Cầu Nguyện – Lắng Nghe Chúa Thánh Thần Để Phân Định Đường Hướng Mục Vụ Cho Giáo Hội

Cầu Nguyện – Lắng Nghe Chúa Thánh Thần
Để Phân Định Đường Hướng Mục Vụ Cho Giáo Hội

Lm. Tôma Thiện Trần Quốc Hưng

 

DẪN NHẬP

Giáo hội toàn cầu nói chung và các Giáo hội địa phương nói riêng trong đó có Giáo hội Việt nam đang bước vào tiến trình hướng đến một Giáo hội hiệp hành: Hiệp thông – Tham gia – Sứ vụ. Đức Giáo hoàng Phanxicô xác định: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba này” (Tài liệu chuẩn bị Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI, số 1). Chính Thiên Chúa đã đi trên con đường hiệp hành với Dân Chúa với mầu nhiệm Nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô trong suốt lịch sử cứu độ và dẫn đưa lịch sử này đến việc hoàn thành viên mãn của Nước Thiên Chúa nhờ Thánh Thần. Cùng với Thánh Thần và trong Thánh Thần, toàn thể Dân Thiên Chúa là Giáo hội tiếp tục tiến bước trên con đường hiệp hành này trong khi thi hành sứ vụ của mình trong thế giới (x. Cẩm nang cho THĐGM về tính Hiệp hành 1.3). Do đó, trước hết và trên hết, tiến trình hiệp hành là một tiến trình thiêng liêng, được thực hiện trong thinh lặng cầu nguyện hầu có thể lắng nghe, đón nhận, phân định và làm theo những tác động của Thần Khí Đấng phục sinh trong các lãnh vực mục vụ, đặc biệt trong môi trường giáo xứ. Các mục tử tại các giáo xứ và những cộng tác viên của ngài trước hết và trên hết phải là những con người cầu nguyện và là những con người của Thánh Thần, nhờ đó họ mới có thể là những môn đệ truyền giáo, ra đi làm việc cho Thiên Chúa trên những vườn nho của Ngài và làm chứng cho tình yêu thương xót của Ngài trong thế giới hôm nay. Thật vậy, không một người nào có thể nói: “Đức Giêsu là Chúa nếu không nhờ Thánh Thần” (1Cr 12, 3). Cũng vậy, không một người Kitô hữu có thể cho mình là môn đệ truyền giáo mà không xác tín vào sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thế giới. Do đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Mọi môn đệ truyền giáo của Chúa Kitô đều được mời gọi nhận ra tầm quan trọng nền tảng của hoạt động của Chúa Thánh Thần, sống với Ngài trong đời sống thường ngày và không ngừng đón nhận từ Ngài sức mạnh và sự soi dẫn. Hơn nữa, khi cảm thấy mệt mỏi, nản lòng, lạc lõng, chúng ta hãy nhớ hướng về Chúa Thánh Thần trong lời cầu nguyện, Ngài có một vai trò nền tảng trong đời sống sứ mạng, để cho Ngài phục hồi và củng cố chúng ta, Ngài vốn là nguồn năng lượng mới vô tận của Thiên Chúa và nguồn vui chia sẻ sự sống của Chúa Kitô với người khác.” (ĐGH Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền giáo, năm 2022). 

I. KINH NGHIỆM CỦA CÁC TÔNG ĐỒ

1. Tại Giêrusalem

Thánh Luca – thánh sử về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu và của Hội thánh, đã đặt những lời cuối cùng này trên môi miệng của Đấng phục sinh trước khi về trời: “Đức Giêsu truyền cho các tông đồ không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở đó chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa… Anh em sẽ nhận được quyền năng Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ, anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong toàn miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 4-8, Lc 24, 46-49). Cùng với Đức Maria, các tông đồ đã kiên trì ở lại phòng Tiệc ly và kiên trì cầu nguyện chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa là sức mạnh và quyền năng của Thánh Thần. Chúa Cha đã đổ tràn đầy Thánh Thần trên các ông vào ngày lễ Ngũ tuần. Từ đó các tông đồ – người đầy tràn Thánh Thần, đã mạnh dạn loan báo kerygma với tư cách là những người đã thấy tận mắt, đã nghe tận tai và đã đồng bàn với Đấng phục sinh. Nhờ đó chúng ta hiểu rõ hơn tại sao Đấng phục sinh lại đòi buộc các tông đồ phải lãnh nhận Thánh Thần rồi mới làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem và các vùng đất khác. Không nhận được Thánh Thần, các tông đồ không thể làm chứng cho Đấng phục sinh. Nếu các tông đồ không đủ kiên nhẫn cầu nguyện trông chờ một điều ngoài tầm tay, một điều mà các ông không biết rõ bao giờ mới đến là quyền năng của Thánh Thần, các ông nôn nóng, liều mình làm chứng cho Thầy Giêsu đã chết và sống lại thì các ông chỉ là những chứng nhân giả hoặc cùng lắm là một nhóm cuồng nhiệt chứ không phải là những tông đồ của Chúa Kitô. Kẻ cuồng nhiệt là những con người bất ổn trong tâm hồn, họ đôn đáo chạy đây chạy đó để dạy đời thiên hạ, cốt để giảm bớt và che đậy phần nào nỗi bất ổn bên trong bản thân. Chúng ta, các mục tử làm mục vụ tại các giáo xứ, vốn đã quen hoạt động cho Chúa, quen làm việc cho Chúa với các dự án, chương trình với nhiều tầm mức khác nhau, nên chúng ta thích lao mình vào hoạt động nhằm cứu độ con người. Phải chăng chúng ta đã quá ‘hăng hái’ mà quên rằng Thiên Chúa cứu độ chúng ta không phải nhờ một chương trình hay dự án nhưng nhờ một con người là Đức Giêsu Kitô – Đấng đầy tràn Thánh Thần? Hơn nữa, Chúa Thánh Thần không ngự xuống trên những công trình nhưng trên những con người; Chúa Thánh Thần xức dầu cho những con người chứ không phải những dự án, những chương trình; Chúa Thánh Thần hoạt động trong tâm hồn và trí khôn con người chứ không phải trong những phần mềm của những thiết bị hiện đại. Kinh nghiệm của các tông đồ đã kiên trì cầu nguyện cùng với Mẹ Maria và Thiên Chúa đã lấp đầy các ông bằng Thánh Thần của Ngài, biến các ông từ những con người nhụt chí, khiếp đảm và khép kín thành những chứng nhân Tin mừng hăng say làm việc cho vinh quang của Chúa và thiện ích của thế giới này. Chẳng lẽ kinh nghiệm tâm linh quý giá này không đáng cho chúng ta biết ngừng lại các hoạt động để suy nghĩ, cân nhắc và quyết tâm ẩn mình trong cô tịch cầu nguyện trước khi đề ra những đường hướng mục vụ của mình sao?

