BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 10 – LỚP TRIẾT HỌC II – KHÓA XVIII

BÀI CẢM NHẬN MỤC VỤ

Ngày còn nhỏ, Mẹ chúng tôi thường nói: “Đi cho biết đó biết đây, ở nhà với Mẹ biết ngày nào khôn.” Chúng tôi nghe rồi để đó, cho mãi tới lúc trưởng thành, chúng tôi mới có thời gian ngẫm nghĩ về câu nói đó. Và hôm nay, khi chúng tôi có cơ hội trải nghiệm việc thực tập mục vụ, những dòng chữ ấy càng trở nên thấm thía. 

Anh em chúng tôi có cơ hội thực tập mục vụ tại một mái ấm. Nơi đây, theo cảm nhận của anh em chúng tôi, là chốn nương thân của những mảnh đời kém may mắn trên đời này. Người chịu trách nhiệm chính – người ở đây quen gọi là Thầy – là người có tấm lòng rộng lượng, cao cả. Thầy đón nhận những người rơi vào hoàn cảnh bần cùng nhất với mong muốn tạo cho họ cảm giác được quan tâm, chia sẻ, được đối xử như là người. Chúng tôi cảm được cái tâm và cái tầm ở Thầy và chúng tôi thực sự thấy may mắn vì có thể đóng góp chút sức lực vào công việc này.

Trước khi đến mục vụ lần đầu ở mái ấm, cũng như tâm trạng của bao “sự bắt đầu mới” khác, chúng tôi vừa háo hức, tò mò về những nơi sẽ đến, những người mới sẽ gặp và trò chuyện; vừa thấy hồi hộp, lo lắng – phần nhiều về những “tin đồn” nơi đây, phần khác vì đây là lần đầu tiên chúng tôi bước vào môi trường mục vụ thực tế sau quãng thời gian tu học năm Tu Đức. Quá nhiều tâm trạng lẫn lộn, nhưng có lẽ sự tò mò cùng nỗi sợ là cảm xúc lấn át hơn cả. Đôi lúc, chúng tôi tưởng rằng mình sẽ bỏ cuộc, nhưng vì sự thúc đẩy nào đó – có thể là Chúa Thánh Thần, chúng tôi cứ thế mà tiếp tục. Chúng tôi thầm nghĩ, nếu Thánh Gioan và Giacôbê được phép cho lửa từ trời xuống, có lẽ những cái miệng của những người tung tin đồn xứng đáng được thanh luyện! Nói như thế, chúng tôi lại càng cảm thấy ngưỡng mộ những người đã quảng đại cống hiến cuộc đời mình để phục vụ người khác, như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta và cả những anh, chị em đang phục vụ ở mái ấm. Họ chắc chắn đã phải chịu nhiều nỗi sợ, nhiều sự lo lắng hơn chúng tôi gấp vạn lần, nhưng chng vì thế mà họ từ bỏ, họ vẫn miệt mài từng ngày góp những màu sắc tươi mới cho bức tranh tăm tối của những người khốn cùng.

Lần trải nghiệm thực tế tại mái ấm để lại ấn tượng nhớ mãi. Rảo một vòng quanh mái ấm, từ những khu người bệnh, người liệt đến những dãy phòng nhỏ của người tâm thần bất ổn; rồi đến những giường bệnh của nhiều đứa trẻ bại não, cảm xúc của chúng tôi cũng leo lên xe và chạy nhiều vòng trong đầu chúng tôi. Có lúc chúng tôi cảm thấy thương hại, đồng cảm với những người già bệnh tật, bại liệt – phần lớn trong số họ đều “độc thân”, nghĩa là cô đơn vì chẳng ai quan tâm, ngay cả chính gia đình của họ. Có khi chúng tôi lại thấy khó hiểu, băn khoăn và thậm chí một chút căm ghét cuộc sống này. Chúng tôi tự hỏi rằng: “Tại sao những con người như họ lại rơi vào hoàn cảnh như thế? Và cuộc đời của họ có ý nghĩa gì?” Thật khó để nghĩ , nhưng trong chốc lát, chúng tôi nhận ra rằng có lẽ sự hiện diện của những người đang phục vụ ở đây và cả chúng tôi là câu trả lời. Đây là một phần của cuộc sống, chúng tôi “để lại tất cả mọi thứ phía sau và phục vụ Chúa nơi những người nghèo nhất trong số những người nghèo.[1]

Người ta nói: “Mùi hương giúp khơi gợi những kỉ niệm”, và mùi hương ở mái ấm – thứ vật chất được cộng hưởng bởi nhiều thứ uế chất khác nhiều lần làm chúng tôi sắp kêu tên một loại hoa – đã để lại cho chúng tôi nhiều kỉ niệm khó phai. Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng yêu cầu các mục tử phải “mang mùi chiên vào mình”, chúng tôi đã và đang mang mùi hương của mái ấm trên mình và để nó ở bên như một người bạn. Người bạn này sẽ nhắc nhớ cho chúng tôi về những phận người bé nhỏ và những người tự nguyện nên bé nhỏ tại mái ấm. Mặc cho những nghịch cảnh, họ vẫn ngày qua ngày giúp đỡ nhau với tình yêu thương theo tinh thần Chúa Giêsu. Chúng tôi đã có người bạn như thế!

Đaminh Saviô Trần Đỗ Đăng Khoa – Triết Học II

 

[1] Lm. Giuse Đinh Tất Quý & Trần Duy NhiênNgày 05/09: Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tuNgày 05/09: Thánh Têrêsa Calcutta, nữ tu (tgpsaigon.net)

Comments are closed.