BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 12 – LỚP TRIẾT HỌC II – KHOÁ XVIII

Lớp Triết II – Khóa 18

Phaolô Mỹ – Bùi Minh Tuấn

.

BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ

“Học đi đôi với hành” là điều rất quan trọng để có thể mang lại một công cuộc đào tạo hiệu quả. Quả thế, chương trình đào tạo của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc đã và đang cố gắng thực hiện tốt châm ngôn ấy. Ngoài chiều kích tri thức qua những giờ học trên lớp, chúng tôi còn được đào tạo và huấn luyện ở chiều kích mục vụ, để từ đó hun đúc hơn động lực ơn gọi của bản thân và thu nhặt được nhiều kinh nghiệm thiết thực làm hành trang cho sứ vụ linh mục tương lai.

Với chương trình đào tạo của năm Triết II, tôi có cơ hội được tiếp cận mục vụ, cách cụ thể, qua việc viếng thăm những người già yếu, bệnh tật vào mỗi Chúa Nhật hàng tuần. Qua những lần gặp gỡ đó, tôi đã có cho mình biết bao ưu tư không chỉ cho sứ vụ tương lai mà còn cho chính đời sống tu luyện hiện tại: Nếu là một linh mục của Chúa, tôi sẽ làm gì? Trong bài cảm nhận mục vụ này, tôi xin chia sẻ về một vài cảm nghiệm mà chính bản thân tôi đã có được qua những lần thăm viếng đó.

Dẫu biết rằng sinh ra trong thân phận con người thì đau khổ, bệnh tật và cái chết là những điều không thể tránh khỏi. Dẫu thế, tôi lại thấy những điều đó là còn quá xa vời khi tuổi đời còn trẻ và sức khỏe còn tốt. Thế nhưng, qua những lần thăm viếng những người già yếu, bệnh tật, đau khổ đã thức tỉnh tôi và giúp tôi ý thức mạnh mẽ hơn về sự hữu hạn của đời người. Một điểm chung của hầu hết những người mà tôi viếng thăm là chính họ đã cảm nghiệm rất rõ ràng về cái chết của chính mình đang gần đến. Họ cầu nguyện liên lỉ hơn, gắn kết những đau khổ đời mình với mầu nhiệm thập giá của Chúa Kitô hơn, họ bình an khi phó thác đời mình và sống niềm trông cậy vào Chúa hơn. Chính nhờ những cảm nghiệm đức tin ấy mà tôi nhận thấy đức tin nơi họ thực sự sống động. Những hình ảnh đó đã gợi lên trong tôi rất nhiều suy nghĩ. Dù giàu hay nghèo, dù ở địa vị nào, dù khỏe đẹp hay ốm yếu thì một ngày nào đó, mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với cái chết. Cả đời có cố gắng giang tay để ôm lấy tất cả tiền tài, địa vị, danh vọng, thì đến cuối đời, đôi bàn tay yếu ớt ấy cũng chẳng thể nắm giữ bất cứ điều gì. Chỉ có một điều mà ta có thể trông chờ và tin rằng: “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”, tin vào một Thiên Chúa giàu tình thương luôn sẵn sàng tha thứ tội lỗi và đón nhận mọi người vào cõi sống vĩnh hằng. Chính điều đó đã trở nên niềm hy vọng và điểm tựa cho họ trong lúc tuổi già, bệnh tật và khổ đau. Qua những suy tư trên, tôi ý thức hơn về sự hữu hạn của đời người để biết cố gắng sống hết mình với giây phút hiện tại. Vì ta chỉ có một đời để chuẩn bị cho sự sống đời đời mà thôi. Tôi cũng nhận ra mình cần nỗ lực trau dồi và hun đúc đức tin của mình cho kiên vững để biết rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là cùng đích và là điểm tựa đích thực của cuộc đời, nếu không có Chúa đời tôi sẽ trở nên vô nghĩa.

Bên cạnh đó, tôi còn rút ra cho mình những kinh nghiệm thiết thực cho sứ vụ sau này. Qua việc tiếp cận mục vụ vào mỗi ngày Chúa Nhật, tôi ý thức hơn về trách nhiệm rao giảng Tin Mừng và trở nên chứng tá giữa đời.“Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (ĐGH Phaolô VI). Vậy tôi có thể làm chứng cho Đức Kitô bằng cách nào? – Mục vụ người già yếu là quan tâm, chăm sóc, thăm viếng, nâng đỡ, ủi an họ vì họ là những người dễ bị lãng quên nhất. Họ sống dưới ánh mắt người đời là những người vô dụng, yếu ớt, chẳng đóng góp, giúp ích được gì. Thế nhưng, qua con mắt đức tin, tôi nhận ra nơi họ một tầm quan trọng đối với đời sống Giáo Hội. Người già chính là nguồn lưu truyền đức tin nơi các gia đình – là tế bào của Giáo Hội, họ còn là mối dây liên kết mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện – họ cầu nguyện cho chính mình và cho con cháu. Đức Thánh Cha Phanxicô từng nói: “Ơn gọi của người già là đời sống kinh nguyện[1]. Vì thế, trong những lần thăm viếng, tôi luôn dành lời an ủi, động viên, khích lệ quý ông bà cụ xác tín hơn vào lòng thương xót của Thiên Chúa và gia tăng thêm đời sống cầu nguyện, giải thích cho họ hiểu rằng họ không vô dụng nhưng thực sự quan trọng nhờ chính đời sống cầu nguyện của mình. Để qua chính những lời cầu nguyện hằng ngày sẽ giúp họ bình an và mạnh sức vượt qua những đau đớn về thể xác mà vững lòng mong đợi ngày Chúa đến viếng thăm đời mình.

Ngay từ buổi đầu, Chúa Giêsu đã sai các môn đệ ra đi không chỉ để loan báo Tin Mừng trên môi miệng, nhưng còn cụ thể hóa bằng những việc làm bác ái – chữa lành bệnh tật, cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc…[2] Tiếp nối truyền thống ấy, Giáo Hội vẫn tiếp tục nhắc nhở con cái mình quan tâm đến những người bé mọn này. Là một chủng sinh, tôi cũng hòa mình vào tinh thần ấy của Mẹ Hội Thánh. Qua việc tiếp cận mục vụ, tôi đã có được cho mình những bài học rất quý giá!

.

  1. Ngày 25/07/2021, Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới đầu tiền về Ông Bà nội ngoại.

  2. X. Mt 25,31-46.

Comments are closed.