[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mc 7,31-37″]
Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói : “Ép-pha-tha”, nghĩa là : hãy mở ra ! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói : “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả : ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
Ý NGHĨA CỦA HÀNH ĐỘNG CHỮA LÀNH
“Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: ‘Ép-ra-tha’, nghĩa là: hãy mở ra!” (Mc 7,32-34).
Tin mừng Mác-cô hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành người câm điếc. Qua hành động chữa lành này, Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Từ đó, người Kitô hữu được mời gọi nhận ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, để làm chứng cho mọi người.
Sau khi chữa lành đứa con gái nhỏ của một bà gốc Phê-ni-xi xứ Syri, Chúa Giêsu bỏ vùng Tia vào miền thập tỉnh. Người ta đưa đến cho Chúa Giêsu một người câm điếc và xin Chúa Giêsu đặt tay trên anh với ý định chúc lành. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã kéo anh ra khỏi đám đông và chữa lành cho anh. Hành động chữa lành của Chúa Giêsu không phát xuất từ ý định của đám đông; hành động chữa lành của Chúa Giêsu cũng không đòi hỏi một đức tin nơi người bệnh như bao lần khác, nhưng hành động ấy phát xuất từ tình yêu của Chúa Giêsu trước những khó khăn và đau khổ của người bệnh. Thật vậy, bệnh câm điếc làm cho người bệnh không thể hòa nhập vào cộng đồng cách trọn vẹn. Hơn nữa, trong quan niệm người Do thái, bệnh tật là hình phạt dành cho người tội lỗi. Như thế, hành động chữa lành của Chúa Giêsu vừa giúp người bệnh hòa nhập vào cộng đồng vừa giao hòa người bệnh với Thiên Chúa. Ngoài ra, hành động chữa lành còn biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa nơi trần gian. Những hành động được Chúa Giêsu dùng: “Đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh”, là những hành động chữa bệnh thông thường của các lang y thời đó, nhưng cùng với lời chữa lành “hãy mở ra”, những hành động ấy trở nên hữu hiệu, nghĩa là mang giá trị chữa lành. Như thế, nơi hành động chữa lành của Chúa Giêsu, Thiên Chúa biểu lộ quyền năng tối thượng. Việc biểu lộ quyền năng qua hành động chữa lành trở thành dấu chỉ cho thấy triều đại Thiên Chúa đã thật sự hiện diện, như lời Chúa Giêsu đã khẳng định trong khởi đầu sứ vụ công khai của Người: “Thời kì đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Mc 1,15).
Người Kitô hữu được mời gọi đọc ra dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố cuộc đời. Qua đó, người Kitô hữu nhận ra tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, cách riêng nơi Bí tích Giao hòa. Người Kitô hữu được thôi thúc năng lãnh nhận Bí tích Giao hòa để được giao hòa với Thiên Chúa, đồng thời cảm nhận được tình yêu và quyền năng chữa lành của Thiên Chúa, ngõ hầu người Kitô hữu làm chứng cho sự hiện diện đầy yêu thương và quyền năng của Thiên Chúa cho mọi người.
Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con siêng năng lãnh nhận Bí tích Giao hòa để cảm nghiệm tình yêu và quyên năng của Thiên Chúa, hầu làm chứng cho tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa cho mọi người. Amen.
[/loichua]