Mới đây, ngày 8 tháng 3, 2012, website của Vatican của Bộ Giáo lý đức tin đã đăng tải tài liệu “THEOLOGY TODAY: PERSPECTIVES, PRINCIPLES AND CRITERIA (Thần học ngày nay: những viễn cảnh, nguyên lý và tiêu chuẩn) của Ủy ban Thần học Quốc tế, dù rằng tài liệu dưới hình thức đặc biệt, in forma specifica, đã được phê chuẩn vào ngày 29 tháng 11, 2011. Bản dịch tiếng Việt đã xong và đang được duyệt lại để hoàn chỉnh tối đa, rồi sẽ trao lại cho Đức Cha chủ tịch để ngài cho xuất bản trong một thời gian ngắn sắp tới. Nay, tôi xin được giới thiệu đôi dòng tài liệu này nhằm cống hiến một số hướng dẫn cũng như những nét đặc trưng cho một suy tư thần học Công giáo.
Trước kia, Ủy ban Giáo Lý đức tin đã ra một chỉ thị về ơn gọi của thần học gia với tựa đề: Instruction on the ecclesial vocation of the theologian – Donum veritatis
(Instructio de Ecclesiali Theologi vocatione), ngày 24 tháng 5, 1990. Một tài liệu khác mang tính loại biệt hơn trong bối cảnh Á châu do Văn phòng về những quan tâm thần học (OTC) trực thuộc Liên hiệp Hội Đồng Giám Mục Á châu (FABC), phát hành một tài liệu: Methodology: Asian Christian Theology, tháng 5, 2000. Như thế, xét về vấn đề được bàn đến, tài liệu mới xuất bản cùng bộc lộ một quan tâm chung. Tất cả nhằm giúp cho các thần học gia Công giáo có những chuẩn mực để làm việc và phục vụ đức tin của Giáo hội.
Tài liệu mới này gồm ba chương: Thần học giả định việc chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa được tiếp nhận trong đức tin (chương 1); được thực thi trong sự hiệp thông với Giáo hội (chương 2); và nhắm đặt nền cho một lối tiếp cận có tính khoa học với chân lý của Thiên Chúa trong một chân trời là sự khôn ngoan chân thực (chương 3). Với ba chương này, tài liệu muốn khai triển điều mà Vatican II nói đến: Thánh kinh là linh hồn của Thần học, một Thánh kinh được truyền lại và sống động trong Giáo hội và nhờ Lời Thiên Chúa mà thôi, con người sẽ đạt được sự khôn ngoan đích thực.
Từ tư tưởng cốt lõi và xuyên suốt này, tài liệu nêu ra những nét đặc trưng làm cho một suy tư thần học đích thực thuộc về Giáo hội Công giáo. Làm thần học không phải là chạy theo óc tưởng tượng kỳ lạ của lý trí. Nhưng tiên quyết là chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, và một khi đã làm thế, thần học chuyển đạt sự tìm tòi đó cho Dân Chúa. Thần học Công giáo khởi từ nhãn quan đức tin và làm tăng trưởng đức tin, bằng cách tìm hiểu đức tin. Đây không phải là một sự tìm hiểu tầm thường; nhưng có thể nói, đó là cách thưởng nếm trước sự “hưởng kiến Thiên Chúa” với niềm khao khát Thiên Chúa mà con người mang trong mình. Đánh mất chiều kích này, thần học gia dễ rơi vào cạm bẫy của tự mãn và kiêu ngạo. Chính vì thế, cầu nguyện tất yếu trở thành nơi chốn của thần học.
