CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 11 – LỚP TRIẾT HỌC III – KHÓA XVII

CẢM NHẬN MỤC VỤ

Người ta vẫn sánh ví cuộc sống như một dòng chảy không ngừng của thời gian và các biến cố. Người môn đệ theo Chúa không hoàn toàn tách biệt khỏi thực tại thế gian nhưng cũng phần nào hoà mình vào dòng chảy cuộc đời. Mỗi sáng Chúa Nhật, anh em chủng sinh chúng tôi lại được sai đi, lại hoà vào dòng chảy tất bật và hối hả của cuộc sống để đến với tha nhân trong ngày thực tập mục vụ. Quả thực, những chuyến đi này luôn mang ý nghĩa đặc biệt và để lại cho chúng tôi những cảm xúc thật khó diễn tả. Khi ra đi và đến với tha nhân, chúng tôi có cơ hội được trải nghiệm và thấy cuộc sống thật phong phú đa dạng với nhiều dáng vẻ khác nhau.

Người môn đệ hoà vào dòng chảy cuộc đời để đến với tha nhân

Khi đi thực tập mục vụ, thỉnh thoảng vẫn có người hỏi vui: “Các thầy giúp mục vụ cho những đối tượng nào và trong thời gian bao lâu?” Khi đó, tôi chỉ cười đáp và lại rằng: “Chúng con được định hướng để thực tập mục vụ và tiếp xúc với nhiều thành phần khác nhau”. Quả thế, khi ngẫm lại, chúng tôi được sai đi và đến với nhiều đối tượng: các bệnh nhân, người già, người đau khổcác trẻ em, học sinh, sinh viên; người di dân, công nhân, dự tòng; mục vụ ơn gọi và truyền giáo, hôn nhân và cả những anh chị em lương dân... Như thế, giữa thế gian, chúng tôi được mời gọi trở nên chứng tá cho Chúa, trở nên cánh tay nối dài của Chúa để vươn đến mọi người. Thời gian này là dịp thuận tiện để chúng tôi hun đúc và rèn luyện hồn tông đồ của người mục tử theo gương Chúa Giêsu, bởi vì: “Toàn bộ nền đào tạo dành cho các ứng sinh linh mục đều nhắm đến việc tạo điều kiện một cách đặc biệt hơn cho các ứng sinh hiệp thông vào đức ái của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành. Trong mọi phương diện, nền đào tạo ấy phải mang một tính chất thiết yếu mục vụ” (Pastores Dabo Vobis, 57). Có người vẫn nói, người môn đệ theo Chúa là lội ngược dòng, nhưng tôi nghĩ, việc đi vào thế gian cũng là cơ hội để hoà mình với nhịp đập của tha nhân, để cùng trải nghiệm và cảm nhận, để mang lấy những tâm tình và thấu hiểu hơn cuộc sống của tha nhân. Đó là một những kinh nghiệm hữu ích sau này cho người mục tử khi lãnh nhận nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên được trao phó. Nghĩ đến đây, tôi lại tâm niệm và ý thức sâu sắc lời nhắn nhủ: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ.” (Gaudium et Spes, 1). Đúng vậy, giữa thế gian, người môn đệ không đứng ngoài cuộc, không bàng quan vô cảm nhưng mang lấy trái tim biết chạnh lòng thương của Chúa Giêsu mục tử-trái tim biết cảm thông, giàu lòng thương xót và nhân hậu. Đó chính là một phần ý nghĩa của chiều kích mục vụ trong công cuộc đào tạo. Sau khi rời chủng viện, chúng tôi sẽ được sai đi, đi vào cánh đồng truyền giáo của Chúa hay đúng hơn là đi vào dòng chảy cuộc đời. Tôi chợt nhớ và suy ngẫm về cách mà người ta vẫn hay gọi các cha: “linh mục triều”-những từ ngữ có vẻ đơn sơ nhưng rất ý nghĩa khi khái quát hoá và phần nào nói lên căn tính của ơn gọi mà chúng tôi đang hướng đến. Linh mục triều: “Sacerdos saecularis”- nghĩa là vị tư tế, vị linh mục ở giữa thế gian(theo tiếng Latinh: sacerdos là vị tư tế, giám mục hay linh mục; saeculum: thế giới, nhân loại). Người linh mục sống giữa thế gian, sống cho và sống với tha nhân để nên thánh trong đời phục vụ. Khi nhận thức được điều này, chúng tôi càng phải ý thức hơn và rèn luyện nhiệt thành hơn cho sứ vụ của mình hiện tại cũng như trong tương lai.

