Bài Tin mừng hôm nay đưa chúng trở về buổi chiều thứ năm Tuần thánh. Chúa Giêsu đang từng bước đến cuộc khổ nạn gần kề. Những lời dạy cuối cùng của Ngài có tầm mức đặc biệt quan trọng. Ngài nói với các môn đệ về giới răn trọng đại nhất trong sứ điệp Tin mừng: tình yêu thương nhau của các môn đệ. Hai cách nói cho chúng ta thấy sự long trọng của sứ điệp: « Đây là giới răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em » . Đây không phải là một lời khuyên hay khuyến dụ mà là một giới răn đề ra cho tất cả mọi người và có tính cách như một giới luật phải tuân hành.
Và tiếp đến, Ngài còn nhấn mạnh thêm: « Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng mình vì bạn hữu ». Đó là một ám chỉ đến sự hiến thân hoàn toàn mà Đức Kitô sắp làm nơi chính bản thân mình trong thời gian ngắn sắp tới. Vì vậy, bản văn nầy có giá trị như một di chúc.
Trước tiên, Chúa Giêsu mô tả sự chuyển thông tình yêu mà Ngài truyền lại cho chúng ta: “Như Cha đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương anh em. Hãy ở trong tình yêu của Thầy ». Tình yêu chân thật không đến từ chúng ta, và không khai triển bằng con đường sức mạnh tình cảm của chúng ta. Nhưng chính Cha chuyển thông nó cho Con để chúng ta tiếp nhận từ Ngài. Tông đồ Gioan cũng nhấn mạnh về chân lí đó: « Chúng ta hãy yêu thương nhau bởi vì tình yêu đến từ Thiên Chúa… Thiên Chúa là tình yêu ».
Cả khi người Kitô hữu không giữ độc quyền về tình yêu của Thiên Chúa và người khác, thì ai tin vào Chúa Giêsu Kitô cũng vẫn nhận được sức mạnh yêu thương từ trái tim của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Yêu thương trước tiên là ơn ban của Thiên Chúa: Người ta tiếp nhận và chăm sóc nó trong cuộc sống để « được bám rễ sâu trong tình yêu » (Ep 3,17). Như thế, tình yêu hôn nhân đến từ Thiên Chúa và phải được tiếp nhận như một món quà giúp cho đời sống nên phong phú. Ai cảm thấy khó khăn để yêu thương thực sự, ai không thể tha thứ hoặc chịu đựng người khác, hoặc chia sẻ với họ thì điều trước tiên là phải cầu nguyện để xin ơn ấy. Chúng ta sống trong một thế giới đang đau khổ vì hận thù và bạo lực của con người. Vì thế mỗi ngày chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho chúng ta và ban cho thế gian ước muốn cháy bỏng yêu thương như Ngài và với Ngài.
Như thế, chúng ta đang ở trung tâm đời sống Kitô giáo. Yêu thương biến chúng ta nên giống Thiên Chúa. Khi yêu thương như Ngài, chúng ta mang lấy dấu ấn thần linh. Chúng ta tạo nên hình ảnh của Ngài. Chắc chắn hình ảnh ấy chưa hoàn hảo: nó bị méo dạng vì tội lỗi của chúng ta, vì tính ích kỉ và dửng dưng của chúng ta. Nhưng ngang qua tình yêu, chúng ta được nhận biết là con cái Thiên Chúa: “Tất cả những ai yêu thương đều là con cái Thiên Chúa và nhận biết Thiên Chúa”.
Chắc chắn để đạt đến tầm mức đó, cần phải lưu ý đến phẩm chất của tình yêu. Thật vậy, có nhiều biến dạng mà chúng ta phải cảnh giác. Trong ngôn ngữ chúng ta, động từ yêu thương mang nhiều sắc thái khác nhau đi từ chỗ cao cả đến chỗ thấp hèn nhất. Từ ngữ mà ta gọi là tình yêu được xử dụng trong các bài hát, văn chương và cuộc sống hằng ngày thường là cái bẫy. Nó mang lấy nhiều ý nghĩa khác biệt để rồi cuối cùng không có một ý nghĩa nào cả.
Có những cấp độ tình yêu như :
Người ta thích được yêu: rõ ràng là tất cả chúng ta đều cần được nhận biết, yêu thương và đánh giá cao. Nhưng tình yêu vụ lợi có thể thoái hóa thành ích kỉ. Vì thế cần phải cảnh giác.
Cấp độ thứ hai, đó là tình trạng của người cảm thấy thích thú yêu thương người khác: khi người ta hiến thân cho một điều cao cả, người ta cảm thấy thỏa mãn. Đó là điều tốt. Nhưng với điều kiện là nó không được thoái hóa thành tình yêu vị kỉ nhằm chế ngự kẻ khác.
Cấp độ thứ ba: yêu thương người khác vì họ, hoàn toàn nhưng không và không mong muốn đáp đền.
Dĩ nhiên cả ba cấp độ đều hiện diện trong cách chúng ta yêu thương. Nhưng tình yêu chân thật làm cho chúng ta giống Thiên Chúa, đấng yêu thương chúng ta trước. «Người đã sai Con của Ngài tự hiến dâng vì tội lỗi chúng ta ».
Chương trình to lớn mà Thiên Chúa dự định cho thế gian là tất cả mọi người cuối cùng được qui tụ trong một đại gia đình trong tình anh em với nhau, dù thuộc văn hóa hay tôn giáo nào. Ước muốn của Ngài là nhìn thấy chúng ta tiếp nhận và sống hòa thuận với nhau: « Điều Thầy mong muốn là anh em hãy yêu thương nhau ». Ước gì Thánh Thể mà chúng ta cử hành và đón nhận làm cho chúng ta được nuôi dưỡng và không ngừng lớn lên trong tình yêu của Chúa.
Phục vụ Lời, Đại Chủng viện Xuân Lộc