Thần học gia không sống cô lập trong tháp ngà của lý trí. Phải hơn, thần học gia sống sâu xa mầu nhiệm Giáo hội như sự hiệp thông. Điều ấy có nghĩa gì? Tài liệu cho ta câu trả lời: Dựa trên Lời Thiên Chúa như linh hồn của mình, thần học giúp kiện cường sự trung thành với Truyền Thống Tông Đồ mà tối hậu là chính Đức Kitô được các Tông đồ truyền lại. Đây là một lối nhìn rất hay để hiện thực điều mà Đức Phaolô VI: Giáo hội nhất thiết phải nhìn ra điều gì là không thể thay đổi trong Giáo hội và điều gì là con đẻ của một thời đại và văn hóa, nói tắt, của con người, dù đã ngấm rất sâu vào Giáo hội. Như thế, thay vì đặt sóng đôi Thánh kinh và Truyền thống sống động, tài liệu mãnh mẽ nói đến cả hai đều xuất từ một nguồn duy nhất, như hai nhánh của một dòng sông. Theo ánh sáng đó, tài liệu nhấn mạnh đến cảm thức đức tin, hay cảm thức của các tín hữu. Tài liệu bàn đến điều này trước cả khi bàn đến huấn quyền và sự truy tìm thần học mà hàm ý rõ ràng là chúng phải nhằm phục vụ cho cảm thức đức tin của Dân Chúa được lớn mạnh.
Nhưng tài liệu cho thấy thần học không phải là quyền giáo huấn. Tài liệu tóm kết rất hay như sau: “Thần học khảo cứu và nối khớp đức tin của Giáo hội, còn huấn quyền Giáo hội công bố và giải thích đức tin ấy cách chân chính.” (số 38) Cả hai có chỗ đứng riêng và cần kính trọng lẫn nhau, để không làm biến mất ân sủng riêng của mình. Tài liệu viết: “Các giám mục và nhà thần học có những ơn gọi khác nhau, và phải kính trọng thẩm quyền đặc thù của nhau, trừ phi huấn quyền giản lược thần học vào một kiến thức lặp lại suông hay các thần học gia cả gan thay thế chức vụ giảng dạy của những mục tử của Giáo hội.” (số 37) Qua đó, thần học không bao giờ lấn át, coi thường và chống lại huấn quyền hoặc cũng không phải “nói lại” huấn quyền như con vẹt, theo lối nói của Việt Nam chúng ta.
Vậy đâu là “vinh quang” của thần học? Tài liệu xác định rõ ràng thần học thường phải làm việc trong những tuyến đầu để phục vụ các tín hữu, nên thần học gia thấy mình có bổn phận “phải nghiêm chỉnh khảo sát những diễn đạt của lòng đạo đức bình dân, những trào lưu tư tưởng mới và những phong trào mới trong Giáo hội.” (số 35) Thần học hỗ trợ cách tốt đẹp cho huấn quyền giáo hội. Trong việc này, các thần học gia giúp nhau bẳng sự phê bình huynh đệ và xây dựng, quả là đáng khích lệ. Đó là thực hành đã có từ thời xa xưa trong Giáo hội. Cũng thế, thần học được mời gọi cởi mở đối thoại với thế giới, lợi dụng tốt đẹp những đóng góp của các khoa học nhân văn. Nhưng đồng thời, thần học cũng phải đủ phê phán hầu không mất đi căn tính biệt loại của mình.
Trong phần thứ ba, tài liệu trình bày cho chúng ta tính duy nhất trong đa dạng và tính đa dạng trong duy nhất mà thần học có được. Thế quân bình này cần phải giữ vững, nếu thần học muốn là chính mình và giúp ích cho giáo hội. Thần học có thể mang đến một sự khôn ngoan đích thật, vượt xa nhưng không hủy bỏ sự khôn ngoan nhân loại được thể hiện trong triết học. Sự khôn ngoan ấy đến từ lý trí được đức tin soi sáng và được thể hiện qua một phương pháp gồm con đường tam diện: via negativa, via affirmativa và via eminentiae.
Tài liệu cho chúng ta thấy rõ thần học phải giúp chúng ta ngày một kinh ngạc trước Mầu Nhiệm Thiên Chúa ngày một hơn. Tài liệu viết: ” Mầu Nhiệm Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Giêsu Kitô bởi quyền năng Thánh Thần là một mầu nhiệm của ekstasis, tình yêu, hiệp thông, sự cư ngụ trong nhau của Ba Ngôi Vị Thần linh; một mầu nhiệm của kenosis, sự tự hủy, nghĩa là, việc Đức Giêsu từ bỏ hình thức của Thiên Chúa trong sự nhập thể của Người, để mặc lấy hình hài của nô lệ (x. Pl 2,5-11); và một mầu nhiệm của theosis, con người được gọi thông phần vào sự sống của Thiên Chúa và chia sẻ “bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4) qua Đức Kitô, trong Thần Khí.” (số 98) Thần học mở rộng chúng ta đến ca ngợi và tạ ơn. Đó là dự thế nội tâm đích thực mà bất cứ thần học gia nào cũng phải vun trồng liên lỉ.