2. Tại các vùng ngoại vi

Cùng với tác giả Tin mừng thứ III, thánh Luca tiếp tục kể cho chúng ta về cảm nghiệm tâm linh về hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi tâm hồn của người Tông đồ để rồi đến lượt họ, họ thông ban Thánh Thần cho những người nghe, đón nhận và tin vào kerygma mà họ loan báo. Đó là trường hợp của tông đồ dân ngoại Phaolô khi đến thành Êphêsô rao giảng cho một số tín hữu đã chịu phép rửa của Gioan Tẩy giả nhưng chưa nghe nói và lãnh nhận Thánh Thần của Đấng phục sinh. Sau đó, họ đã chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu và thánh nhân đã đặt tay thông ban Thánh Thần cho họ. Cũng tại Êphêsô, thánh tông đồ dân ngoại đã thành lập Hội thánh địa phương cùng làm nhiều dấu lạ điềm thiêng: trừ quỷ, chữa lành… nhờ sức mạnh của Thánh Thần và Lời Chúa mạnh mẽ lan tràn và đức tin của các tín hữu thêm vững mạnh (x. Cv 19, 1-20). Như thế, sứ mạng chính yếu của người tông đồ chính là loan báo kerygma và thông ban Thánh Thần. Để thực hiện sứ mạng này, người tông đồ phải là người trước tiên cảm nghiệm được sức mạnh biến đổi tâm hồn của Thánh Thần và phải tràn đầy Thánh Thần. Thi hành sứ mạng tông đồ là gì nếu không phải là kể lại câu chuyện về hoạt động biến đổi của Thần Khí Đấng phục sinh trong cuộc đời mình cho người khác, đồng thời cũng làm mới lại kinh nghiệm tâm linh của bản thân hầu hồn tông đồ được sẵn sàng và nhạy bén hơn cho mọi tác động của Thánh Thần. Khi thi hành sứ vụ, người tông đồ nhận ra rằng không phải chính tài ăn nói của mình làm cho người nghe tin vào sứ điệp mình loan báo mà chính là Thánh Thần tác động trên người nghe và lời cầu nguyện liên lỉ của nhà thừa sai cho những tín hữu để họ được vững vàng và phong phú nhờ Thánh Thần, nhờ các nhân đức đối thần được củng cố và cảm nhận chiều dài, rộng, cao sâu của mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô (x. Ep 3, 14-19).

