Bài giảng lễ của Cha GioanBaotixita –Phó Giám đốc ban thần học ĐCV Xuân Lộc – trong thánh lễ mừng 22 năm Linh Mục của Cha Giám đốc Giuse Đệ Đoàn Viết Thảo và Cha Phó Giám đốc ban triết học Đaminh Nguyễn Trí Dụng

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ thân mến,

Hôm nay là ngày 22 tháng 9, kỷ niệm 22 năm ngày Cha Giám đốc Giuse Đệ Đoàn Viết Thảo và Cha Phó Giám đốc Đaminh Nguyễn Trí Dụng thụ phong linh mục. Chúng ta vui mừng hiệp với hai cha tạ ơn Chúa về ngày đáng nhớ này.

Trong những ngày này, chắc chắn Cha Giám đốc Giuse Đệ và Cha Phó Giám đốc Đaminh đã suy niệm lâu giờ về hành trình hai ngài tiến đến chức linh mục : tiếng gọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, sự đáp trả quảng đại của các ngài, những năm tháng miệt mài ngày xưa trong chủng viện, những chuỗi ngày chờ đợi mỏi mòn trong một hoàn cảnh bấp bênh, vô định, cái ngày không thể nào quên là hôm chịu chức linh mục, những kinh nghiệm đầu đời mục vụ, những an ủi và những khó khăn trong từng ngày sống của 22 năm qua… Biết bao điều để gẫm suy. Bởi đó, thật dễ hiểu, lúc này, tâm hồn của hai cha chắc chắn đang quy hướng mãnh liệt về Chúa Giêsu với lời tạ ơn đặc biệt, vì Chúa đã chọn các ngài để cho các ngài tham dự sâu đậm vào sứ mệnh của Chúa.

Chúng ta cầu xin Chúa cho hai cha ngày càng sống sung mãn những phong phú của chức linh mục, bằng cách nhớ lại lời của thánh Tông đồ Phaolô khuyên nhủ Timôthê : “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh” (1 Tim 4, 14). Chúng ta xin Chúa giàu lòng thương xót đã thương xót chọn các ngài lên chức linh mục, luôn làm phát sinh hiệu quả của ơn thánh chức linh mục nơi các ngài cho thiện ích của Hội Thánh, vốn luôn trông chờ các linh mục của mình có được những chứng từ liên tục và rõ ràng, bằng một đời sống hoàn toàn hiến mình cho vinh quang của Thiên Chúa và việc xây dựng các tâm hồn.

Cách riêng anh em chủng sinh rất thân mến,

Hằng năm ở chủng viện chúng ta diễn ra nhiều lễ tạ ơn về kỷ niệm thụ phong linh mục của các cha giáo. Những lễ tạ ơn này, như lễ tạ ơn hôm nay đây, thường để lại hoặc khơi gợi nơi anh em điều gì, nếu không phải là niềm khao khát được làm linh mục của Chúa, đến độ, có thể nói : có những anh em vẫn thầm thĩ với Chúa rằng : “Lạy Chúa, có ngày ấy cho con không ? Có ngày con được Chúa thương cho làm linh mục của Chúa không ?”

Anh em cứ hỏi Chúa như vậy đi, và tôi tin chắc Chúa sẽ vội trả lời anh em rằng “Có chứ ! Tại sao không?” Nhưng làm sao để niềm khao khát của anh em được thỏa mãn, nếu không phải là cần nỗ lực tu luyện như anh em đang được hướng dẫn, trong đó có một việc cần được quan tâm đặc biệt, đó là nhận thức cho đúng về chức linh mục để hành động cho đúng : Linh mục không phải là một nghề, mà là một sứ mệnh.