MỘT VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TÀI LIỆU
Dẫu không có sức nặng huấn quyền, tài liệu vẫn có giá trị để hướng dẫn những thần học gia, như được xác định ngay từ ban đầu. Trong ánh sáng đó, tài liệu tóm tắt lại cho độc giả những yếu tố làm nên tính đặc trưng của thần học Công giáo. Những số 9,15, 24, 32, 36, 44, 50, 58, 73, 85, và 99 đáng chúng ta ghi nhớ, vì qua đó ta nhận ra được những nét đặc trưng của một thần học đích thật là Công giáo.
Cùng với chỉ thị về ơn gọi của thần học gia theo chiều kích giáo hội, tài liệu này cho thấy tầm quan trọng thật sự của thần học trong thế giới hiện nay, với sự thay đổi về văn hóa và sự đóng góp về lối thiêng của các tôn giáo khác. Do đó, tài liệu rất cởi mở với những đóng góp của các khoa học. Tài liệu kêu mời các thần học gia lợi dụng những kết luận tốt đẹp của chúng. Tài liệu nhấn mạnh đặc biệt hơn đến sự đóng góp của triết học cho thần học. Tài liệu cho thấy rằng chẳng thể có sự trái nghịch và mâu thuẫn giữa chân lý khoa học và thần học, vì cả hai đều đến từ TC sáng tạo và cứu chuộc.
Hơn hết, tài liệu cho thấy thần học nảy sinh từ tình yêu và năng động lực của tình yêu. Thần học gia phải khao khát, yêu mến Thiên Chúa được sống động trong cộng đoàn Giáo hội như Dân Thiên Chúa và như Thân mình Đức Kitô trong sự đáp ứng những câu hỏi nền tảng của con người, với niềm tạ ơn. Một cách cụ thể cho điều này, tài liệu muốn in khắc vào các thần học gia niềm say mê Thánh kinh. Đó chính là linh hồn của thần học. Nhưng đây không phải là một thái độ chỉ có Thánh kinh mà thôi. Tài liệu cho thấy mối tương quan chặt chẽ Thánh kinh, Truyền thống Tông đồ và sống động cũng như huấn quyền. Không thể có hai nguồn chân lý thì cũng sẽ không thể có hai quyền giáo huấn sóng đôi: quyền giáo huấn của thần học gia và huấn quyền giáo hội. Và cả thần học gia lẫn mục tử đều phải ở dưới cũng như phục vụ cho Lời Thiên Chúa mà thôi, vì phần rỗi anh chị em tín hữu của mình. Trong công việc này, thần học gia “phải phân định nơi chính mình cội rễ và đồng cơ cho thái độ phê bình của mình và cho phép khóe nhìn của mình được đức tin tinh luyện. Sự cam kết cho thần học đòi hỏi một nỗ lực thiêng liêng để tăng trưởng trong nhân đức và thánh thiện.” (Chỉ thị, số 9).