Nếu tông đồ Phaolô được Thánh Thần dẫn đi ra khỏi lãnh thổ của xứ Palestine đến vùng đất của dân ngoại, thì trong cầu nguyện, tông đồ Phêrô cũng nhận ra ý muốn của Thánh Thần thúc đẩy ông đến vùng ngoại vi Giêrusalem để gặp gỡ những con người đang đói khát Thiên Chúa và chứng kiến những điều lạ lùng và mới mẻ. Sách Công vụ Tông đồ chương 10 kể chuyện ông Phêrô thấy thị kiến khi đang cầu nguyện. Đối diện với thị kiến lạ lùng, lúc đầu ông ngần ngại và cưỡng lại lời của Thánh Thần vì ông không thể vượt lên trên những khuôn khổ đức tin và văn hóa Do Thái mà ông đã thủ đắc và thực hành từ rất lâu. Nó đã trở thành hơi thở, thành tiêu chí tôn giáo chi phối mọi suy nghĩ, quyết định và hành động trong đời sống của ông. Nó như bức tường kiên cố không dễ gì phá bỏ và vượt qua nếu không có một sức mạnh từ trên cao ban cho. Dù vậy, ông tiếp tục cầu nguyện, lắng nghe, mở rộng con tim và ngoan ngùy với Thánh Thần; nhờ đó, ông đã vượt qua bức tường đóng khung mọi suy nghĩ, phá vỡ vùng an toàn, vượt lên trên những định kiến từ chối canh tân đàng sau những luật lệ và quy tắc và mở lòng ra trước những điều lạ lùng và mới mẻ của Thiên Chúa. Chính khi ngoan ngùy với những điều vượt qua sự hiểu biết của con người do Thánh Thần soi sáng, tông đồ Phêrô được thúc đẩy vượt quá những gì quen thuộc để đi đến những vùng ngoại vi và đi đến tận chân trời để gặp gỡ những anh chị em mà Thánh Thần đã chuẩn bị sẵn cho ông tại vùng ngoại vi tôn giáo và địa lý, Thánh Thần dẫn ông đi vào vùng hiện sinh của họ. Chúng ta có thể đặt câu hỏi cho Phêrô: Tại sao ông lại dễ trở nên ngoan ngùy với tác động của Thánh Thần? Tông đồ Phêrô có thể cho chúng ta câu trả lời rất đơn giản: vì chính ông là con người cầu nguyện trong Thánh Thần. Do đó, với tâm hồn cầu nguyện, người môn đệ truyền giáo rất nhạy bén với những tác động của Thánh Thần. Điều quan trọng hơn nữa là người môn đệ truyền giáo luôn phải lắng nghe Thánh Thần để biết phải đi đâu, biết phải làm gì, biết khi nào phải nói, biết nói với ai và biết nói thế nào. Tóm lại, tâm thế cơ bản của người môn đệ truyền giáo là từ bỏ lối suy nghĩ của mình, muốn lắng nghe lời dạy bảo của Thầy Giêsu đồng thời mở ra với Thánh Thần và muốn làm theo lời Thánh Thần, nhờ đó “biết đọc ra những thực tại trong đời sống dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, và do đó biết lựa chọn, quyết định và hành động theo ý Thiên Chúa” (Ratio 2016, số 43). Nếu không biết lắng nghe Thánh Thần, làm sao có thể gọi là người tông đồ truyền giáo được. Thật vậy, nếu hôm ấy, tông đồ Phêrô không phải là con người cầu nguyện; nếu chiều hôm ấy, tông đồ Phêrô hối hả ra đi làm mục vụ, rất có thể ngài đã làm được đôi ba việc liên quan đến sứ vụ truyền giáo, nhưng liệu thánh nhân có thể thành công trong việc mở rộng Giáo hội ra toàn thế giới bên ngoài vùng đất Palestine không? Nếu không có kinh nghiệm làm theo điều Thánh Thần chỉ dạy khi đến gặp gỡ, loan báo kerygma và làm phép rửa cho gia đình ông sĩ quan Rôma là Cornêliô và chứng kiến việc “Thánh Thần ngự xuống trên những người đang nghe lời Thiên Chúa cùng với một số người tín hữu thuộc giới cắt bì” chiều hôm ấy, liệu tông đồ Phêrô có mạnh dạn làm chứng cho việc con người được cứu độ được nhờ tin vào Chúa Giêsu chứ không phải do tuân giữ luật Môsê làm một với những lời chứng của tông đồ dân ngoại là Phaolô và Barnaba trước cử tọa tại công đồng Giêrusalem không (x. Cv 15)? Hơn nữa, quyết định của công đồng Giêrusalem là kết quả của “Thánh Thần và các tông đồ quyết định” mang tính cách mạng và đem lại sự sống dồi dào cho Giáo hội ở Giêrusalem và các vùng ngoại vi truyền giáo. Những quyết định này đã định hướng cho một Giáo hội truyền giáo mà sau này, Công đồng Vaticanô II đã minh định: “Bản chất của Giáo hội lữ hành là Truyền giáo” (AG, số 2). Điều này có nghĩa là, “Giáo hội của Chúa Kitô đã, đang và sẽ luôn đi ra hướng đến những chân trời địa lý, xã hội và hiện sinh mới, hướng đến những nơi chốn và những hoàn cảnh nhân sinh giới hạn, để làm chứng cho Chúa Kitô và tình yêu của Ngài đối với mọi người nam và người nữ của mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi địa vị xã hội.” (ĐGH Phanxicô, Sứ điệp ngày Thế giới Truyền giáo 2022). Giáo hội Công giáo này ra đi để đón nhận muôn dân nhờ lời loan báo kerygma và phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi trong sự tôn trọng và đối thoại với các nền văn hóa, tôn giáo và người nghèo (x. FABC) tại các giáo hội địa phương ở châu Á nói chung và cụ thể tại Việt Nam, mà người viết sẽ bàn tiếp ở phần sau. Đức Thánh Cha nhận định: “Công đồng Giêrusalem đưa ra cho chúng ta một ánh sáng quan trọng về cách thức giải quyết các sự khác biệt và tìm kiếm chân lý trong bác ái’” (Ep 4,15). Nó nhắc chúng ta rằng phương pháp Giáo hội dùng để giải quyết các xung đột là dựa trên đối thoại, được thực hiện qua việc lắng nghe chân thành và kiên nhẫn và trên việc phân định được thực hiện dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chính Thần Khí giúp vượt qua sự khép kín và căng thẳng, đồng thời hoạt động trong trái tim để, trong sự thật và thiện ích, họ đạt được sự hiệp nhất. Văn bản này giúp chúng ta hiểu được tính công nghị, cùng suy tư và hành động dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thật thú vị với lời mở đầu của của lá thư gửi giáo đoàn ở Antiokia trong đó các Tông đồ đã viết như sau: ‘Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…’. Đó chính là hiệp hành, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. (Giáo huấn ngày thứ Tư hằng tuần, ngày 23/10/2019)

II. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG MỤC VỤ TẠI GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Công đồng Vaticanô II đã minh định: “Bản chất của Giáo hội lữ hành là Truyền giáo” (AG, số 2). Sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi và được Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô thiết lập nhờ cuộc Vượt qua của Ngài rồi Ngài trao lại cho các tông đồ và các đấng kế vị khi ban cho các tông đồ Chúa Thánh Thần. Vào ngày lễ Hiện xuống, các tông đồ đã lãnh nhận tràn đầy Chúa Thánh Thần trong bầu khí cầu nguyện với Mẹ Maria trong nhà Tiệc ly. Vào khoảng 9 giờ sáng (x. Cv 2, 15) chính ‘Sức mạnh từ trên cao’ thúc đẩy các tông đồ ra khỏi vùng an toàn của nhóm, xuất hiện công khai trước đám đông đang đói khát lời Thiên Chúa đang có mặt tại Giêrusalem. Cũng chính Chúa Thánh Thần tác động trên tâm hồn những người nghe lời kerygma giúp họ hiểu được nội dung của sứ điệp mà tông đồ Phêrô loan báo hôm ấy. Kết quả thật đáng kinh ngạc, khoảng ba ngàn người đã lắng nghe, đón nhận lời kerygma và chịu phép rửa (x. Cv 2, 41). Giáo hội Mẹ tại Giêrusalem được thiết lập và Mẹ Giáo hội tiếp tục tăng số nhờ đón nhận nhiều con cái đã lắng nghe Lời và chịu phép rửa, cùng với các hoạt động mục vụ truyền giáo khác. Khi đối diện với những khó khăn bên ngoài cũng như bên trong của cộng đoàn Giáo hội đang lớn mạnh, việc ưu tiên trước hết và trên hết của các tông đồ là cầu nguyện và phục vụ Lời Chúa rồi sau đó mới đề ra những định hướng mục vụ như việc lập nhóm Bảy người (x. Cv 6), như khi các tông đồ bị bắt và tra hỏi trước Thượng hội đồng Do Thái cùng với những vấn nạn phát sinh do các cuộc truyền giáo ra khỏi biên giới Palestine. Sách Công vụ Tông đồ ghi lại: “Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được đầy Thánh Thần và mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4, 31).