Người môn đệ hoà vào dòng chảy đức tin

Đến thực tập mục vụ tại các xứ đạo, chúng tôi-những chủng sinh triết III, phụ trách về giới thiếu nhi. Các phận vụ chính yếu là đồng hành với các em trong giờ lễ, chia sẻ việc dạy giáo lý hay tham gia các sinh hoạt TNTT cùng các em. Tại môi trường mục vụ giáo xứ, chúng tôi cảm nhận sâu sắc một dòng chảy đức tin thật sống động và mạnh mẽ. Mỗi lần tham dự thánh lễ cùng các em và cộng đoàn, tôi thấy một sự đánh động mạnh trong tâm hồn. Đó là một cộng đoàn quy tụ tất cả các thành phần khác nhau: người già có, trung niên có, những người trẻ và cả các em thiếu nhi nữa…họ khác biệt nhau về tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ…tuy nhiên, điểm chung gắn kết họ nơi đây và giờ này là ĐỨC TIN. Những người đi trước là ông bà, cha mẹ không chỉ sống đức tin nhưng còn truyền lại, nêu gương cho con cháu các thế hệ để tạo nên một dòng chảy liên tục. Dòng chảy đức tin đó đã và sẽ còn tiếp nối cách mạnh mẽ cho dẫu có nhiều khó khăn thách đố. Trong dòng chảy đó cũng có bạn, có tôi và có những người khác nữa. Từ những cá thể đức tin nhỏ nhưng hợp lại tựa như nhiều nhánh sông hợp thành một dòng chảy lớn. 

Điều tuyệt vời hơn nữa là khi cùng đồng hành với các em thiếu nhi trong các giờ giáo lý và sinh hoạt. Các em được phân chia thành các khối giáo lý khác nhau theo tuỳ theo lứa tuổi với nội dung giáo lý phù hợp. Hạt giống đức tin là duy nhất nhưng được biểu lộ phong phú khi được gieo vãi vào tâm hồn các em cách tiệm tiến với những phương thế sư phạm khác nhau: từ những em lớp Ấu, lớp Chiên ê a tập đọc kinh, làm dấu, những em lớp Thiếu hay Nghĩa đồng thanh đọc giáo lý cho đến những em lớp Vào đời với những bài học trực quan về Phụng vụ, Kinh Thánh… Rảo quanh các lớp giáo lý và thấy được điều đó chúng ta sẽ có những ấn tượng riêng và đó cũng là cách từ bao thế hệ nay, đức tin được lưu truyền trong các xứ đạo. Thật đẹp đẽ làm sao khi những thế hệ đó sẽ tiếp tục lớn lên và hạt giống đức tin được gieo vãi sẽ đơm bông kết trái. Nhìn các em, kỷ niệm ngày xưa về các lớp giáo lý “gốc cây” lại ùa về trong tôi khiến tôi nhớ về những người đã dày công dạy dỗ hướng dẫn, đó là cha mẹ, cha xứ và hơn nữa là các anh chị Giáo lý viên huynh trưởng-những người đã góp phần sức vào dòng chảy đức tin cho các em thiếu nhi mà chúng ta sẽ luôn ghi nhớ. 

Người môn đệ hoà vào dòng chảy âm thầm của tinh thần hy sinh phục vụ

Thật vậy, để dòng chảy đức tin được chảy mãi thì cần nhiều yếu tố mà một trong số đó là tinh thần hy sinh phục vụ và sự quảng đại dấn thân. Tôi muốn nói đến gương phục vụ quảng đại và tận tuỵ của Cha xứ cùng các Giáo lý viên. Sự đóng góp to lớn đó mặc dù trong âm thầm nhưng lại không thể thiếu để góp phần thông truyền đức tin. Qua những lần tiếp xúc, trao đổi với Cha xứ, tôi thấy rõ được tinh thần trách nhiệm của người mục tử lo cho đoàn chiên. Với những chương trình, những kế hoạch để thăng tiến đức tin cho giáo dân và nhất là những bận tâm lo cho thiếu nhi, tôi nhận thấy những ưu tư và lo lắng cho thiếu nhi và giới trẻ-tương lai của giáo hội và xã hội. Cùng với đó, các anh chị Giáo lý viên cũng rất nhiệt tình và hăng say cộng tác. Có người là giáo viên, có người làm nghề buôn bán, có những GLV U50,U60 với kinh nghiệm lâu năm và có cả những người trẻ mới vào “nghề” …điểm chung giữa họ là sự nhiệt thành và lòng yêu mến thiếu nhi. Qua mỗi tuần mục vụ, chúng tôi được các anh chị giúp đỡ rất nhiều, được truyền cảm hứng để ngày càng hoàn thiện hơn và nhất là có được tinh thần hăng say, dấn thân phục vụ. Phía sau mỗi giờ lớp là bao công sức dọn bài khoá, tạm gác những ưu tư cơm áo gạo tiền của cuộc sống để đến nhà thờ, để đồng hành với các em. Khi nhìn vào đó, tôi nhận ra đó là gương sáng cho đời ơn gọi của mình mà chẳng phải đi xa để tìm kiếm. Trở về với lòng mình, tôi càng ý thức hơn về sứ mạng của mình để chuẩn bị những bài giáo lý tốt hơn,để hăng say và nhiệt thành hơn nữa cho sứ  vụ được trao phó. Khi đó, trong tôi trào lên một niềm vui khó tả khi chính mình được thông dự vào dòng chảy phục vụ hy sinh, được đóng góp chút ít vào việc thông truyền đức tin cho những em thiếu nhi dễ thương dễ mến nơi đây.

