BÀI CẢM NHẬN NGÀY CHÚA NHẬT MỤC VỤ THÁNG 12 – LỚP TRIẾT HỌC II – KHOÁ XVIII

Tên Thánh, Họ và Tên: Phanxicô X. Đoàn Cao Thăng                                    Lớp: Triết II, Khoá: XVIII

.

BÀI CẢM NHẬN NGÀY CHÚA NHẬT MỤC VỤ

    Bước sang năm học thứ hai tại Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Xuân Lộc, tôi đã có những cơ hội để trải nghiệm trong học kỳ I (năm học 2023 – 2024), với nhiều điều thú vị và thực sự ý nghĩa khi tôi được tiếp cận mục vụ tại Mái Ấm Phan Sinh.

Vào đầu năm học mới, ở trong lớp chúng tôi, thầy lớp trưởng bắt đầu lên kế hoạch chương trình đi mục vụ vào ngày Chúa Nhật cho từng anh em và vì đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, điều đó khiến cho tôi tò mò và tôi đã chủ động đăng ký ghi danh với thầy lớp trưởng để xin đi Mái Ấm Phan Sinh. Tôi được nghe các thầy khoá trên kể lại trong những lần đi dạo sau giờ cơm tối đã từng đi mục vụ tại Mái Ấm này với những trải nghiệm mà tôi coi là những kinh nghiệm hữu ích cho cuộc đời của tôi sau này. Khi ngày đầu tiên di chuyển đến Mái Ấm Phan Sinh, lòng tôi có hơi chút bồn chồn và muốn đến đó thật sớm để xem nơi này như thế nào, Mái Ấm toạ lạc nơi Giáo xứ Bùi Chu, gần chợ Song Mây (ngã ba Trị An rẽ vô) cách Đại Chủng Viện Xuân Lộc tầm 40 cây số. Tôi thấy vinh dự khi được chọn làm nhóm trưởng trong 14 anh em trong lớp (thuộc nhiều Giáo phận khác nhau) nên tôi phải có nhiệm vụ điều phối công việc cho anh em. Lúc tôi đặt chân đến Mái Ấm, một hình ảnh hiện ra trong tâm trí của tôi: một ngôi nhà lớn ở giữa với nhiều căn phòng được nối kết vào nhau khiến cho tôi cảm nhận được Tình Yêu của Chúa luôn bao phủ cho những bệnh nhân khốn khổ nơi đây. Thầy Châu (người sáng lập Mái Ấm ), là một con người đạo đức, mang tinh thần Bác ái Kitô giáo đến với tha nhân, luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho nhóm chúng tôi trong các công tác phục vụ ở nơi này, tôi cũng rất biết ơn sâu xa và một cách nào đó, tôi đã học được rất nhiều về tấm gương hy sinh của thầy Châu về sự tận tuỵ dành cả đời để phục vụ bệnh nhân đau yếu.

    Mái Ấm Phan Sinh gần 250 người bao gồm: những bệnh nhân khuyết tật, người bại liệt, người mắc bệnh tâm thần, anh chị em bại não, người già neo đơn,…tôi thấy đủ mọi thành phần, từ trẻ em sơ sinh tới người già, tôi đã có dịp tiếp xúc và trò chuyện với họ, đặc biệt là những người có khả năng tỉnh táo, trong khi nói chuyện, tôi cảm thấy một thứ gì đó như những tia sáng loé lên nơi tâm hồn của họ, khiến họ luôn có những khát khao, những ước mơ và hy vọng để sống một cuộc đời của một người bình thường nhất (có gia đình, có cha mẹ, có người thân quan tâm,…) được nghe như vậy, tôi cảm thấy rất xúc động, cảm xúc dâng trào trong con tim tôi không ngừng trân trọng những tâm tình chia sẻ của họ. Tôi luôn thầm nhủ rằng, tôi đã học được phần nào đó từ nơi Chúa Giêsu Mục Tử luôn hết mình chăm sóc cho đoàn chiên (khiêm nhường và phục vụ) để đến đây không chỉ với tư cách là ông thầy đến dạy giáo lý, chia sẻ nhưng tôi đến nơi Mái Ấm với tư cách là người phục vụ, chăm sóc cho những bệnh nhân đang gặp đau khổ này, tôi cũng đang cố gắng để giúp cho những bệnh nhân có đạo Công Giáo hay những người theo tôn giáo khác (hoặc không theo đạo nào) ít nhiều cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa hoặc một Đấng Nhân Lành dành cho họ và quan tâm tới họ để họ không còn cảm thấy lạnh lẽo nơi tâm hồn, để họ luôn cảm thấy được niềm vui, bình an và hạnh phúc trong cuộc đời. Cách riêng công việc của tôi cũng nằm trong mảng các anh chị em bại não, giúp cho các bệnh nhân này hít thở không khí dễ chịu nhiều hơn khi chúng tôi bế họ ra sân hiên phía ngoài để chơi, có nhiều anh chị em bị teo tay chân, teo não và bị bệnh đao, mắt mờ,…tuy các anh chị em bị yếu về thể xác nhưng phần lớn tâm trí của các anh chị em còn sáng suốt và vẫn hiểu được những điều mà tôi đã trò chuyện với các anh chị em bại não này, đây là lúc tôi cảm thấy rằng các công việc thực sự có giá trị và ý nghĩa khi cho đi mà không toan tính bất cứ điều gì.

    Tại nơi Mái Ấm Phan Sinh, tôi có dịp tiếp xúc nhiều phái đoàn thiện nguyện đến để giúp đỡ về lương thực cũng như yếu phẩm cần dùng cho Mái Ấm, với những phái đoàn không phải là Công Giáo, tôi có nhờ 2 thầy đại diện dẫn các phái đoàn đến thăm từng mảng và giúp họ hiểu hơn về cuộc sống của các bệnh nhân, sau đó có thể hướng dẫn cho họ làm các công tác của chúng tôi vẫn làm hàng tuần, còn các phái đoàn là Công Giáo (quý tu sĩ nam nữ, giới trẻ, thiếu nhi, các bạn sinh viên,…) cũng làm tương tự như thế nhưng chỉ khác một chút là tôi có mời họ vào nhà nguyện để cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể sau giờ phục vụ các bệnh nhân, để phái đoàn được gợi lên hay đọng lại vài tâm tình trải nghiệm quý giá. Tôi cũng được nghe những chia sẻ một vài phái đoàn thiện nguyện và tôi thấy hầu hết có chung một điểm là cuộc sống này thực sự cần nhiều tấm lòng rộng mở với trái tim thương xót để đón nhận những người đau khổ. Tất cả những điều trên đây đã đúc kết một kinh nghiệm dầy đặc cho tôi về công việc mục vụ người già, bệnh nhân và người nghèo cho sứ vụ tương lai của tôi, tôi cảm nhận được hình ảnh Chúa Kitô qua những con người này và phục vụ họ như chính phục vụ Chúa Kitô, và khi phục vụ họ, chắc chắn một điều rằng, chúng ta chẳng mất điều gì cả mà còn tăng thêm giá trị cuộc sống làm cho chúng trở nên có ý nghĩa hơn.

Comments are closed.