Mọi hoạt động mục vụ của các tông đồ do Chúa Thánh Thần gợi hứng đều hướng đến việc loan báo kerygma. Chúa Thánh Thần sai các tông đồ và những người cộng tác với các ông đi gieo hạt giống Lời Chúa trong tâm hồn những con người đang sống trong những vùng văn hóa khác nhau bằng chính ngôn ngữ của họ. Có thể nói, những con người này là một dân đông đã được Đấng phục sinh chuẩn bị sẵn cho sứ vụ rao giảng kerygma (x. Cv 18, 10). Hay nói cách khác, nhờ việc loan báo Tin mừng bằng ngôn ngữ địa phương, các môn đệ thừa sai đã thiết lập những cộng đoàn Giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với Giáo hội Mẹ.

1. Giáo hội địa phương hiệp thông – tham gia – sứ vụ

Giáo hội địa phương được hiểu là cộng đoàn Kitô giáo quy tụ quanh một vị Giám mục tại một vùng địa lý xác định để sống đức tin theo cách thế riêng biệt của mình theo mẫu của Giáo hội hoàn vũ. Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen Gentium (LG) của Công đồng Vaticanô II cho chúng ta thấy nền tảng hiện hữu của giáo hội địa phương: “Mỗi giám mục là nguồn mạch và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong giáo hội địa phương của ngài, được hình thành theo mẫu Hội thánh hoàn vũ, chính trong và từ Hội thánh hoàn vũ mà các giáo hội địa phương hiện hữu như là một Hội thánh Công giáo duy nhất” (LG, số 23). Theo nhãn quan thần học này, các Giáo hội địa phương là hình ảnh của Giáo hội phổ quát còn Giáo hội phổ quát bắt nguồn và sống trong các Giáo hội địa phương nhờ Giám mục, linh mục đoàn, Chúa Thánh Thần, Tin mừng và sứ vụ. Thật vậy, Sắc lệnh về Nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo hội – Christus Dominus (CD), xác định: “Giáo phận là một phần Dân Thiên Chúa được giao phó cho một giám mục soi sóc, với sự cộng tác của linh mục đoàn, để nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận được quy tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Tin mừng và Thánh Thể, làm thành một Hội thánh riêng biệt, trong đó Hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Chúa Kitô hiện diện và hành động thực sự” (CD, số 11). Năm yếu tố căn bản quan trọng này là các yếu tố cấu thành các Giáo hội địa phương trong sự duy nhất nhưng rất phong phú và đa dạng. Chính sự khác biệt và đa dạng của Giáo hội địa phương đã góp phần tăng thêm vẻ đẹp của Giáo hội Mẹ cũng như góp phần tích cực và hiệu quả vào sứ vụ loan báo Tin mừng chung. Sắc lệnh về Đại kết – Unitatis Redintegratio (UR) công nhận: “Sự khác biệt về phong tục và tập quán… không những không cản trở sự hiệp nhất mà còn tăng thêm vẻ đẹp của Giáo hội và góp phần không nhỏ vào việc chu toàn sứ vụ của Giáo hội” (UR, số 16). Như vậy, Giáo hội địa phương có một vai trò quan trọng trong việc “diễn tả bản chất sâu xa nhất của Giáo hội qua ba trách vụ: công bố Lời Chúa (kerygma- martyria), cử hành Bí tích (leiturgia) và thi hành Bác ái (diakonia). Cả ba trách vụ này đòi phải có nhau và không thể bị chia cắt” (Deus est Caritas – DC, số 25) vì Giáo hội địa phương là chủ thể của việc thể hiện và nhập thể Chúa Kitô và Tin mừng của Ngài trong một dân tộc nhất định, ở một nơi và một thời gian nhất định (x. FABC I, 9-10). Nếu bản chất của sự hiện hữu của Giáo hội trên trần gian này là công bố Lời Chúa, cử hành Bí tích và thi hành Bác ái, thì bản chất của Giáo hội địa phương, cụ thể là Giáo hội tại Việt Nam cũng phải phục vụ cho bản chất sâu xa này bằng việc loan báo Tin mừng qua việc đối thoại ba mặt theo định hướng của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC): văn hóa, tôn giáo và người nghèo; xây dựng một giáo hội tham gia và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh theo cách thế riêng biệt của mình. Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã định hướng cho sự hiện hữu và hoạt động mục vụ của Giáo hội Công giáo với các điểm nhấn như sau: Giáo hội Công giáo tại Việt Nam muốn sát cánh với mọi người Việt Nam để xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Giáo hội Công giáo tại Việt Nam muốn xây dựng một Giáo hội theo hướng các truyền thống dân tộc trong đời sống hằng ngày và theo cách đức tin được tuyên xưng.[1] Định hướng mục vụ này được xác định rõ hơn trong Thư mục vụ năm 2001 nhằm đáp ứng các nhu cầu mục vụ trong bối cảnh mới của đất nước Việt Nam với những điểm nhấn như sau: Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi người Công giáo trong cả nước đồng hành cùng dân tộc, đối thoại với các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, giúp đỡ người nghèo, người bỏ rơi và di dân.[2]

