CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA Chúa Nhật CHÚA THĂNG THIÊN_C, 29-5-2022: TRỞ VỀ BÊN CHA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

Chúa Nhật CHÚA THĂNG THIÊN_C, 29-5-2022

֎

TRỞ VỀ BÊN CHA

Chúa Giêsu đã chia sẻ ba mươi năm làm người với nhân loại chúng ta. Hôm nay chúng ta cử hành việc Ngài trở về bên Chúa Cha. Ngài vẫn tiếp tục yêu thương thế gian, và chúng ta luôn có thể tin cậy Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta. Giờ đây, chúng ta phải công bố và sống Tin Mừng của Ngài.

Bài đọc I : Cv 1, 1-11

Ở phần đầu cuốn sách thứ hai của mình (sách Công vụ Tông đồ), Luca trình bày một bản tường thuật đầy đủ hơn về biến cố hôm nay, “khi (Chúa Giêsu) được rước lên trời”, so với bản tường thuật trong Tin Mừng của mình. Luca nói cách đặc biệt với chúng ta rằng “bốn mươi ngày” đã trôi qua giữa ngày Chúa Giêsu sống lại và ngày Ngài được rước lên trời. Trong thời gian 40 ngày này, Chúa đã đưa ra thêm những chỉ dẫn cho các Tông đồ của mình, những người thực sự cần những chỉ dẫn đó, vì họ vẫn hy vọng rằng Chúa Giêsu sắp “khôi phục vương quốc Israel. Chúa Giêsu sửa lại cách nhìn của họ : ngay cả các Tông đồ cũng không thể biết “thời gian và thời điểm” Chúa trở lại. Họ phải tín thác vào Chúa Thánh Thần và lãnh nhận sứ mệnh làm chứng cho Đấng Phục sinh.

Thánh vịnh 47 (46)

Thánh vịnh 47 (46) là thánh vịnh đầu tiên về vương quyền của Thiên Chúa, một chủ đề sẽ trở lại trong các thánh vịnh 96 đến 99. Tiền xướng ở đây được giải thích theo Kitô học : Chúa Giêsu thật sự là Thiên Chúa, Đấng “ngự lên giữa tiếng hò reo”. Biến cố này là tất cả những gì mang tính lễ hội nhất : chúng ta được mời gọi “vỗ tay”, thổi “tù và”, và “đàn ca” lên. Lễ Chúa Thăng Thiên là ngày lễ mừng và cử hành triều đại của Thiên Chúa và của Đức Kitô của Ngài, “trên toàn cõi đất” và “cho tất cả các dân tộc”, kể cả những dân ngoại. Nỗi luyến tiếc não nùng đã tan biến, và giờ đây là lúc các môn đệ quyết tâm lên đường để làm chứng cho Ngài “tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, xứ Samaria và cho đến tận cùng trái đất”.

Bài đọc II : Dt 9, 24-28 ; 10, 19-23

Khác với Luca, tác giả thư gửi người Do Thái không trình bày câu chuyện về sự Chúa Thăng Thiên, nhưng đưa ra một giải thích thần học và Kitô học đúng thực, và một áp dụng phụng vụ. Vì Đức Kitô hiện đã bước vào “cung thánh thật” và “giờ đây ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta”, nên chúng ta cũng có thể vào cung thánh đó. Cuộc Khổ nạn của Ngài đã một lần thay cho tất cả, đem lại sự tha thứ cho “tội lỗi muôn người”. Mặt khác, tác giả xác định rằng sự tái lâm của Đức Kitô sẽ không phải là “để xóa bỏ tội lỗi”, nhưng để cứu độ những ai trông đợi Ngài. Do đó, các Kitô hữu có trách nhiệm tiến bước về phía Thiên Chúa “trong niềm tin trọn vẹn”, trong sự thanh tẩy lương tâm và khẳng định niềm hy vọng của mình.

Tin Mừng : Luca 24, 46-53

Lời tường thuật về Sự Chúa Thăng Thiên ở cuối Tin Mừng tiếp theo sau lời tường thuật rất hay về việc Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ở Emmaus, và với các Tông đồ. Như đã nói với các Tông đồ, ở đây Chúa Giêsu nhắc cho Nhóm Mười Hai nhớ Kinh Thánh đã loan báo rằng Đức Kitô sẽ “phải chịu đau khổ” và rồi “sẽ sống lại từ kẻ chết vào ngày thứ ba”. Các Tông Đồ được mời gọi nhân danh Chúa Giêsu loan báo “sự sám hối” để lãnh “ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem”. Tuy nhiên, họ phải ở lại Thành Thánh để ở đó chờ đợi việc hoàn tất lời Chúa Cha đã hứa và để “mặc lấy quyền năng từ trên cao”, tức là Chúa Thánh Thần.

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

  

Comments are closed.