Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Con hy vọng cha có thể giúp đỡ con trong hai câu hỏi về Mùa Phục sinh. 1) Tại giáo xứ của con, chúng con thực hiện nghi thức Rảy Nước thánh vào đầu Thánh lễ trong các lễ Chúa nhật mùa Phục Sinh. Nước được lấy từ bình nước lớn được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh. Trước khi nghi thức rảy Nước thánh bắt đầu, linh mục làm phép nước lần nữa. Lý do đưa ra cho thực hành này là rằng trong sách bí tích, chỉ có hai lựa chọn cho việc chuẩn bị nước, một sự làm phép nước trong Mùa thường niên và một sự làm phép nước trong Mùa Phục sinh. Liệu không có sự lựa chọn nào khác, đặc biệt là sự làm phép nước cho phép sử dụng, trong suốt mùa Phục Sinh, nước thánh đã được làm phép một cách long trọng nhất trong lễ Vọng Phục sinh chăng? 2) Nhiều giáo xứ (không phải chỉ giáo xứ chúng con) đặt một bức tượng Chúa Phục Sinh ở một vị trí nổi bật trong nhà thờ trong mùa Phục Sinh. Con còn nhìn thấy một số nơi duy trì các trang trí Bàn thờ tạm trong mùa Phục sinh nữa, thay thế cho việc đặt tượng Chúa Phục sinh. Con luôn hiểu rằng cây nến Phục sinh là biểu tượng chính của Chúa Phục Sinh trong mùa Phục sinh. Liệu việc đặt tượng như thế có làm giảm giá trị biểu tượng/biểu hiệu của cây nến Phục sinh không, và là tương đương với việc đặt một biểu tượng mới trong việc thực thi phụng vụ hiện nay không? – S. P., Philadelphia, Pennsylvania, Hoa Kỳ.
Đáp: Về câu hỏi số 1, tôi xin nói rằng quy chế phụng vụ đã giả định sẵn một hình thức rảy Nước thánh này mà không có sự làm phép thứ hai – nhưng chỉ vào Chúa nhật Phục Sinh mà thôi. Do đó, thông tư về Cử hành Đại Lễ Phục sinh của Tòa Thánh năm 1988 ghi rõ: “97. Thánh lễ cử hành trong ngày Mừng Chúa Phục Sinh rất long trọng. Trong thánh lễ này, thay vì nghi thức sám hối thì rảy nước thánh đã làm phép trong Đêm Canh Thức, trong lúc đó hát điệp ca ‘Tôi đã thấy nước’ (Vidi aquam), hay một bài thánh ca nào khác diễn tả đặc tính của bí tích Thánh Tẩy. Những bình đựng nước thánh ở cửa ra vào nhà thờ cũng được đổ đầy nước thánh mới làm phép này” (Bản dịch Việt ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Vào các ngày Chúa nhật khác, nghi thức dường như giả định rằng nước được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh không phải là nước được dùng trong nghi thức làm phép và rảy trước Thánh lễ. Bởi vì nghi thức được gọi là nghi thức “Làm phép và Rảy Nước Thánh”, người ta có thể phỏng đoán rằng cả hai sự việc (Làm phép và Rảy Nước) là cần thiết, và rằng Ngày Lễ Phục Sinh là một ngoại lệ do tính cách đặc biệt của nó.
Vào các thời điểm khác trong năm, nước thánh được làm phép trước đó không được sử dụng trong nghi thức này, ngay cả khi nó sẵn có. Vì vậy, có thể cho rằng nghi thức không dự tính việc sử dụng nước thánh ấy trong suốt 50 ngày Mùa Phục Sinh.
Tương tự như vậy, cũng không là đúng khi làm phép nước một lần thứ hai. Nước được làm phép trong lễ Vọng Phục Sinh là chủ yếu dành cho việc cử hành Thánh Tẩy trong Mùa Phục sinh. Trong trường hợp này, nghi thức làm phép nước Thánh Tẩy được bỏ qua.