Tóm lại, định hướng mục vụ cho Giáo hội địa phương của Hội đồng Giám mục Việt nam tập trung vào việc rao giảng kerygma, hội nhập văn hóa, đối thoại tôn giáo và chọn lựa người nghèo. Đối thoại ba chiều này được coi là ‘đặc trưng’ và thích hợp cho tình hình Châu Á. “Ba con đường thực thi sứ mạng là rao giảng, đối thoại và thăng tiến nhân bản toàn diện được hoàn thành trong cuộc đối thoại ba chiều với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người nghèo” (FABC Papers 90:4). Những thực tại xã hội này tạo nên những quảng trường mà Hội thánh Việt Nam được Chúa Thánh Thần mời gọi dấn thân băng qua các nền văn hóa, tôn giáo và xã hội. Nói theo ngôn ngữ của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đó là những areopagus mới của thời đại (x. Redemptoris Missio (RM), số 31-37). Sống trong những areopagus mới, người môn đệ thừa sai mang trong mình thao thức làm sao và bằng cách nào mình có thể thực hiện việc Phúc âm hóa, Tân Phúc âm hóa và Tái Phúc âm hóa mà không gây tổn thương hay áp đặt đức tin trên những con người thuộc các tôn giáo khác.

2. Những ưu tiên cho những định hướng mục vụ tại giáo hội địa phương: Đối thoại với các nền văn hóa, tôn giáo và người nghèo

Các nhà truyền giáo Tây phương đã nỗ lực dấn thân gieo hạt giống Tin mừng cho dân tộc Việt Nam nhờ việc nghiên cứu kỹ lưỡng văn hóa địa phương và những cách khác nhau để diễn tả Tin mừng trong đời sống thường ngày của dân chúng. Kết quả là chữ Quốc ngữ ra đời và đó là một đóng góp rất quan trọng của Kitô giáo cho công cuộc truyền giáo và cho nền văn hóa Việt Nam. Linh mục Phêrô Phan Đình Cho ghi nhận: “Ngay từ đầu, công cuộc truyền giáo của Kitô giáo đã luôn luôn tìm cách nhập thể Tin mừng vào các nền văn hóa của các dân tộc mà mình rao giảng cho. Việc này được thực hiện không chỉ qua việc dịch bản văn thánh sang các ngôn ngữ của họ, mà còn thích nghi sứ điệp của bản văn với nền văn hóa của họ”.[3] Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh đến các giá trị của sự hài hòa, tinh thần gia đình, tôn kính tổ tiên và người già, niềm nở đón tiếp, linh động mềm dẻo, vị tha, lòng trắc ẩn và tính ôn hòa. Những giá trị văn hóa này là mảnh đất tốt cho hạt giống Tin mừng nảy sinh và đem lại mùa gặt trong hân hoan đồng thời cũng đã dẫn đến các xung đột gây tổn thương và phát sinh sự phong phú cho công cuộc loan báo Tin mừng. Cuộc đối thoại của Tin mừng với các nền văn hóa địa phương trước hết cần phải được diễn ra trong cầu nguyện đón nhận sự soi dẫn của Thánh Thần và trong sự khiêm tốn, kiên nhẫn với lòng kính trọng. Vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới bảo đảm cho việc đối thoại diễn ra trong chân lý, sự chân thành, khiêm tốn và kính trọng (x. Ecclesia in Asia (EA), số 21). Việc hội nhập văn hóa của Giáo hội tại Việt Nam đã đem lại những hoa trái tốt đẹp trong thánh ca, trong việc diễn tả các việc đạo đức và sùng kính bình dân, trong các kiến trúc và một số tập tục tốt đẹp khác, tuy vẫn còn phải suy nghĩ, cân nhắc, phân định cho việc hội nhập văn hóa vào các lãnh vực khác của đời sống đức tin Kitô giáo. Tiến trình hội nhập văn hóa là một tiến trình mang tính hỗ tương đậm nét. Một đàng, văn hóa là mảnh đất gặp gỡ và tiếp nhận Tin mừng để rồi chính Tin mừng sẽ thanh luyện khỏi những khiếm khuyết, tội lỗi và đưa đến kiện toàn; đàng khác, chính Tin mừng và đức tin Kitô giáo cũng được phong phú và lan rộng nhờ văn hóa địa phương.

