[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6,36-38″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ
“Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ” (Lc 6,36).
Bài Tin mừng nhắc lại những lời dạy rất chân tình của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ. Trong mạch văn Tin Mừng theo thánh Luca, đây là đoạn nối tiếp liền sau “bài giảng khai mạc” nói về “các mối phúc” (c.20-23), “các mối họa” (c.24-26) và lời nhắc nhở chuyện “yêu thương kẻ thù” (c.27-35). Đoạn Tin Mừng rất ngắn, chỉ gồm ba câu (c.36-38). Nếu để ý, ta sẽ tìm thấy ý thâm sâu trong lời của Chúa Giêsu. Xuất phát từ câu đầu tiên, cụm từ “hãy có lòng nhân từ” chi phối tất cả các câu sau qua việc “đừng xét đoán”, “đừng lên án”, “hãy tha thứ” và “hãy cho”. Thử hình dung theo một biểu thức, ta có: “lòng nhân từ” bằng “đừng xét đoán”, “đừng lên án”, “hãy tha thứ” và “hãy cho”. Trên tất cả, “lòng nhân từ” dựa theo mẫu số Thiên Chúa, vì “Cha anh em là Đấng nhân từ”.
Nói về lòng nhân từ trong những tuần lễ đầu hành trình mùa Chay, Mẹ Giáo hội quả là có ý khi chọn đọc đoạn Tin Mừng này. Đó là lời mời gọi tha thiết dành cho tất cả con cái mình: “Hãy có lòng nhân từ” như Cha trên trời “là Đấng nhân từ”. Nếu ai nghĩ, Cha trên trời quá xa vời thì hãy tìm mẫu gương gần tầm tay hơn, con người Giêsu Kitô. Người cũng là Thiên Chúa nhưng đã làm người và ở giữa chúng ta. Người đã trở nên giống ta về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi. Và chắc chắn, Người là hình ảnh “lòng nhân từ” cụ thể nhất của Cha trên trời để ta noi theo. “Lòng nhân từ” ấy mong mỗi người trong cộng đoàn chúng ta đừng xét đoán, đừng lên án nhau nữa nhưng hãy tập tha thứ và cho đi.
Bước đầu là tập tha thứ. Tập tha thứ là tập yêu thương. Yêu thương để bớt xét đoán và tránh lên án. Yêu thương để khiêm tốn nhận ra ta cũng là tội nhân. Và, yêu thương để được thứ tha. Khi được giới báo chí chất vấn quan điểm của Giáo hội trước hiện trạng đồng tính nóng bỏng dạo gần đây, câu đầu tiên ĐTC. Phanxicô trả lời: “Tôi là ai mà dám xét đoán anh chị em mình”. Quả vậy, “ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). “Phần tôi, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi…” (Ga 8,11). “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47).
Bước sau là tập cho đi. Không phải cho cái xét đoán và cái lên án, nhưng là bao dung và yêu thương; không phải chỉ cho cái hữu hình nhưng cả cái siêu hình. Tập cho đi cũng là tập yêu thương. Yêu thương không ở nơi đầu môi chóp lưỡi nhưng cách chân thật và bằng việc làm (x. 1Ga 3,18). “Agape” thì tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả (x. 1Cr 13,7). “Agape” là cho đi tất cả, vì “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Như vậy, tập tha thứ và tập cho đi là tập yêu thương mà tập yêu thương thì có khác chi tập “hãy có lòng nhân từ”. Vấn đề còn lại là phần chúng ta!
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa dạy chúng con hãy có lòng nhân từ như Cha trên trời là Đấng nhân từ. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết thực thi Lời Chúa dạy, tập sống quảng đại và yêu thương hơn ngay trong chính cộng đoàn của mình. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, xin Chúa gia tăng lòng mến và sự kiên nhẫn nơi mỗi người chúng con. Amen.
[/loichua]