Về câu hỏi thứ hai, tôi xin nói rằng mặc dù cây nến Phục Sinh là biểu tượng phụng vụ chính của Chúa Kitô Phục Sinh, nhưng nó không loại trừ các biểu tượng sùng kính khác.
Trưng bày một bức tượng hoặc cờ hiệu của Chúa Phục Sinh trong thời kỳ này có thể giúp làm sáng tỏ sự sùng kính và nhận thức về mầu nhiệm. Theo nghĩa này, nó là tương tự như hang đá lễ Giáng sinh. Điều quan trọng là cần lưu ý rằng chúng ta đang giải quyết trước tiên một sự thực hành sùng kính, chứ không phải là một đối tượng phụng vụ thay thế cây nến Phục sinh.
Vì lý do này, cần lưu ý đến vị trí và địa điểm của các hình ảnh này, để chúng giúp tăng cường sứ điệp Phục Sinh, trong khi không làm lu mờ biểu tượng phụng vụ chính.
Hỏi 3: Thưa cha, tại sao chúng ta che tất cả các tượng và thánh giá trong nhà thờ bằng vải màu tím, hai tuần trước lễ Phục Sinh? Liệu chúng con có thể mở rộng sự thực hành này ở nhà riêng của mình, bằng cách che tất cả các tượng và thánh giá trong văn phòng, nhà cửa, vv.., của chúng con không? Xin cha cho cho lời giải thích về mặt lịch sử? – B. C., Lagos, Nigeria.
Đáp: Mặc dù tập tục này rõ ràng là dấu hiệu của sự buồn bã và sự sám hối, phù hợp với bầu khí toàn Mùa Chay, nguồn gốc lịch sử của tập tục này có thể được tìm thấy ở nơi khác.
Có thể rằng tập tục này phát sinh từ việc dùng trong thời Trung Cổ một màn che hoặc rèm lớn trước bàn thờ vào đầu Mùa Chay, che giấu nó hoàn toàn cho người ta khỏi nhìn thấy. Tấm vải lớn này, vốn có bằng chứng từ thế kỷ IX, được gọi là ‘vải sự đói’ (Hungertuch) ở Đức.
Tấm màn này đã được tháo gỡ khi người ta đọc lời “Màn đền thờ xé ra làm hai” trong bài Thương Khó ngày thứ Tư Tuần Thánh.
Có thể có một số lý do cho sự thực hành này. Trước tiên, đó là một cách thực tiễn để thông báo cho người dân ít học rằng Mùa Chay đã bắt đầu. Nó cũng có thể là một dấu vết của việc thực hành cổ xưa về sự trục xuất các người phạm tội công khai khỏi nhà thờ vào đầu Mùa Chay. Dần dần sự sám hối công khai biến mất, nhưng vào Thứ Tư Lễ Tro tất cả các Kitô hữu trong một nghĩa nào đó chính thức nhập vào hàng ngũ các người đền tội. Do không còn việc trục xuất bất cứ ai ra khỏi nhà thờ, việc này được thực hiện một cách biểu tượng bằng cách che Nơi Cực Thánh, cho đến khi tất cả mọi người được hoà giải với Thiên Chúa vào Lễ Phục Sinh.
Theo nguyên tắc tương tự, nhiều nhà thờ trong thời cuối Trung Cổ bắt đầu che các tượng và thánh giá từ đầu Mùa Chay. Vào thế kỷ XVII, sách lễ nghi của các Giám mục đã hạn chế việc che cho hai tuần cuối Mùa Chay, hoặc từ Chúa Nhật V Mùa Chay, và tập tục này vẫn còn duy trì. Nếu không được che vào thời gian này, các tượng ảnh phải được che hoặc cất đi sau Thánh Lễ Tiệc Ly ngày Thứ Năm Tuần Thánh.
Căn cứ vào bối cảnh lịch sử của nguồn gốc của sự thực hành này, không có yêu cầu nào mở rộng sự thực hành cho nhà riêng, trường học hoặc các khu vực khác, mà ở đó các tượng ảnh được trưng cho mục đích sùng kính. (Zenit.org 20-4 và 4-5-2010)
Nguyễn Trọng Đa