Đối diện với những thực tại văn hóa đáng kính và tốt đẹp của dân tộc địa phương, người môn đệ truyền giáo trước hết và trên hết cần phải hoán cải mục vụ toàn diện. Nhờ việc hoán cải này người môn đệ thừa sai mang tâm thế của người họcngười lắng nghe hơn là áp đặt. Đời sống của người môn đệ phải tỏ rõ đức khiêm tốn và kiên nhẫn cao độ nếu không thì sứ vụ loan báo Tin mừng của anh sẽ dễ bị coi như một ‘dạng thực dân mới’ khi đòi buộc các dự tòng từ bỏ các tập tục tốt lành của họ. Như thế, Missio inter gentes – Sứ vụ giữa muôn dân, chính là nhận trách nhiệm của người ‘xây cầu’ để đến với người khác trong sự kính trọng và yêu thương phục vụ, là “giúp con người địa phương khám phá và lắng nghe Thiên Chúa vốn đang hiện diện ở đó, có lẽ một cách ẩn giấu hoặc được nhìn thấy lờ mờ hoặc khác đi, nhưng là Đấng lúc nào cũng kêu gọi họ đối thoại để dẫn họ tới một sự sống sung mãn hơn.”[4] Đã có một thời, việc truyền giáo mang tính bạo lực và áp đặt trên quê hương chúng ta, đã tạo nên những vết thương do xúc phạm đến phẩm giá và các quyền căn bản của dân địa phương đang cần được chữa lành tận căn. Do vậy, người môn đệ còn phải là người chữa lành và hòa giải với lòng biết ơn Thiên Chúa đối với món quà văn hóa địa phương. Sứ vụ chữa lành và hòa giải này mà Chúa Giêsu Kitô giáo cho mỗi người qua Hội thánh, đòi buộc người môn đệ phải vượt qua chủ nghĩa cá nhân và khát vọng thành công cá nhân và phải được thực hiện trong và nhờ cộng đoàn. Henri Nouwen cảnh báo: “Sứ vụ không phải là điều ta sở hữu và ta trao ban cho người khác có nhu cầu. Sứ vụ là điều được trao ban và nhận lãnh cách hỗ tương… Sứ vụ là một kinh nghiệm chung và hỗ tương. Chúng ta không làm sứ vụ cho; chúng ta làm sứ vụ với và giữa những người khác.[5] Biết bao lần tôi đã bị cám dỗ thi hành sứ vụ cách cá nhân và chiếm hữu công việc của sứ mạng của Hội thánh mà quên đi điều cốt yếu là tôi được Hội thánh sai đi để làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô bằng đời sống thấm đẫm Tin mừng.

Đối thoại chân thành và sâu xa với các truyền thống tôn giáo lâu đời tại Châu Á nhằm đưa đến sự hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm thiêng liêng và liên đới trong việc thăng tiến con người toàn diện, chính là con đường loan báo Tin mừng được Liên Hội đồng Giám mục Á châu vạch ra và đồng hành với các thành phần Dân Chúa. “Các nhà lãnh đạo, các nhà hoạt động xã hội, các nghệ sĩ và các nhà trí thức cũng như các nhà truyền thông của các tôn giáo khác nhau tại Châu Á phải đi vào những cuộc đối thoại bền vững và không loại trừ, để tiến tới sự hiểu biết sâu xa hơn giữa các tôn giáo. Việc triển khai sự phong phú của kinh nghiệm tôn giáo và nhấn mạnh vào những điểm chung thay vì những khác biệt sẽ góp phần dẫn đến những cuộc đối thoại sâu hơn và chân thành hơn.[6] (FAPA IV, 236). Với ước muốn mãnh liệt muốn đồng hành với dân tộc và xây dựng Giáo hội Công giáo theo hướng các truyền thống dân tộc, Hội đồng Giám mục Việt Nam hòa chung với đường hướng đối thoại liên tôn của Công đồng Vaticanô II và Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Giám mục Á châu – Ecclesia in Asia (EA), các vị lãnh đạo Giáo hội tại Việt Nam đã chỉ cho thấy sự khẩn thiết phải đi vào cuộc đối thoại liên tôn như sau: “Tại quê hương chúng ta, cần có đối thoại liên tôn để hiểu biết, kính trọng, yêu mến và hợp tác nhằm cải thiện cuộc sống của mọi người. Đối thoại ấy phải diễn ra trong đời sống hằng ngày qua hoạt động truyền thông, kinh doanh, nghề nghiệp và chia sẻ với nhau. Các tôn giáo phải là cơ sở cho dân chúng đến gần nhau hơn.[7] Các tôn giáo chính và ảnh hưởng nhiều trên đời sống toàn diện của người Việt Nam trước hết phải kể đến Tam giáo. Các tôn giáo này đã đồng hành với dân tộc trong suốt chiều dài thăng trầm của lịch sử và đời sống tôn giáo – văn hóa của dân chúng trước khi Tin mừng được rao giảng. Các giá trị của tôn giáo này đã chuẩn bị tâm hồn người dân Việt như những mảnh đất tốt đón nhận hạt giống Tin mừng, đâm bông và đưa đến mùa gặt bội thu. Hơn nữa, các giá trị Tin mừng gặp gỡ sự khôn ngoan nơi tôn giáo này đã trở thành những cơ sở giúp dân Kitô giáo sống và diễn tả đức tin cá vị và duy nhất của bản thân và của cộng đoàn Giáo hội địa phương. Chính vì lý do này, tài liệu của FABC phát biểu: “Các truyền thống tôn giáo lớn có thể chiếu dọi ánh sáng vào những sự thật của Tin mừng. Chúng có thể giúp chúng ta hiểu biết sự phong phú của đức tin của chúng ta” (FAPA I, 23).

