CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT II-MÙA VỌNG_A, 04-12-2022 ֎ THỜI CỦA CÔNG LÝ VÀ ĐẠI BÌNH AN

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT II-MÙA VỌNG_A, 04-12-2022

֎

THỜI CỦA CÔNG LÝ VÀ ĐẠI BÌNH AN

Tiên tri Isaia hình dung ra một “nhánh nhỏ phát xuất từ cội rễ […] Đavit”, người gây dựng nên một kỷ nguyên mới của công lý và chung sống hòa bình. Tác giả thánh vịnh hoàn toàn đồng ý như vậy. Phần Gioan Tẩy giả khẳng định cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng kỷ nguyên mới này sẽ chỉ đến với điều kiện là có hoán cải.

Bài đọc I : Is 11, 1-10

Các thi sĩ biết cách diễn tả rõ nhất những thực tại sâu xa và thiết yếu nhất của cuộc sống chúng ta : tình yêu, hy vọng, niềm tin. Tiên tri Isaia là một trong những thi sĩ này. Trong bài đọc I, ông diễn tả niềm trông cậy của dân Do Thái vào lời hứa của Thiên Chúa và vào quyền năng của Chúa thực hiện điều Chúa đã hứa: từ dòng dõi Đavít gần như đã bị hủy diệt, sẽ sinh ra một dòng dõi đầy tràn Thần Khí Thiên Chúa. Câu 2 gợi hứng cho truyền thống về bảy ơn Chúa Thánh Thần.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 71 (72)

Khổ thơ đầu tiên của thánh vịnh là một lời cầu nguyện cho nhà vua. Giữa nhiều thứ khác, người ta xin cho nhà vua có được ân huệ công lý. Trong Kinh Thánh, khái niệm công lý bao hàm nhiều thứ hơn là khía cạnh pháp lý nghiêm ngặt. Công lý hệ tại sự tương ứng giữa nói và làm: Thiên Chúa công chính, vì Ngài thực hiện những gì Ngài đã hứa. Công lý của nhà vua phải là như thế, phải tương ứng với công lý của Thiên Chúa; vua là người đại diện và thực thi công lý của Thiên Chúa.

Bài đọc II : Rm 15, 4-9

Điều được thánh Phaolô nói cuối cùng trong phần đầu của đoạn thư dài này của ngài gửi tín hữu Rôma là : việc đọc Kinh Thánh nuôi dưỡng không chỉ sự hiểu biết, mà cả ý chí của chúng ta: đó là nguồn động lực để kiên trì trên con đường đức tin. Sự kiên trì (“upomonè” trong tiếng Hy Lạp) mà Phaolô thường nói tới trong các thư của ngài, là một chiều kích cơ bản của đời sống Kitô hữu. Sự kiên trì đó hơi giống một thứ nhiên liệu cho phép chúng ta tiếp tục bước đi, đặc biệt là khi những thử thách hoặc những trở ngại xui khiến chúng ta buông xuôi, để tự nói với chính mình: “Có ích gì ? Để làm gì ?” Người ta không thể lớn lên hay tồn tại trong đức tin nếu không nuôi dưỡng đức tin bằng lời Chúa.

Tin Mừng : Mt 3, 1-12

Để mô tả dung mạo của Gioan Tẩy giả, Matthêu ghi nhận ba điểm. Trước hết, là sự loan báo nước Thiên Chúa. Người Do Thái kính trọng Thiên Chúa – Đấng Hoàn Toàn Khác – đến nỗi họ tránh phát âm tên của Ngài. Do đó, trong Tân Ước, mới có kiểu nói “Nước Trời”. Kiểu nói này có một nghĩa mở rộng thuần túy địa lý ; đang khi đó, từ ngữ “triều đại” nhấn mạnh đến tác động của một sự hiện diện trong một thời kỳ hoặc một môi trường. Kế đến là lời tiên tri kêu gọi hoán cải. Triều đại Thiên Chúa đến khiến chúng ta phải quyết định : đón nhận hay từ chối. Thế nhưng, đón nhận triều đại đó đòi phải định hướng lại cuộc sống của chúng ta một cách sâu xa. Sự hoán cải này được diễn tả bằng tiến trình của Bí tích Rửa Tội. Cuối cùng Gioan Tẩy giả tố cáo những an toàn giả tạo, những người tin rằng mình có mối quan hệ tốt với Thiên Chúa vì mình thuộc về dân Do Thái hoặc một nhóm tôn giáo đặc biệt. Đúng hơn, họ phải nhìn nhận rằng họ đang ở xa Thiên Chúa, Đấng có tình yêu hoàn hảo và sự tha thứ trọn vẹn.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

.

Comments are closed.