Cha Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris Thăm Và Dâng Lễ Với Gia Đình Chủng Viện

Đẹp thay bước chân, người đi rao giảng tin mừng. Người đã lên đường, tiến vào giữa lòng thế giới… Lời bài hát với những giai điệu sâu lắng, như đang hướng lòng mọi người về sứ mạng truyền giáo vốn là bản chất của Giáo Hội.

Sáng ngày 09/12/2015, cha Jean Baptiste Etcharren, nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris đã đến thăm Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc và dâng thánh lễ. Trong bài giảng lễ, cha đã chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo của mình tại Việt Nam từ khi ngài 26 tuổi. Gia nhập vào Hội Thừa Sai Paris, cha đã đến Việt Nam và đã cống hiến cho miền đất Việt này trọn vẹn sức sống tuổi thanh xuân của mình. Bắt đầu từ việc phục vụ tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện – Huế, với vị Giám đốc khả kính đương thời là ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cha Etcharren đã khởi sự hành trình truyền giáo bằng việc mày mò, học cho bằng được tiếng Việt để hòa mình vào lòng dân Việt. Năm 1966, Cha được sai đến phục vụ tại giáo xứ Đông Hà, Quảng Trị, cùng sống giữa anh chị em giáo dân và lương dân xung quanh. Cha đã cùng với các cha, các sơ trở thành một điểm nối kết để đưa tình yêu thương Thiên Chúa đến cho mọi người. Trải qua nhiều cuộc di tản, từ Đông Hà vào Đà Nẵng và đến đất Bình Tuy, cha đã chia sẻ nỗi cùng khổ của người dân và đã nhận được một sự tin tưởng chân thành của cả anh chị em lương dân: “Cha đi đâu, chúng con theo đó”.

Sứ mạng truyền giáo đã nối kết cuộc đời cha với dân tộc và Giáo hội Việt Nam.  Tuy mái đầu đã bạc trắng và những dấu hiệu mệt mỏi của tuổi bát tuần đã xuất hiện, cha vẫn chia sẻ với đậy nhiệt huyết những kinh nghiệm truyền giáo với các chủng sinh tại Đại Chủng Viện Xuân Lộc. Đây là điều cha tâm huyết: “Lúc người khác cần một niềm tin, một niềm hy vọng thì người Kitô hữu cần có mặt ở đó”. Sự hiện diện của người Kitô hữu, đặc biệt là các linh mục, chủng sinh bên cạnh những người nghèo nàn, mệt nhọc là điều ưu tiên hơn tất cả. Đối với cha, đó là cách tốt nhất để truyền giáo vì chỉ khi sống cùng, sống với và sống cho anh em lương dân, họ mới có thể cảm nhận được lòng yêu mến của Chúa và Giáo hội.

Một người nước ngoài nói tiếng Việt rất rành rõi và đã cùng sống chết với người dân Việt trong sứ vụ truyền giáo của mình đã để lại trong lòng thế hệ hậu sinh một cảm phục thực sự. Ước mong mọi người Kitô hữu, nhất là các linh mục, chủng sinh, tu sĩ tương lai luôn cố gắng thể hiện tinh thần truyền giáo trong đời sống của mình, biết tìm ý Chúa hơn là việc của Chúa trong mỗi ngày sống.

Ban Truyền Thông ĐCV Xuân Lộc

Bài giảng trong thánh lễ: 

Cha Nguyên Bề Trên Tổng Quyền Hội Thừa Sai Paris Thăm Và Dâng Lễ Với Gia Đình Chủng Viện

Comments are closed.