Dấn thân vào cuộc đối thoại kiên trì và khiêm tốn này đòi hỏi người môn đệ thừa sai phải nhận ra tính phổ quát của ơn Chúa Thánh Thần và cách thức đa dạng của hoạt động và hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi các truyền thống tôn giáo tại Việt Nam cũng như tại Châu Á. James Kroeger nhận định: “Các giá trị Châu Á quan trọng cho việc hội nhập Tin mừng và đời sống Kitô giáo là: chiêm niệm, đời sống khổ hạnh, thoát tục, thinh lặng, khiêm nhường, thanh tịnh, trắc ẩn và liên đới. Thời điểm Châu Á kêu gọi một thế hệ mới các nhà truyền giáo có khả năng đương đầu với những thách thức của sứ mạng truyền giáo Châu Á hôm nay, của việc làm chứng và loan truyền, của việc mang Tin mừng đến giữa lòng các dân tộc và các nền văn hóa.[8] Các giá trị này được Chúa Thánh Thần chuẩn bị sẵn để dẫn đưa mọi người đến việc nhận biết “Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật và Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17, 3). Các vị lãnh đạo Giáo hội Việt Nam cũng xác nhận: “Các tôn giáo phải là cơ sở cho dân chúng đến gần nhau hơn” (ibid). Lời xác nhận này cổ võ sự liên đới trong kính trọng và hợp tác giữa các tín đồ các tôn giáo trong các hoạt động xã hội nhằm đẩy lui và loại trừ văn hóa sự chết, góp phần thăng tiến nhân bản toàn diện.[9] Làm sao có thể thực hiện ý muốn của Thánh Thần thể hiện qua các vị có trách nhiệm cao nhất của Giáo hội Việt Nam nếu người môn đệ không muốn trở thành những con người xây cầu, nối kết anh chị em và hy sinh cho anh chị em của mình như mục tử nhân lành Giêsu? Ngay cả khi phải phê bình những sai lầm của các tôn giáo khác, thì cũng phải thật tế nhị để tránh xung đột, gây tổn thương; cũng đừng bao giờ giữ thái độ tiêu cực đối với những người đã từ bỏ đức tin và đời sống Kitô giáo. Lời của thánh Phêrô giúp người môn đệ biết cách phải làm sao: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và với sự kính trọng” (1Pr 3,15-16). Người đi xây cầu nối kết là ai nếu không phải là một con người ra đi gặp gỡ, tạo mối tương quan tốt đẹp, chân thành với những vị có trách nhiệm tại các cơ sở tôn giáo bạn và tại các đình làng trong môi trường xung quanh giáo xứ vào các dịp lễ đặc biệt của họ nhất là dịp ma chay. Mỗi người môn đệ đừng bao giờ quên lời của mục tử Giêsu: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10, 17). Trong bối cảnh này, người làm mục vụ nhận ra tầm quan trọng của những việc đi thăm viếng mục vụ tại các vùng ngoại vi: các thôn xóm, các khu ổ chuột, các khu nhà trọ, những ngõ ngách của khu phố, những căn hộ bị bỏ quên, các gia đình; tầm quan trọng của việc gặp gỡ mọi người, đối thoại với những cá nhân, trao đổi cùng các gia đình, gặp gỡ các nhóm mục vụ khác, các phụ nữ, người già, người trẻ, thiếu nhi, những người khuyết tật thể lý và tâm thần để không ai bị bỏ rơi kể cả những người đã từ bỏ đức tin Công giáo. Bởi tất cả đều là anh chị em của chúng ta, nhờ họ mà chúng ta nhận ra chính Thiên Chúa khi chúng ta yêu thương và phục vụ họ (x. Mt 25). Bởi lẽ, “Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những người đói, người nghèo, người tàn tật, người bị bỏ rơi” (x. Mt 25, 31-46), chúng ta hãy dấn thân phục vụ hiệu quả cho những người nghèo khổ… Những việc phục vụ này không chỉ xuất phát từ lòng trắc ẩn tự nhiên của con người, nhưng còn từ đức ái sâu xa của người Kitô hữu (x. Rm 18, 8), vì “mỗi lần chúng ta làm việc đó là chúng ta làm cho chính Chúa Kitô” (x. Mt 25, 40).(1) Những việc caritas này không đơn giản là việc lo cho người đói ăn, người trần truồng, người đau bệnh, người tù tội, người bị gạt ra bên lề… mà chúng ta, nhờ được hoán cải mục vụ, giúp họ thấy rằng họ là anh chị em của chúng ta và xứng đáng ngồi chung bàn với chúng ta, giúp họ cảm nhận “đang ở trong nhà” với chúng ta. Và khi phục vụ những anh chị em này, người môn đệ rất có thể sẽ bị bầm dập, thương tích và lấm lem vì ôm lấy những vết thương là những nỗi đau, những vết thương trên thân xác và trong tâm hồn, những lo lắng, những vất vả lao nhọc… hằng ngày của họ. Những vết thương do phục vụ này làm cho chúng ta nên người môn đệ hơn của Thầy Giêsu và nên đồng hình đồng dạng hơn với Mục tử Giêsu. Đó chính là niềm vui Tin mừng, là những dấu chỉ khả tín và khả giác của việc lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần nơi chúng ta và qua chúng ta, người tín hữu cảm nhận nhiều hơn mình thuộc về Hội thánh là Mẹ và là nhà của họ cũng như của chúng ta. Hơn nữa, thiên hạ cũng thấy được những việc tốt đẹp của chúng ta mà tôn vinh Cha, Đấng ngự trên trời (x. Mt 5, 16). Yêu thương, kính trọng và phục vụ theo gương mục tử Giêsu là phương thế đối thoại và loan báo Tin mừng hiệu quả nhất và là con đường ngắn nhất đến với mọi người không phân biệt tôn giáo-văn hóa. Bởi, “con người đương đại sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy hoặc, nếu họ lắng nghe các thầy dạy, đó là bởi vì các thầy dạy này là những chứng nhân” (Evangelii nuntiandi – EN, số 41). Khi gặp gỡ, đối thoại chân thành, người môn đệ/ người làm mục vụ lắng nghe những nỗi đau, những nỗ lực vươn lên hàng ngày, niềm hy vọng và những ước mơ vào một tương lai tốt đẹp hơn. Khi thật lòng “vui với người vui, khóc với người khóc”, người môn đệ thừa sai trở thành người chữa lành, người đồng hành và trở thành tiếng nói của người không có tiếng nói, trở thành dấu chỉ và làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh và Tin mừng của Ngài trong đời sống sứ vụ. Loan báo Keryma bằng chứng tá đời sống mang giá trị cơ bản và sự tử đạo mang giá trị cao nhất, đồng thời chứng tá đời sống luôn mang tính giáo hội dù được thực hiện bởi một cá nhân âm thầm (x. EN, số 60). Sứ vụ yêu thương, kính trọng và hiến thân phục vụ theo gương Mục tử Giêsu có nghĩa là “từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày mà theo Thầy” (Lc 9, 23). Vì “nếu không có thập giá và tất cả những điều gây kinh ngạc, khờ dại và gương mù của thập giá thì không có sứ mạng Kitô giáo đích thực. Sứ mạng đích thực luôn luôn được đánh dấu bởi thập giá và không có thập giá, chúng ta không thể là môn đệ Đức Kitô. Người truyền giáo luôn luôn quảng đại chấp nhận thông phần vào những khốn khó mà Tin mừng đòi hỏi” (FABC Papers 61:13).

