CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT II Mùa CHAY_C, 13-3-2022
֎
ÁNH SÁNG THẦN LINH
Việc Abraham ngước mắt nhìn trời đã thực sự khơi lại đức tin của ông nơi Thiên Chúa. Cũng thế đối với tác giả thánh vịnh, người đã tuyên bố ngay từ đầu: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi”. Cũng vậy, đối với ba môn đệ của Chúa Giêsu, những người được chứng kiến vinh quang chói lọi của Ngài và hạnh phúc vì khoảnh khắc ân sủng này ?
Bài đọc I : St 15, 5-12.17-18
Trong Cựu Ước, Abraham là hình tượng tiêu biểu về đức tin thuần khiết và kiên quyết. Thiên Chúa đã nói với ông (St 12, 1-3; 13, 14-18), nhưng chính ở đây, nơi chương 15 này, sách Sáng Thế thuật lại việc Thiên Chúa hiện ra lần đầu tiên với Abraham và nghi thức ký kết giao ước. Mặc dù đã có lời hứa trước đó của Chúa cho Abraham có ‘con đàn cháu đống’, Abraham vẫn chưa có người thừa kế xuất phát từ dòng máu của mình. Chúa mời Abraham ngắm nhìn vô số các vì sao và Chúa hứa đảm bảo cho Abraham một dòng dõi đông như sao trên trời ! Và xảy ra là : “Abraham tin ĐỨC CHÚA, và vì thế, ĐỨC CHÚA kể ông là người công chính”. “Giấc ngủ mê mệt” ập xuống trên Abraham đã biến Abraham trở thành Ađam mới, có con cháu sẽ trải qua một thời gian dài bị áp bức và làm nô lệ, trước khi được giải thoát nhờ Thiên Chúa, Đấng đã ký kết giao ước với tổ phụ.
Thánh vịnh 26 (27)
Thánh vịnh 26 (27) là một thánh vịnh về sự tín thác và về đức tin tinh ròng nơi Thiên Chúa. Khổ thơ đầu tiên là tiêu biểu của thi ca Do Thái, với hai câu khẳng định song song: “Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi” và “Chúa là thành luỹ bảo vệ đời tôi”. Cũng song song với đó là hai câu hỏi của tác giả thánh vịnh, “Tôi còn sợ người nào ?” và “Tôi khiếp gì ai nữa ?” Khổ thơ thứ hai được đặc trưng bởi một sự khẩn cầu kép: “Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu” và “xin thương tình đáp lại”. Ở cuối khổ thơ, tác giả thân tình đi vào viễn cảnh tìm kiếm “thánh nhan” của Chúa, sẽ được tiếp tục ở khổ thơ thứ ba, trong khi khổ thơ cuối cùng diễn tả niềm hy vọng kiên vững của tác giả thánh vịnh.
Bài đọc II : Pl 3, 17 – 4, 1
Trong những dòng trước đoạn trích này, Phaolô xác nhận mình đã không nghĩ rằng mình “đã đạt đến sự hoàn thiện”, nhưng khao khát “lao mình về phía trước” để đạt được điều đó. Phaolô yêu cầu những người Philípphê đi “theo cùng một hướng”. Như thế, lời chỉ trích của Phaolô nhằm vào một số thành viên trong cộng đoàn “sống như kẻ thù của thập giá Đức Kitô” không liên quan gì đến thái độ kiêu căng và Pharisiêu. Phaolô khiển trách những người “sống như kẻ thù của thập giá Đức Kitô” vì “chỉ chỉ nghĩ đến những sự thế gian”, và Phaolô khuyến khích “những người anh em yêu dấu” của mình hãy xem xét “quyền công dân nước trời” của mình, mà để cho mình được biến đổi “theo hình ảnh thân xác vinh hiển” của Đức Kitô phục sinh.
Tin Mừng : Lc 9, 28b-36
Trong tường thuật của mình về sự Biến Hình, Luca là người duy nhất ghi nhận rằng Chúa Giêsu đã “lên núi cầu nguyện”, và rằng chính trong lúc Ngài cầu nguyện, “dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục Ngài trở nên trắng tinh chói loà”. Sự hiện diện rạng ngời vinh hiển của Môsê và Êlia tượng trưng cho sự liên tục của Chúa Giêsu trong mối liên hệ với Luật pháp và các Tiên tri – một cách diễn tả của Tân Ước có nghĩa là “tất cả Kinh Thánh”. Chủ đề của cuộc đàm đạo giữa Môsê, Êlia và Chúa Giêsu liên quan đến điều được Luca gọi là “cuộc xuất hành” của Chúa Giêsu, tức chuyến đi cuối cùng lên Giêrusalem và sự Phục sinh vinh quang của Ngài. Các môn đệ nghe thấy tiếng từ trời xác nhận Người Con được tuyển chọn, nhưng sự im lặng của họ cho thấy họ chưa hiểu hết về biến cố đặc ân này.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