đóng đinh. Theo nghĩa này, Phaolô có thể xác định người Do Thái thời đó là những người đòi “những dấu lạ”, đặc biệt là trong cuộc tranh luận liên quan đến tư cách thiên sai của Chúa Giêsu. Còn về người Hy Lạp, thông thường họ quan tâm đến “triết học”, nói cách khác là yêu thích sự khôn ngoan. Phaolô tin chắc rằng Thiên Chúa kêu gọi người Do Thái và người Hy Lạp nhận biết Chúa Giêsu là “sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa”.

Tin Mừng: Ga 2, 13-25

          Khác với các Tin Mừng nhất lãm, đặt vào cuối sứ vụ của Chúa Giêsu, phản ứng khác thường của Chúa Giêsu chống lại những người buôn bán trong Đền thờ, Gioan làm chúng ta ngạc nhiên khi đặt câu chuyện đó ở đầu sứ vụ của Chúa, và khi sắp tới Lễ Vượt qua của người Do Thái. Trình thuật của Gioan được khai triển rộng hơn nhiều, và góc nhìn cũng rất khác. Giống như các Tin Mừng nhất lãm, Gioan mô tả sự nổi giận của Chúa Giêsu và sự can thiệp mạnh mẽ của Ngài, nếu không muốn nói là bạo lực, chống lại những người buôn bán và những người đổi tiền sinh sống ở Đền thờ. Cái nhìn của Gioan nằm ở điểm song song mà Chúa Giêsu vẽ ra giữa sự hủy diệt có thể xảy ra cho Đền thờ và thân xác của chính Ngài : “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày, Tôi sẽ xây dựng lại”. Như thế, Chúa Giêsu đoán trước sự phục sinh của chính Ngài. Thân thể của Đấng Phục Sinh sẽ là Đền Thờ của Thiên Chúa.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

Comments are closed.