Những khó khăn và thử thách-rào cản của dòng chảy đức tin và sự hy sinh phục vụ

Quả thực, dòng chảy đức tin luôn thật đẹp nhưng đâu phải lúc nào nó cũng êm đềm. Dòng chảy đó vẫn bị đe doạ bởi những nguyên nhân khác nhau. Trước hết là các trào lưu lệch lạc và xu thế tục hoá ngày nay. Cuộc sống càng phát triển thì lại càng có nhiều người chối bỏ đức tin và gạt Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống của họ. Trong một thế giới đề cao vật chất và hưởng thụ, con người sẽ dễ bị ảnh hưởng và lôi cuốn vào những điều đó. Các em thiếu nhi cũng có thể bị tác động bởi điện thoại, máy tính, internet hay chủ nghĩa thần tượng hoá. Việc giáo dục và truyền tải đức tin xem ra là một thách đố không nhỏ và đòi hỏi nhiều nỗ lực. Thứ đến, những khó khăn trong việc tiếp cận với các em thiếu nhi, những nguyên nhân khách quan khác như thiếu cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học hay cả những bận rộnưu tư cho cuộc sống có lúc cũng là những trở ngại cần nhắc đến…tất cả đều là những vật cản đường khiến dòng chảy đức tin dường như bị khựng lại và chảy chậm đi. Tôi có cảm giác rằng những khó khăn đó không phải chỉ là lý thuyết thật sự nó đã ngấm vào và tác động đến người môn đệ. Trong hành trình phục vụ, cũng có lúc người môn đệ cảm thấy mệt mỏi hay xiêu lòng khi gặp khó khăn hay những thất bại; có những lúc ưu tư về trách nhiệm và bổn phận của mình. Đó là sự thật mà chúng tôi phải đối mặt nhưng nó không làm chúng tôi hoàn toàn gục ngã. Chính trong những khó khăn đó, tôi lại nhận ra rằng, chúng tôi không được phép bi quan nhưng đối diện cách can đảm và khám phá ra giải pháp cho vấn đề.

Ơn ban của Chúa -giải pháp và là trợ lực của người môn đệ

Đối diện với những trở ngại, giải pháp hữu hiệu nhất là xin ơn Chúa và trở về với Ngài trong niềm tin tưởng phó thác. Tôi nhớ câu nói của Mẹ Têrêxa Calcutta: “Chúng ta hãy là cây bút chì để Thiên Chúa viết điều gì Ngài muốn”. Như thế, chính Thiên Chúa mới là chủ còn chúng ta là công cụ trong tay Người. Việc mục vụ cho dù có khó khăn nhưng chỉ cần chúng tôi cố gắng hết sức và Thiên Chúa sẽ lo phần còn lại, bởi vì “mọi sự đều sinh ích cho ai có lòng yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8,28). Suy nghĩ như vậy khiến lòng chúng tôi thanh thoát và bình an. Chúng tôi cũng xác tín rằng dòng chảy ơn phúc của Chúa sẽ còn tuôn tràn mãi trên mọi sự và cũng trong Chúa, chúng tôi tìm được ý nghĩa và bảo đảm cho công việc của mình. Ý thức về sự giới hạn của bản thân giúp chúng tôi đến với Chúa qua cầu nguyện: cầu nguyện trước khi ra đi, trong khi thi hành phận vụ và sau khi trở về; cầu nguyện cho những người mà chúng tôi gặp gỡ,cho việc mục vụ được sinh hoa kết trái…Khi liên kết việc mục vụ với đời sống thiêng liêng, tôi càng thấy rõ hơn mối tương quan toàn vẹn giữa các chiều kích của việc đào tạo, thấy sự cần thiết của ơn Chúa và nhất là thấy rõ bàn tay yêu thương và quan phòng của Chúa trong dòng chảy cuộc đời, trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời của mỗi người.

Tóm lại, đối với chúng tôi, việc luyện tập và trau dồi chiều kích mục vụ không chỉ là bổn phận hay nghĩa vụ phải chu toàn, đúng hơn, đó là cơ hội để học tập và hoàn thiện, để trải nghiệm và làm đầy bản thân với các chiều kích hiện sinh của cuộc sống. Nhờ mục vụ mà chúng tôi cân bằng tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Mỗi ngày đi phục vụ, chúng tôi lại được sống lời mời gọi của ĐTC Phanxico “hãy ra đi và đến với vùng ngoại biên” để thực sự tháp nhập và mang lấy tâm tình của tha nhân-những người mà chúng tôi gặp gỡ. Trong mọi việc mục vụ, chúng tôi chỉ tâm niệm một điều là làm vinh danh Chúa và cầu xin Chúa Thánh Thần đồng hành và hướng dẫn, đó chính là tâm tình của lời kinh mục vụ mà chúng tôi vẫn đọc: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn và tác động trong mọi hoạt động tông đồ của chúng con, để mọi việc chúng con làm mang lại hoa trái thánh thiện và tôn vinh Chúa Ba Ngôi.Amen”

 

BVH – LỚP TRIẾT HỌC III

Comments are closed.