KẾT LUẬN

Cầu nguyện lắng nghe Thánh Thần và hết lòng, hết sức, hết trí khôn và hết linh hồn dấn thân vì đoàn dân được trao phó cho người linh mục môn đệ thừa sai tại một giáo xứ hay vùng truyền giáo, sẽ đến một lúc nào đó trên nẻo đường mục vụ, người môn đệ truyền giáo chợt nhận ra mình đang gánh một trách nhiệm quá lớn không thể chu toàn đồng thời cũng nhận ra những giới hạn của bản thân khi đối diện với những nhu cầu quá lớn của Dân Chúa. Nhận thức này rất có thể sẽ đưa đến một thái độ nản chí hay đúng hơn bị cám dỗ nản chí, khi tự cho rằng rốt cuộc mình chẳng làm được gì cả. Hay một thái độ ngược lại là tự cho rằng chỉ một mình tôi có trách nhiệm làm cho thế giới này được nên tốt hơn. Và như thế, người môn đệ lại có thể rơi vào cám dỗ tự phụ và quy ngã. Làm sao có thể cân bằng và thống nhất đời sống giữa những đòi hỏi của đức ái mục tử và của hồn tông đồ nơi người môn đệ Chúa Kitô?

Trong cô tịch cầu nguyện với tâm nguyện của người gieo giống “Phaolô trồng, Apolô tưới nhưng chính Thiên Chúa cho mọc lên” (1Cr 3, 6-7) và thái độ khiêm tốn của người phục vụ trong tư cách là “những đầy tớ vô dụng” (Lc 17, 10) được tình yêu Chúa Kitô thúc bách (x. 2 Cr 5, 14), người môn đệ “ý thức rằng: làm như thế là chính họ được giúp đỡ, vì được giúp kẻ khác đâu phải do công phúc hay thành tựu gì của mình. Phận vụ này là một hồng ân” (DC, số 35). Chính xác tín này sẽ giải thoát chúng ta khỏi tự phụ và quy ngã.

Sau khi đã làm hết sức có thể trong khả năng của mình trước nhu cầu lớn lao của anh chị em, trong cô tịch cầu nguyện người môn đệ phó thác cho Chúa phần còn lại như năm chiếc bánh và hai con cá đặt vào tay Chúa Giêsu để Ngài làm phép lạ có khả năng nuôi hơn 5000 người được no nê và còn lại nhiều thúng bánh vụn (x. Mt 14, 13-21). Vì “chính Chúa điều khiển thế giới chứ không phải ta. Ta dâng hiến cho Ngài việc phục vụ trong mức độ có thể làm, bao lâu Ngài còn ban cho ta đủ sức phục vụ với khả năng và với sức lực ta có, đây là điều thôi thúc người tôi tớ tốt lành của Đức Giêsu Kitô hành động không ngừng: ‘Tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi’ (2Cr 5, 14)”.

Tóm lại, trong mọi hoàn cảnh và các nẻo đường của sứ vụ, “mối tương quan sống động với Đức Kitô là quyết định hầu giúp ta đi đúng hướng, không rơi vào thái độ ngạo mạn khinh bỉ đối với con người – là điều không những không xây dựng mà còn hủy diệt, hoặc không đầu hàng trong thái độ cam chịu – là điều ngăn cản ta để được tình yêu hướng dẫn trong việc phục vụ tha nhân. Khi đó, cầu nguyện – như phương thế kín múc từ Đức Kitô nguồn sức lực mới – là điều thực tế và cấp thiết hơn cả. Ai cầu nguyện, người đó không phí phạm thời giờ, cho dầu hoàn cảnh có cấp bách tới mấy, có đòi phải hành động ngay lập tức đi nữa. Đạo đức không làm suy yếu đấu tranh chống lại nghèo đói hay chống lại sự khốn cùng của tha nhân. Gương của Mẹ Têrêsa thành Calcutta là một điển hình: thời gian dành cho Chúa trong cầu nguyện không làm Mẹ sao lãng việc phục vụ hữu hiệu và yêu thương đối với tha nhân, trái lại trên thực tế còn là nguồn sức mạnh không hề vơi cạn của việc phục vụ này.” (DC, số 36)

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
Mùa gặt mai sau khấp khởi mừng (Tv 126, 5).

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 130 (Tháng 7 & 8 năm 2022)

WHĐ (15.10.2022)


[1] Cf. HĐGMVN, Thư chung năm 1980: Rao giảng Tin mừng giữa lòng dân tộc, số 9.

[2] Cf. HĐGMVN, Thư chung năm 2001: Để họ được sống và sống dồi dào, số 9-15.

[3] Peter C. Phan, In Our Own Tongues:Perspectives from Asia on Mission and Inculturation, Orbis Books, NY, 2003, p.25

[4] Micheal Amaladoss, Mission Today, Reflections from an Ignatian Perspective, Anand, India, 1989, p.122

[5] Henri Nouwen, Đồng hành thiêng liêng, bản dịch của Trần Thiện Thanh, CSsR, Đồng Nai, 2020, p.193

[6] or All the Peoples of Asia (FAPA) – Vì Tất cả các dân tộc châu Á (quyển I-II-III-IV)

[7] HĐGMVN, Thư chung năm 2001, số 13

[8] James Kroeger, The Hour of Asia, in Themes in Christian Mission, 1962, p.2

[9] X. HĐGMVN, Thư chung năm 2001, số 13-15.

Comments are closed.