Linh mục không phải là một nghề
Nghề nghiệp thường được hiểu là phương tiện để kiếm tiền. Như vậy, một nghề chỉ được trả lương kém hoặc kiếm được ít tiền thì người ta sẽ ngại chọn nó ; nếu đã lỡ chọn, thì người ta sẽ tìm cách bỏ nó, chấp nhận thất nghiệp rồi đi tìm việc khác…

Nếu coi chức linh mục là một nghề, người linh mục sẽ không sẵn sàng làm theo bài sai của Đức Giám mục để đi đến những vùng, những miền, những xứ… nghèo nàn, ít bổng lộc, không dâng biếu, chẳng có ai xin lễ… Coi chức linh mục là một nghề, người linh mục, khi làm việc mục vụ, sẽ dễ bị cám dỗ tìm cách vơ vét, ky cóp bằng đủ mọi hình thức … Coi chức linh mục là một nghề, người linh mục sẽ làm việc như một công chức, làm việc theo giờ hành chánh, chỉ làm 8 giờ một ngày, đúng giờ mới mở cửa văn phòng, và hết giờ là đóng cửa ngay… Lúc đó, linh mục không thể có cái tâm, không thể có tấm lòng với các linh hồn, với giáo dân được trao phó cho mình ; linh mục sẽ không dễ chấp nhận cho ai quấy rầy mình ngoài giờ quy định, cũng không sẵn sàng đi kẻ liệt bất cứ lúc nào, nhất là trong bữa ăn hay đang khi ngon giấc… Coi chức linh mục là một nghề, người linh mục sẽ rơi vào cảm giác bị thất nghiệp, do sự kiện giáo dân, vì lý do nào đó, không đến nhà thờ, không cần đến linh mục… Lúc đó, linh mục sẽ thấy mình hiện diện thừa thãi, vô ích. Và cảm giác sống thừa sẽ làm cho linh mục rơi vào khủng hoảng căn tính, để rồi muốn cởi áo ra đi…

Linh mục là một sứ mệnh
Chức linh mục là một sứ mệnh, chứ không phải là một nghề để kiếm tiền. Không chỗ nào trong Phúc âm cho thấy Chúa Giêsu coi chức linh mục là một nghề kiếm sống. Việc Ngài dùng tiếng ‘lưới người’ khi kêu gọi các môn đệ : “Các anh hãy đi theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (Mt 4, 19) cho thấy việc đi theo Ngài là để chuẩn bị cho một sứ mệnh : sứ mệnh ‘lưới người như lưới cá’, sứ mệnh cứu nhân độ thế. Sứ mệnh này hiện nổi rõ nét trong ngôn từ Chúa dùng khi phong chức linh mục cho các Tông đồ : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” và khi Chúa sai các ông đi truyền giáo : “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19). Nhóm chữ “Các con hãy…” cho thấy một lời mời gọi, chứ không ép buộc, một sự phong nhậm, chứ không tiếm đoạt. Và mời gọi và phong nhậm là vì một sứ mệnh : sứ mệnh linh mục.

Nói cách vắn gọn, thì hoạt động hằng ngày của một linh mục là : dâng lễ, cầu nguyện, thực thi lòng thương xót, cử hành các bí tích, đón tiếp những người lầm đường lạc lối, những nạn nhân của nghèo đói vật chất, loan báo Đấng là Bánh hằng sống.

Tìm hiểu sâu hơn về sứ mệnh của linh mục, ta thấy linh mục được kêu gọi giữa cộng đoàn và được đặt riêng ra, được thánh hiến để phục vụ dân Thiên Chúa. Trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô là Hội Thánh, linh mục được truyền chức để trở thành dụng cụ cho Đức Kitô là Đầu được hiện diện ; linh mục có nhiệm vụ quy tụ cộng đoàn, là quản lý của Thiên Chúa (x. 1 Cr 4, 1), linh hoạt hóa các nỗ lực truyền giáo của các Kitô hữu. Qua thừa tác vụ của linh mục, cộng đoàn tín hữu được xây dựng trên đá góc là Đức Kitô. Với lời được trao phó cho linh mục, Đấng Cứu Thế hiện diện, nói ra lời cứu độ, hiến mình làm lương thực như bánh hằng sống, hòa giải và tha thứ, liên kết các thành viên khác nhau vào cùng một sự hiệp thông.