Tài liệu luôn mong muốn có một sự “thuận buồm xuôi gió” giữa huấn quyền giáo hội và thần học gia. Tài liệu mong ước hai bên hằng bổ sung nhau và kính trọng nhau, vì điều ấy mang lại lợi ích cho toàn Giáo hội. Tài liệu minh định “‘sự bất qui phục’ đối với huấn quyền không có chỗ trong thần học Công giáo” (số 41). Tuy thế, khi gặp phải sự bất thuận trong khóe nhìn giữa đôi bên, trước tiên, tài liệu nhìn sự việc một cách tích cực khi trích dẫn John Henry Newman về sự khác biệt ấy “nằm trong bản tính của vụ việc.” cũng như nói đến tài liệu 1975 của Ủy ban Thần học Quốc tế (UBTHQT) về sự căng thẳng giữa thần học gia và huấn quyền: “”Bất cứ ở đâu có sự sống chân chính, sự căng thẳng luôn có mặt” (số 42). Điều ấy mời gọi đối thoại theo hai qui luật: tính duy nhất của chân lý (unitas veritatis) và tính duy nhất của đức ái (unitas caritatis). Tận sâu thẳm, thần học gia hãy xác tín: “đối với một tinh thần trung thành, được sinh động bởi tình yêu đối với Giáo hội, một tình trạng [mâu thuẫn] như thế minh chứng một thử thách khó khăn. Đó có thể là một lời kêu gọi đau khổ vì chân lý, trong thinh lặng và cầu nguyện, nhưng với sự chắc chắn, rằng nếu chân lý thật sự bị đe dọa, thì rốt cục chân lý sẽ thắng.” (Chỉ thị, số 31)
Tài liệu cũng lược qua cho chúng ta tiến trình lịch sử của thần học và cũng tinh tế cho chúng ta những khúc quanh của thần học. Có những thời thần học được coi như một thứ tôn vinh lý trí và bỏ qua Thánh kinh, cũng như có những thời thần học bị coi như không xứng với danh từ khoa học. Tài liệu nhìn thần học với sự khôn ngoan, sự khôn ngoan của thập giá. Điều ấy bộc lộ qua sự trao qua đổi lại nhuần nhuyễn giữa con đường phủ định (via negativa), con đường xác định (via affirmativa) và con đường cao vời (via eminentiae). Như thế, tài liệu muốn tìm thấy một thần học được liên kết chặt chẽ với đời sống thiêng liêng, tạo ra những sáng tạo mục vụ. Tài liệu cho thấy tối hậu Thần Khí vẫn đủ quyền năng để làm cho thần học thức tỉnh và các thần học gia tìm gặp lại bổn phận, trách nhiệm, sự cao quí cũng như sự giới hạn của chính mình. Thần học rốt cục được sánh ví với “hưởng kiến” cho những tín hữu hằng khao khát Thiên Chúa, đi tìm Ngài nhờ chính những phương thế Thiên Chúa đặt vào tay họ. Thần học mang đến một sự kinh ngạc của đức tin khi đắm mình trong sự chiêm niệm mầu nhiệm Thiên Chúa, một mầu nhiệm tự hủy và tự hạ của một Thiên Chúa là tất cả tình thương, để đưa tới một mầu nhiệm kết hiệp, theosis, làm chúng ta nên như Thiên Chúa.
KẾT LUẬN
Có lẽ, khủng hoảng của suy tư thần học ngày nay không phải ở tính nghiêm túc của suy tư. Khủng hoảng đó theo tôi ở một chỗ khác sâu xa hơn. Ngày trước, các thần học gia thường là những vị thánh (như Tôma, Âu tinh, Anselmô, John Henry Newman, v.v). Ngày hôm nay Giáo hội đang cần biết bao những thần học gia miệt mài chạy trên đường huấn lệnh của Chúa và thật sự chỉ nói lên Thiên Chúa ngọt ngào và thiện hảo biết bao. Giáo hội cần một thần học mang tính khả tín, chứ không chỉ là nền thần học chạy theo một số xu hướng nhân loại.
Theo nghĩa này, tài liệu Thần học ngày nay có thể cho các thần học gia cũng như những sinh viên những định hướng nền tảng. Chính vì thế, như nhà linh thị Gioan trong Khải huyền được nhắc nhủ: “cầm lấy mà ăn” (Kh 10, 8-11) và thánh Âu tinh được nhủ thầm: “hãy lấy mà đọc” thì kết luận của tôi cho những ai muốn biết thần học Công giáo có những nét đặc trưng nào cũng là: hãy cầm lấy tài liệu và đọc. Thật đơn giản nhưng thiết yếu.
Lm Giuse Nguyễn văn Am
Nguồn:giaolyductin