ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN MỤC VỤ NGÀY CHÚA NHẬT
Trong năm Triết II, cứ mỗi ngày Chúa Nhật, chúng tôi được đi thực tập mục vụ ‘đầu đời’ tại Mái ấm Phan Sinh (Mái ấm thuộc ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Nơi đây đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm xen lẫn biết bao cung bậc cảm xúc.
Khi đến đây, chúng tôi đã phần nào hiểu rõ được ý nghĩa của hai từ ‘Mái ấm’. Đó là nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh; nơi nuôi dưỡng những trẻ bại não, tật nguyền; ‘nơi tìm về’ của một số bệnh nhân nan y không nơi nương tựa và là ‘nơi nâng đỡ’ biết bao phận người cần được yêu thương. Tất cả họ đã làm nên một ‘gia đình’ đích thực khi chung sống cùng nhau với đức ái, chân thành và ấm áp, khi những ai còn khỏe mạnh chăm sóc cho những người yếu đau và khi những ai cần giúp đỡ, họ sẽ chẳng bị bỏ rơi… Thật may mắn cho anh em chúng tôi khi được đến đây phục vụ; được có cơ hội gặp gỡ, quan tâm và được một lần là ‘một phần’ của nơi đây.
Còn nhớ trước ngày đến Mái ấm, hầu hết chúng tôi đều có chung một tâm trạng: hoang mang và lo sợ. Hoang mang vì chúng tôi đã nghe nhiều nguồn thông tin không mấy ‘hứng thú’ về Mái ấm. Lo sợ bởi chúng tôi vẫn chưa hình dung được mình cần phải làm gì để phục vụ mọi người. Tuy nhiên, những tâm trạng ấy đã ‘vội’ tan biến khi chúng tôi đến nơi đây. Cái giây phút đầu tiên đặt chân đến Mái ấm dường như đã làm cho chúng tôi ‘hoảng sợ’. Một khung cảnh hoàn toàn khác xa những gì chúng tôi tưởng tượng từ trước. Cái khoảnh khắc ấy như đã hằn sâu trong tâm khảm khiến mỗi người trong chúng tôi sẽ chẳng thể nào quên được: có những người đang hấp hối, có một bệnh nhân mới qua đời, các bệnh nhân tâm thần không kiểm soát được việc vệ sinh của mình cùng với đó là ‘mùi’ đặc trưng của người bệnh… Mùi hôi tanh ‘bỗng chốc’ trở thành ‘rảo cản ban đầu’ khiến chúng tôi phải ‘nhụt chí’. Tuy nhiên, tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi (2 Cr 5,14) cần phải vượt lên trên cái ‘rào cản’ ấy. Khởi đi từ những phút giây viếng Thánh Thể, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, được Chúa đánh động tâm hồn. Để rồi, sau khi đã được thầy phụ trách dẫn đi thăm quan một vòng Mái ấm, tình yêu phục vụ như được khơi lên trong lòng giúp chúng tôi sẵn sàng yêu thương, chăm sóc tất cả mọi người nơi đây. Chúng tôi được góp sức trong việc thăm hỏi người già, chia sẻ Giáo lý, lau dọn phòng ở, sửa chữa các vật dụng hư hỏng, tắm cho các bệnh nhi nam, vui chơi cùng các em và sau cùng là đút cơm (cháo) cho những bệnh nhân liệt (tâm thần). Những người chúng tôi được phục vụ tuần này có khi là lần gặp cuối cùng. Bởi lẽ, tuần sau, khi chúng tôi đến, giường bệnh vẫn còn đó mà họ thì đã không còn… Thế nên, chúng tôi luôn cố gắng dành hết tình thương để phục vụ họ, hy vọng ít là cho họ (nhất là những trẻ bại não) cảm nhận được ‘hơi ấm’ của sự yêu thương.
Đối với anh em chúng tôi, những con người nơi đây chính là hình ảnh của Chúa Kitô chịu khổ nạn. Khi chăm sóc họ, được đụng chạm vào họ, chúng tôi thiết tưởng như được đụng chạm vào chính Đấng Yêu Thương mà mình tôn thờ. Đấng ấy đã trao ban cho chúng tôi biết bao ‘ơn phúc’ mà bấy lâu nay chúng tôi vẫn chưa sinh lời cho thỏa đáng. Hôm nay đây, tại Mái ấm, chúng tôi có cơ hội được chia sẻ và sinh lời các ‘ơn phúc’ ấy. Thật sự, chúng tôi đã được nhận nhiều hơn là cho đi.
Những tuần thực tập mục vụ ‘đầu đời’ tại Mái ấm Phan Sinh đã cho chúng tôi thật nhiều. Mái ấm ‘dạy’ chúng tôi biết cho đi với một tấm lòng mà chẳng toan tính điều chi, cho chúng tôi một lần được ‘hòa mình’ với tâm tình của mẹ thánh Têrêsa Calcutta: vì yêu mà quan tâm phục vụ. Nhờ đó, chúng tôi như được tiếp thêm động lực trên con đường hiến dâng phục vụ:
Được xót thương, tôi tỏ lòng thương xót
Nhận may lành, tôi chẳng giữ riêng tôi.
Thầy Phêrô Nguyễn Hoàng Mạnh – Triết Học II