Thực tế vẫn cho thấy : các tín hữu thiếu vắng sự hiện diện thường xuyên của linh mục đều cảm thấy cộng đoàn của mình bị hụt hẫng sao đó, vì chức tư tế chung của các người được rửa tội không thể là sự tham dự đầy đủ vào hy lễ tình yêu của Đức Kitô. Nên cần qua trung gian của người đã nhận lãnh nhiệm vụ hoàn tất cho anh em mình những dấu chỉ ân sủng của Chúa, là các bí tích. Linh mục có sứ mệnh dẫn đưa cộng đoàn Thánh Thể vào kinh nguyện, loan báo Tin Mừng, công bố kinh nguyện ngợi khen, trong đó, Đức Kitô hiện thực hóa dưới hình bí tích, hy lễ toàn hảo. Linh mục có sứ mệnh trao ban bánh hằng sống để kiến tạo sự hiệp thông, và sai phái mọi người đi truyền giáo. Vì Thánh Thể làm nên Giáo Hội, cho nên vai trò không thể giản lược của linh mục trong hành động phụng vụ là dấu chỉ về toàn bộ sứ mệnh của ngài để phục vụ cộng đoàn.

Nếu phải nêu lên phần chính yếu của thừa tác vụ linh mục, ta có thể nói : sứ mệnh đó hệ tại việc khích lệ, cổ vũ, khơi gợi, điều phối và nâng đỡ các hoạt động của các tín hữu trong nhiều lãnh vực khác nhau của ơn gọi của họ phát sinh từ bí tích rửa tội.

Chủng sinh chuẩn bị gì để lãnh nhận sứ mệnh linh mục ?
Có nhiều việc chủng sinh cần làm để chuẩn bị lãnh nhận sứ mệnh linh mục. Trong ít phút vắn vỏi này, tôi chỉ xin anh em hãy luôn nhớ mình là Người, Người nam, Nam tu, Tu ở ĐCV-XL, và Tu làm linh mục Giáo phận.

Nhớ mình là NGƯỜI, được Chúa ban cho có lý trí và ý chí : anh em cần tập luyện nhận thức đúng, ý thức mạnh (Lý trí) ; và rèn luyện lòng muốn, muốn đúng, muốn thật, muốn mạnh (Ý chí).

Nhớ mình là NGƯỜI NAM, là đàn ông, con trai, anh em cần rèn luyện nam tính thật…

Nhớ mình là NAM TU, là thanh niên đi tu, không còn là thanh niên đời, anh em cần dẹp bỏ những gì là đời, là thế gian, không hợp với Chúa.

Nhớ mình là Chủng sinh của ĐCVXL : anh em cần tập luyện thành thục việc nối nguồn Giêsu, rèn luyện đến cảm nghiệm hạnh phúc trong ơn gọi và nhiệt thành trong sứ vụ…

Nhớ mình là người tu để làm linh mục Giáo phận, mà con đường nên thánh của linh mục Giáo phận là Đức Ái Mục Tử – Đức Ái mục vụ, anh em cần tận dụng những dịp thực tập mục vụ, cụ thể mục vụ ngày Chúa Nhật, để có được Đức ái của người mục tử, Đức ái khi làm mục vụ.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến,

Ngày xưa Chúa Giêsu đã nhắc khéo người phụ nữ Samaria : “Nếu chị biết ơn Chúa”, bây giờ chúng ta nhớ đến kinh nghiệm của người phụ nữ này để làm thật tốt việc tạ ơn Chúa với hai cha mừng kỷ niệm thụ phong linh mục hôm nay. Amen.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ

Comments are closed.